Nguyên thủ các nước EU với cuộc chiến vaccine ngừa Covid-19 và căng thẳng địa chính trị

Quang Dũng 25/03/2021 08:10

Nguyên thủ các nước thành viên Liên minh châu Âu - EU tiến hành cuộc họp Thượng đỉnh trực tuyến trong hai ngày 25/3 và 26/3 với các chủ đề bao trùm là cuộc chiến xung quanh nguồn cung vaccine ngừa Covid-19.

Trong bức thư mời dự họp Thượng đỉnh gửi đến các nguyên thủ châu Âu ngày 24/03, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, ưu tiên lớn nhất của châu Âu vào thời điểm này là đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho dân chúng và hội nghị Thượng đỉnh lần này sẽ dành phần lớn thời gian để bàn về các nỗ lực thực hiện ưu tiên này.

Ảnh minh họa: Globsec.
Ảnh minh họa: Globsec

Hiện tại, nguồn cung vaccine cho các nước EU vẫn đang ở mức rất thấp so với nhu cầu và EU đang gia tăng căng thẳng với Anh xung quanh việc chia sẻ nguồn cung vaccine AstraZeneca.

Chiều 24/3, Ủy ban châu Âu đã tiến thêm một bước trong ý định cấm xuất khẩu vaccine AstraZeneca được sản xuất tại các nước EU khi thông báo cơ chế mới siết chặt các biện pháp xuất khẩu mặt hàng này. Theo cơ chế mới, các nước có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 trong dân chúng cao hoặc có các chính sách hạn chế xuất khẩu vaccine Covid-19 thông qua luật hoặc qua hợp đồng với các hãng cung cấp, sẽ bị cấm nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 sản xuất tại châu Âu.

Đây là biện pháp được xem là nhằm trực tiếp vào Anh, buộc Thủ tướng Anh Boris Johnson phải lên tiếng cảnh báo rằng châu Âu sẽ là bên chịu thiệt nếu cấm xuất khẩu vaccine AstraZeneca sang Anh. Nhằm hạ nhiệt căng thẳng, hai bên đã đưa ra tuyên bố chung trong tối ngày 24/3, khẳng định sẽ tiếp tục tìm kiếm một giải pháp mà hai bên đều có lợi.

Bên cạnh vấn đề vaccine Covid-19, hội nghị Thượng đỉnh EU lần này cũng sẽ tập trung bàn thảo về các căng thẳng địa chính trị hiện nay giữa châu Âu với nhiều đối tác lớn. Để thúc đẩy chủ đề này, phía châu Âu đã mời Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự phiên họp trực tuyến.

Trước đó, trong tuyên bố sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chiều 24/03, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell cho biết EU và Mỹ khẳng định thúc đẩy hợp tác trong chiến lược tiếp cận với Trung Quốc và thay đổi thái độ đối đầu của Nga hiện nay.

Ông Josep Borrell cho biết: “Chúng tôi đã đồng ý phối hợp các nỗ lực trong việc việc xử lý thái độ đối đầu hiện nay của Nga và khuyến khích Nga từ bỏ con đường này. Tuy nhiên chúng tôi vẫn sẵn sàng hợp tác với Nga trong các vấn đề có chung lợi ích”.

Dự kiến trong hội nghị Thượng đỉnh lần này, các lãnh đạo EU sẽ dành riêng một phiên thảo luận về quan hệ căng thẳng với Nga, trong đó có nghe báo cáo của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel về kết quả của các cuộc tiếp xúc mới nhất với Tổng thống Nga, Vladimir Putin.

Bên cạnh Nga, lãnh đạo EU cũng dự kiến sẽ bàn về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có việc căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải cũng như các cáo buộc vi phạm dân chủ gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ./.

Quang Dũng