Thẻ đỏ

Nguyễn Khắc An 25/03/2021 11:51

(Baonghean.vn) - Vậy là cuối cùng thì chiếc thẻ đỏ cũng được trọng tài Nguyên Vũ rút ra, tối 23/3, trên sân Thống Nhất 2 người đồng nghiệp rời sân cùng thời điểm theo hai hướng khác nhau.

Hoàng Thịnh vào bóng gãy chân Hùng Dũng trong trận Hà Nội thắng TP HCM 3-0 trên sân Thống Nhất ngày 23-3. Ảnh Lâm Thỏa (VNE)
Hoàng Thịnh vào bóng gãy chân Hùng Dũng trong trận Hà Nội thắng TP HCM 3-0 trên sân Thống Nhất ngày 23/3. Ảnh: Lâm Thỏa (VNE)

Ngô Hoàng Thịnh lầm lũi bước ra và ngồi vào vị trí ưu tiên dành cho cầu thủ bên lề sân cỏ, còn Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2019 Đỗ Hùng Dũng lên xe cứu thương vào bệnh viện.

Thưa bạn đọc, đây không phải là một bài bình luận thể thao, cũng không chỉ là câu chuyện chấn thương trên sân cỏ. Là tác giả muốn cùng bạn đọc một lần nhìn nhận lại vấn nạn bạo lực đang diễn ra một cách đáng báo động xung quanh chúng ta.

Từ sự việc còn “nóng hôi hổi”! Trong khuôn khổ giải bóng đá vô địch quốc gia (V.League vòng 5), phút 27 trận đấu giữa TP.HCM và Hà Nội trên sân Thống Nhất tối 23/3, khi tỷ số đang là 0-0, Đỗ Hùng Dũng đã bị Ngô Hoàng Thịnh đốn ngã bởi một cú đạp “thần chết”. Pha quay chậm cho thấy cầu thủ đội chủ nhà đã “túc phi” với một lực cực mạnh, khiến cổ chân của Đỗ Hùng Dũng gãy gập.

Đây không chỉ là tổn thất nhân sự của một đội bóng mà là mất đi một con át chủ bài trong hành trình đến với vòng loại World Cup 2022. Ngay tại tình huống kinh khủng đó ngài Park Hang-seo, huấn luyện viên của đội tuyển quốc gia Việt Nam đã rời khán đài xuống tận đường pites để xem xét tình hình. Thiết nghĩ, ông cũng như hàng triệu người hâm mộ có 2 nỗi buồn, một là mất đi một quân cờ chủ chốt, nhưng cái đáng buồn hơn là vấn nạn bạo lực trong thể thao nói riêng và trong cộng đồng xã hội nói chung đang đáng lo ngại.

HLV Park tin Hùng Dũng sẽ sớm trở lại với bóng đá. Ảnh VFF
HLV Park tin Hùng Dũng sẽ sớm trở lại với bóng đá. Ảnh: VFF

Theo báo cáo của bác sĩ CLB Hà Nội đang ở trong bệnh viện, Hùng Dũng bị gãy đôi ống đồng chân phải. Dự kiến cầu thủ này phải nghỉ thi đấu 1 năm để chữa trị chấn thương và hồi phục". Thế là xong! “quân ta” đã tự đốn hạ “quân mình”. Đã có đến cả trăm bài báo nói về vấn nạn bạo lực sân cỏ nhưng đã bao giờ chúng ta đặt câu hỏi nguồn gốc của nó? Áp lực thành tích ư? Có đúng thế không! Nếu chỉ đổ cho áp lực thành tích rồi “xuề xòa” trong cách giải quyết vấn đề thì có thỏa đáng không? Thử đặt câu hỏi rằng trên thế giới có giải quốc gia nào “chém đinh chặt sắt” như mình không? Nó là chiến thuật hay là văn hóa?

Một cầu thủ thi đấu trên sân lại được truyền hình trực tiếp nghĩa là đang công khai trình diễn trước hàng triệu cặp mắt giám sát. Ấy vậy mà họ vẫn không nương chân trước đồng nghiệp, nếu “thả” ra ngoài xã hội liệu họ có đủ hiền lành để mang lại sự an toàn cho những người xung quanh? Câu chuyện của sân cỏ nhưng vấn đề lại không chỉ quanh quẩn ở đó. Bạo lực ngự trị ngay trong môi trường chúng ta đang sống.

Đầu tiên phải kể đến là bạo lực học đường. Những năm gần đây bạo lực học đường nổi lên như là một vấn nạn đáng sợ. Học sinh đánh nhau một cách dã man. Đè đầu, đấm đạp, lột đồ… không phải một vụ mà hàng trăm vụ. Vụ này lắng xuống ít lâu thì vụ khác lại trồi lên. Hình như đấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi không phải lúc nào cũng được quay lại và công khai lên mạng xã hội. Và hành động của chúng ta là gì? Khoanh tay phát xét hay cùng chung trách nhiệm? Lâu nay chúng ta vẫn giải quyết vấn nạn này theo kiểu vá víu. Xảy ra ở đâu thì mổ xẻ ở đó. Lần nào cũng na ná lần nào vẫn là ai đó đứng ra trả lời báo chí theo kiểu “Chúng tôi sẽ kiểm tra, yêu cầu báo cáo để có kết luận. Quan điểm là xử lý nghiêm minh những học sinh vi phạm”, chấm hết. Rồi vụ việc khác lại xảy ra, rồi lại điệp khúc: “Chúng tôi sẽ kiểm tra, yêu cầu báo cáo để có kết luận. Quan điểm là xử lý nghiêm minh những học sinh vi phạm”, lại… chấm hết. Nước rỉ ở đâu thì bịt chỗ đó, mưa lúc nào vuốt mặt lúc ấy, cuối cùng thì vụ việc nào cũng kết thúc theo kiểu “còn nữa”! Nhưng công cụ giáo dục như tư vấn tâm lý, định hướng hành vi vẫn nằm trên… bàn tài liệu.

Nguyên nhân từ đâu, mâu thuẫn giữa học sinh với học sinh hay mâu thuẫn trong chính mỗi học sinh? Liệu có hay không mâu thuẫn giữa mục đích giáo dục và phương pháp giáo dục? Bệnh thành tích có phải là một phần của tội đồ? Giáo dục “chịu tội” khi hàng loạt bê bối giáo viên tác động trực tiếp và thô bạo vào tâm sinh lý học trò, điều ấy là không thể chối cãi. Một mô hình giáo dục với áp lực thi cử, áp lực thành tích đi cùng với đó và phương pháp tiếp cận lạc hậu so với sự phát triển bứt tốc của môi trường bên ngoài thì đương nhiên sự tổn thương là khó tránh khỏi. Nhưng đạo đức của trẻ vị thành niên mà khoán trắng cho giáo dục có phải là một đòi hỏi vừa quá sức, vừa quá bất công? Một xã hội mà ai cũng tìm cách nhét thật nhiều chữ vào đầu học sinh, coi đó như một chỉ số thành công bỏ mặc những kỹ năng khác của người học thì liệu phải chăng chỉ là lỗi của ngành giáo dục?

Sau pha bóng của Hoàng Thịnh. Ảnh: EVN

Thỉnh thoảng báo chí và các trang mạng đưa tin về hiện tượng mấy trùm giang hồ được tung hô đón tiếp như sao hạng A ở chỗ này chỗ kia. Quá lệch lạc, đừng nói những điều ấy vô can trong việc hình thành nhân cách của lứa tuổi học đường. Học sinh cần được lớn lên trong một môi trường giáo dục lành mạnh, nhưng giáo dục cũng cần được lớn lên trong một môi trường xã hội văn minh. Con trẻ hư thì người lớn không ai vô can cả. Chúng ta nói đến bạo lực sân cỏ, bạo lực học đường… tất cả những điều ấy không tự nhiên mà đến không tự nó mà sinh ra. Cái văn hóa, “thương người như thể thương thân” đã mai một. Va chạm xe, đánh nhau. Ép rượu, đánh nhau. Vay tiền đánh nhau, nợ tình đánh nhau và thậm chí ngay trong đám giỗ mà anh em cũng đánh nhau. Không phải đánh cho vui tay nhà mà đã có hàng trăm vụ án mạng mà nguyên nhân trực tiếp nghe rất lãng nhách. Đừng đổ lỗi cho chén rượu, đừng đổ lỗi cho một phút bốc đồng mà hãy xem như đó là một sự xuống cấp về văn hóa.

Một pha tranh cướp bóng dẫn đến tai nạn là một chuyện khác nhưng một pha bỏ bóng “oánh” người đến gãy chân lại là chuyện khác. Nó không còn là câu chuyện của thể thao mà là đạo đức. Không chỉ là câu chuyện đạo đức mà là câu chuyện pháp luật. Tại sao những vụ việc như thế này lại không được xem xét là hành vi cố ý gây thương tích với một bản án hình sự? Đừng ẩn trú sự thiếu nghiêm minh sau hai chữ nhân văn. Đừng coi bạo lực sân cỏ là một phần của thể thao. Sức ảnh hưởng của nó vô cùng lớn và khả năng lây nhiễm của nó ra cộng đồng là điều không khó để phát hiện nhưng lại không dễ để thừa nhận.

Bạo lực học đường hay bạo lực sân cỏ đều hình thành từ môi trường xã hội. Nó nhận “năng lượng” từ xã hội và chính nó lại góp phần vào bạo lực xã hội. Cần phải giải quyết tận gốc vấn đề. Cần phải xây dựng môi trường xã hội lành mạnh. Một xã hội không tồn tại những Đường Nhuệ, Minh Tuyền hay Khá Bảnh. Bạo lực đến từ đâu thì triệt tiêu từ đó. Ngoài những giải pháp mềm thì xã hội cũng cần những vị trọng tài sẵn sàng rút “thẻ đỏ”.

Nguyễn Khắc An