Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để kiểm soát tiền ảo
(Baonghean.vn) -Thời gian gần đây, người dân đổ xô đi săn lùng tiền ảo, bất chấp cảnh báo rủi ro từ cơ quan chức năng. Phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với thạc sỹ Thái Đình Hoàng - Trường Đại học Kinh tế Nghệ An về vấn đề này.
P.V: Với kiến thức nhiều năm tìm hiểu về tiền ảo, xin ông cho biết đôi chút về lịch sử của loại tiền này?
Ông Thái Đình Hoàng: Bitcoin bắt đầu được Satoshi thiết kế từ năm 2007 khi ông tin rằng có thể thiết kế được một hệ thống giao dịch mà các thành viên không cần tin tưởng nhau. Bitcoin lần đầu được nhắc đến vào ngày 31/10/2008 trong một bài đăng về giao thức thanh toán ngang hàng của nhân vật ẩn danh Satoshi Nakamoto. Ngày 5/10/2009, lần đầu tiên giá trị của bitcoin được niêm yết trên sàn giao dịch, khởi điểm ở mức 1 đô la Mỹ tương đương 1.309,03 bitcoin (hoặc 1 bitcoin = 0,00076 USD). Hiện tại, giá bitcoin đang ở mức dao động 56.000 USD cho mỗi bitcoin.
Bitcoin lần đầu được nhắc đến vào ngày 31/10/2008. |
Bitcoin chỉ là một trong số nhiều đồng tiền ảo đang được giao dịch, đầu tư. Đến nay, trên thế giới có hơn 8.000 đồng tiền ảo khác nhau. Tại Việt Nam cũng có hàng chục loại tiền điện tử ra đời, 2/3 số này là lừa đảo, không có thật như các dự án BTCV, DRK, iFan, Pincoin, Bitconnect… Những dự án này đã lừa đảo của người dùng từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu đô la. Nhiều người bán đất, bán nhà tham gia vào các dự án này nhưng cuối cùng tay trắng.
Một số dự án là có thật nhưng không có vốn, không đủ công nghệ, kế hoạch cụ thể… nên sau một thời gian giới thiệu thì giờ giá trị đi xuống, sống “vất vưởng” mà không ai quan tâm. Vì vậy, nếu ai muốn tham gia thị trường này thì nên tìm hiểu kỹ nếu không chỉ mất thời gian, mất tiền vô ích”.
P.V: Theo ông, nguyên nhân gì khiến tiền ảo gây sốt trong thời gian gần đây?
Ông Thái Đình Hoàng: Thứ nhất đó là trên thế giới chỉ có 21 triệu Bitcoin. Với nguồn cung hạn chế và lợi thế tách biệt khỏi các chính sách tiền tệ đã khiến Bitcoin trở thành một loại tài sản vững chắc. Vì thế giá của nó bị đẩy lên bởi sự đầu cơ về nhu cầu tiềm năng dành cho đồng tiền này.
Thứ hai là tâm lý sợ bỏ lỡ cuộc chơi của các nhà đầu tư. Họ sợ rằng bây giờ không đầu tư sau này giá bitcoin tăng mạnh muốn đầu tư cũng khó. Đặc biệt, sau mỗi sự kiện “Bitcoin Halving” (giảm một nửa số phần thưởng cho thợ đào khi họ khai thác được một khối Bitcoin mới), giá bitcoin lại tăng mạnh hơn.
Việt Nam cũng đang đứng thứ hai về lượng truy cập vào website của Pi Network. Ảnh: Tiến Hùng |
Thứ ba là bitcoin ngày càng được chấp nhận rộng rãi. Hãng thẻ Mastercard cũng cho biết sẽ sớm đưa một số loại tiền ảo vào mạng lưới thanh toán toàn cầu của mình trong năm nay. Còn hãng thanh toán PayPal thông báo sẽ cho phép khách hàng mua bán, lưu trữ và chấp nhận Bitcoin cùng nhiều loại tiền điện tử khác như một hình thức thanh toán. Bên cạnh đó, việc những lãnh đạo công nghệ như Elon Musk (Tesla) hay Jack Dorsey (Twitter) lên tiếng ủng hộ Bitcoin cũng góp phần giúp đại chúng biết đến đồng tiền này nhiều hơn.
Hiện nay, tại Việt Nam đang có các cơn sốt đào coin như các dự án Pi Network và Bee Network. Việt Nam cũng đang đứng thứ hai về lượng truy cập vào website của Pi Network, với mức tăng 266% trong tháng 2, cao nhất trong các thị trường. Ứng dụng này cũng nhiều lần nằm trong top 10 app được tải nhiều nhất Việt Nam. Nhiều cộng đồng người đào Pi trong nước xuất hiện trên mạng xã hội, thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia. Một dự án khác là Bee Network cũng ghi nhận số lượng thành viên đến từ Việt Nam nằm trong top 10 của mạng này.
Các dự án này được quảng cáo là "miễn phí" vì thế, đã đánh trúng vào tâm lý “không mất gì” của người dân. Tuy nhiên, người dân cần tỉnh táo "không có bữa ăn nào là miễn phí", người dân có thể đối mặt với nguy cơ cao bị chiếm đoạt các thông tin cá nhân bởi vì khi tham gia vào Pi Network thì người dùng phải cung cấp quyền truy cập vào danh bạ cũng như phải xác minh danh tính bằng việc cho Pi Network xem hồ sơ trên Facebook hoặc số điện thoại.
P.V: Cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo người dân về rủi ro khi đầu tư vào tiền ảo, ông đánh giá gì về vấn đề này?
Ông Thái Đình Hoàng: Việc các cơ quan chức năng cảnh báo người dân là có lý do, thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ việc nhà đầu tư thiếu hiểu biết, vì kỳ vọng từ mức lãi khủng mà bị kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ví dụ như các vụ ICO tiền ảo (Initial Coin Offering - Đợt phát hành Coin Đầu tiên), hay đầu tư vào những sàn lừa đảo, hay các bẫy đa cấp tiền ảo,...
Pháp luật Việt Nam không công nhận và cấm giao dịch các loại tiền kỹ thuật số, không coi đó là tài sản nhưng lại chưa có quy định nào cấm việc mua bán, tặng - cho tiền kỹ thuật số. Đây là kẽ hở, tạo cơ hội để các sàn giao dịch tiền ảo hoạt động công khai, rầm rộ với quy mô lớn nhằm trục lợi.
Người Việt đổ xô đi ăn tiền ảo với tâm lý "miễn phí". Ảnh: Facebook |
Có thể kể đến vụ việc được Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận gần đây, khi một số cá nhân bị lừa đảo số tiền lên tới hàng tỷ đồng do được mời chào đầu tư vào tiền ảo qua các sàn giao dịch trên mạng. Theo đó, nhóm đối tượng lừa đảo mời chào "con mồi" đầu tư trên sàn giao dịch tiền điện tử Binance và sàn đầu tư SGX để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
P.V: Theo ông, các cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì trong bối cảnh tiền ảo gây sốt như hiện nay?
Ông Thái Đình Hoàng: Từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp luật rõ ràng đối với tiền ảo và còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo được đặt ra. Cũng như chưa có quy định cụ thể về việc giao cơ quan nào quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Việc chậm ban hành khung pháp lý để quản lý tiền ảo sẽ càng làm gia tăng nguy cơ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội.
Thạc sỹ Thái Đình Hoàng - giảng viên Đại học Kinh tế Nghệ An: Ảnh: Tiến Hùng |
Vì thế, theo tôi, Nhà nước cần sớm ban hành quy định hay khung pháp lý đầy đủ về quản lý tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo; quản lý giao dịch tiền ảo. Trong đó, cần xem tiền ảo là một loại tài sản mới trong Bộ luật Dân sự.
Tuy nhiên, cũng chưa nên công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán bởi nó sẽ ảnh hưởng lớn tới chính sách tiền tệ khi điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ, tài chính và nhận thức của người dân chưa cao. Trong tương lai, khi nền tảng công nghệ, thị trường tài chính đã phát triển, sự tồn tại và phát triển của đồng tiền ảo đã ổn định thì lúc đó Việt Nam mới tính đến việc cân nhắc, xem xét tiền ảo có là một phương tiện thanh toán hay không.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử phạt các tổ chức có dấu hiệu lừa đảo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tiền ảo của người dân để chiếm đoạt tài sản.
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính vừa cho biết, thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCK) đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan công an về các vụ việc liên quan đến các sàn giao dịch, tiền ảo, chứng khoán có tính chất tương tự đã xẩy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đang có xu hướng diễn ra thường xuyên hơn (như Sàn giao dịch Rforex (tại trang web www.rforex.com) tại Q.Ba Đình, TP.Hà Nội; Sàn giao dịch Emrfx (www.emrfx.com) tại tỉnh Nghệ An...)
Theo cơ quan này, các sàn giao dịch trên thường có cùng một số đặc điểm tương đồng, chủ yếu hoạt động kêu gọi đầu tư trái phép do nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước (không xác định được tư cách pháp nhân) tự lập, lôi kéo nhà đầu tư tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức (mua bán chứng khoán quốc tế, đồng tiền kỹ thuật số, giao dịch quyền lựa chọn nhị phân (Binary Option) với hình thức dự đoán giá trị lên xuống của một tài sản (có thể là đồng tiền ảo crypto, vàng, chứng khoán, cổ phiếu, tỷ giá...).
Hiện tại, chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Theo pháp luật chứng khoán, tiền ảo không phải là một loại chứng khoán. “Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo”, Bộ Tài chính khẳng định.
Bộ Tài chính cũng cảnh báo, người dân cần nâng cao nhận thức về tài sản ảo, tiền ảo để tránh rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.