Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong tuần này

vov.vn 29/03/2021 10:02

Hôm nay (29/3), Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV bước vào tuần làm việc thứ hai. Trong kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ này, Quốc hội tiến hành kiện toàn 25 chức danh Nhà nước, trong đó miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và bầu người khác giữ các chức vụ này.

Bắt đầu quy trình kiện toàn các chức danh chủ chốt của Nhà nước

Theo chương trình nghị sự, vị trí đầu tiên được kiện toàn là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Cụ thể, ngày 30/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng như trình danh sách để Quốc hội bầu người giữ chức danh này. Tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ nhậm chức vào sáng 31/3.

Trong 2 ngày làm việc cuối tuần, Quốc hội cũng tiến hành miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Quốc hội chuẩn bị bầu tân Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và hàng loạt chức danh của Nhà nước, tại kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV.

Ngày 2/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Kết quả kiểm phiếu được công bố vào sáng 5/4, sau đó tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ.

Sau khi được bầu, Chủ tịch nước sẽ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ và tân Thủ tướng tuyên thệ nhậm chức vào chiều cùng ngày.

Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm và bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội. Nhiệm kỳ mới này, toàn bộ lãnh đạo Quốc hội đều không tiếp tục tham gia, tuy nhiên do nhân sự thay thế bắt buộc phải là Đại biểu Quốc hội nên có vị trí Phó Chủ tịch phải đến tháng 7/2021, tức sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, mới được kiện toàn.

Tương tự, do một số thành viên Chính phủ dự kiến tiếp tục giữ vị trí hiện tại nên Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Dự án luật Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cũng sẽ được Quốc hội thông qua.

Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và bầu người khác giữ chức danh này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm và bầu một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Lãnh đạo chủ chốt để lại nhiều dấu ấn

Các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ cũng như các ý kiến thảo luận tại Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV đều ghi nhận nhiệm kỳ 5 năm thành công với nhiều dấu ấn đổi mới, sáng tạo, hành động. Trong đó, vị trí, vai trò của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Chính phủ cùng tập thể lãnh đạo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Báo cáo trước Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, mặc dù nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước và đặc biệt, từ cuối năm 2018, với trọng trách Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, trong mọi thời điểm, Chủ tịch nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân.

Trong công tác và sinh hoạt luôn phấn đấu thể hiện trách nhiệm, gương mẫu, giản dị, gần dân, trọng dân, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, khẳng định vị thế của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã để lại nhiều dấu ấn trong nhiệm kỳ vừa qua.

Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội khóa XIV là một nhiệm kỳ thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với những thành tựu và dấu ấn nổi bật; tiếp tục gần dân, sát dân, có nhiều đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, lập pháp giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như hoạt động ngoại giao Nghị viện.

Các vị đại biểu Quốc hội đã luôn thể hiện bản lĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân; lắng nghe, phản ánh đầy đủ, kịp thời ý chí, nguyện vọng của nhân dân; phát huy trí tuệ, đóng góp vào thành công chung của Quốc hội. Từng đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội đã thực hiện đúng lời hứa với cử tri, đó là hành động vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Quốc hội khóa XIV đã để lại một nền tảng vững chắc cho khóa XV và các khóa tiếp theo.

Trong thành công chung của Quốc hội, theo các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thể hiện ấn tượng với vai trò chủ trì, điều hành, nhất là những phiên họp quan trọng để cùng tập thể không ngừng đưa hoạt động Quốc hội đổi mới, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội thường xuyên trao đổi, dành thời gian thỏa đáng làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương để nắm rõ tình hình, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo; cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa khoa học, hợp lý hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng như giám sát, hướng dẫn có hiệu quả hoạt động của HĐND các địa phương.

Trong khi đó Chính phủ nói chung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói riêng cũng để lại nhiều dấu ấn trong việc đưa “con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ” để đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Với tinh thần bám sát thực tiễn, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách. Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, luôn sâu sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình, tranh thủ thời cơ; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực.

Khi nhậm chức, Thủ tướng thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, kỷ cương. Và như ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá, điểm lại lời hứa đó có đi vào thực tiễn hay không thì thấy rằng “Thủ tướng đã nói đi đôi với làm. Người đứng đầu đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới địa phương với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”./.

vov.vn