Chính quyền, người đứng đầu sâu sát, quyết liệt thì giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai

Phạm Bằng 31/03/2021 12:25

(Baonghean.vn) - Thiên tai trong năm 2020 đã tác động lớn đến dân sinh, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghê An, từ bài học kinh nghiệm phòng chống, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị các ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ trong công tác PCTT-TKCN.

Sáng 31/3, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Các đồng chí: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Nguyễn Ngọc Hà - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Thiếu tướng Trần Khắc Bang - Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4, đại diện các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh.

THIÊN TAI GÂY THIỆT HẠI HƠN 1.320 TỶ ĐỒNG

Năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, vượt mức lịch sử trên khắp các vùng miền cả nước, với 14 cơn bão và 1 cơn áp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long,… Đặc biệt, chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, mưa lũ lớn lịch sử xảy ra tại khu vực Trung Bộ.

Riêng Nghệ An, năm 2020 là một năm thiên tai diễn biến rất phức tạp với 2 cơn bão; 31 đợt không khí lạnh, trong đó có 2 đợt rét đậm, rét hại; 15 đợt lốc, giông sét; 11 đợt nắng nóng. Đặc biệt, trong năm tỉnh có 4 đợt mưa, lũ khiến nhiều địa phương bị chia cắt, cô lập. Năm 2020 cũng đã xảy ra 59 vụ tai nạn, sự cố tàu thuyền trên biển, khiến 5 tàu cá bị cháy, 8 tàu cá bị chìm; làm 22 người bị chết, 8 người bị thương, 3 người mất tích.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Quang cảnh Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: Phạm Bằng

Thiên tai trong năm 2020 đã tác động lớn đến dân sinh, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Thiên tai đã làm chết 17 người; bị thương 13 người; 54 nhà bị sập; 3.314 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 1.506 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; nhà bị ngập 19.865 nhà. Thiệt hại về sản xuất nông lâm nghiệp và công trình hạ tầng ước tính hơn 1.327 tỷ đồng.

UBND tỉnh đánh giá, năm 2020, công tác phòng, chống thiên tai tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo nghiêm túc, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cùng các ngành, địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ, chuẩn bị tốt cả 3 khâu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại về người, tài sản, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Đại tá Nguyễn Ngọc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Đại tá Nguyễn Ngọc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là sự chủ động phòng ngừa, sẵn sàng vào cuộc từ sớm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Ở đâu chính quyền quan tâm, người đứng đầu sâu sát, quyết liệt, cụ thể và bộ máy tham mưu chỉ đạo điều hành được quan tâm, hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả thì ở đó thiệt hại do thiên tai được giảm thiểu.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn phòng ngừa, ứng phó thiên tai ở một số địa phương, đơn vị phát huy hiệu quả chưa cao; một bộ phận cán bộ, người dân và chính quyền địa phương còn chủ quan, thiếu chủ động ứng phó… số người tử vong do bão, mưa lớn, ngập lụt vẫn còn xảy ra.

Ông Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thông báo cáo tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: Phạm Bằng
Ông Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: Phạm Bằng

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ, LẤY PHÒNG LÀ CHÍNH

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, từ tháng 6-7/2021, bão và ATNĐ có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông; từ tháng 5 - 8/2021, trên các sông Nghệ An có khả năng xảy ra vài đợt lũ nhỏ. Song nắng nóng sẽ không gay gắt và kéo dài như năm 2020, nhiệt độ trung bình từ 25.5 - 27độ C.

Tại hội nghị, đại diện các huyện: Tương Dương, Hưng Nguyên, Diễn Châu; các đơn vị: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công ty cổ phần Thủy điện Bản Vẽ đã nêu lên nhiều kinh nghiệm trong công tác PCTT-TKCN và đề xuất các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, qua đó giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành, đoàn thể, người dân trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2020, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh kết luận hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh kết luận Hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn còn lớn, nguồn lực khắc phục các tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai còn hạn chế, còn thiếu sót trong công tác xả lũ của các nhà máy thủy điện; tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều vẫn còn nhiều.

Nhiệm vụ trong năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng, theo dự báo thì hiện tượng lốc xoáy, mưa đá, khô hạn, mưa lũ được nhận định có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên địa bàn. Vì vậy, công tác PCTT phải được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và ngay từ bây giờ các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị phải tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCTT - TKCN.

Tình trạng ngập lụt trong đợt mưa năm 2020 diễn ra nặng nề tại nhiều khối trên địa bàn phường Bến Thủy, TP Vinh. Ảnh: Quang An

Nhấn mạnh phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, lấy phòng là chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành PCTT-TKCN năm 2020, triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong năm 2021. Tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, xác định rõ trách nhiệm từng thành viên trong Ban chỉ đạo.

Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, xây dựng, cập nhật, bổ sung, phê duyệt kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai, không để bị động, bất ngờ với phương châm “4 tại chỗ”. Áp dụng hài hòa những kinh nghiệm truyền thống, bên cạnh các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới trong công tác PCTT. Đặc biệt, phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các lực lượng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 5 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT-TKCN năm 2020. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT-TKCN năm 2020. Ảnh: Phạm Bằng

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cũng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập; giám sát vận hành hồ chứa và đảm bảo thông tin cho người dân vùng hạ du khi xả lũ; kịp thời sửa chữa công trình phòng chống thiên tai bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn, khắc phục sạt lở, ổn định dân cư. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; tăng cường công tác tập huấn, diễn tập PCTT-TKCN.

Dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT-TKCN năm 2020./.

Phạm Bằng