Cựu Đại tá công an ở Nghệ An thâm nhập đường dây đa cấp huy động vốn
(Baonghean.vn) -Từng là điều tra viên cao cấp, một cựu lãnh đạo cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã tự bỏ tiền túi để tham gia vào đường dây Lion Group nhằm vạch mặt hình thức kinh doanh đa cấp trái phép này.
Hình thức lừa đảo không mới
Hơn 4 tháng trước, Báo Nghệ An có loạt bài phản ánh về các mô hình đa cấp huy động vốn thời 4.0, trong đó có nhắc đến Lion Group. Ngay sau tuyến bài, cơ quan chức năng đã có văn bản cảnh báo, thậm chí nghiêm cấm các giáo viên tham gia vào mô hình này.
Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo, nhiều người đổ xô đầu tư, thậm chí còn giấu gia đình vay mượn để đầu tư vào đây. Đặc biệt là các giáo viên. Sau khi cảnh báo, nhiều người còn lên mạng xã hội tự hào là thành viên của Lion Group và khẳng định đây không phải mô hình đa cấp.
Theo như quảng cáo, hình thức đầu tư này do Tổ chức tài chính Lion Group khởi xướng và điều hành. Chỉ cần tham gia khoản tiền tối thiểu 1.000 USD, "nhà đầu tư" không cần làm gì cũng có thể giàu lên nhanh chóng, bởi vậy không ít người đã lao theo.
“Nhiều người tham gia vào đường dây này. Họ rủ rê cả tôi, nên tôi quyết định phải thâm nhập để bóc trần bản chất lừa đảo của hình thức huy động vốn đa cấp này”, Đại tá Hồ Bá Võ (63 tuổi, TP. Vinh), nói với phóng viên Báo Nghệ An.
Lion Group ở Nghệ An thường xuyên tổ chức gặp gỡ, lôi kéo người tham gia. Ảnh: TH |
Trước khi về hưu 5 năm trước, ông Võ từng là điều tra viên cao cấp, Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An. Là một điều tra viên dày dặn kinh nghiệm, ông Võ chẳng mất nhiều thời gian để thâm nhập vào đường dây này. Ông dùng lương hưu của mình, đầu tư vào một nhánh của tổ chức này như một thành viên.
Sau một thời gian thâm nhập, ông Võ kết luận đây là một hình thức lừa đảo không hề mới, được tổ chức chặt chẽ theo từng "xâu" mà người tham gia sẽ được gọi là "nhà đầu tư". Mỗi nhà đầu tư sẽ được cấp 1 tài khoản để đóng tiền vào. "Ban chuyên gia" là những người trực tiếp điều hành, kiểm soát hệ thống.
Các nhà đầu tư sẽ tạo tài khoản trên hệ thống để nạp tiền (đã được quy đổi sang đồng USD), sau đó tạo thêm tài khoản để giao dịch trên thị trường ngoại hối qua sàn giao dịch Fx trading markets. Số tiền của các nhà đầu tư sẽ được "ban chuyên gia" giao dịch giúp với cam kết sẽ kiếm lợi nhuận tối thiểu 22% số tiền đã đầu tư. Nhà đầu tư mất 1,2% trên tổng số tiền đầu tư cho hoạt động của các chuyên gia điều hành. Những người giới thiệu người khác tham gia mở tài khoản sẽ được nhận phí hoa hồng giao dịch dựa trên tài sản và khối lượng giao dịch. Nếu tài sản giao dịch càng nhiều thì hoa hồng càng cao.
Một hội thảo của Lion Group ở Nghệ An thu hút lôi kéo được rất nhiều người đến dự. Ảnh: TH |
"Lion Group không kinh doanh gì để tạo ra sản phẩm mà chỉ dùng chiêu trò lấy tiền người đầu tư sau trả lãi suất cao cho người đầu tư trước. Tại Việt Nam, có khoảng 44.000-55.000 người tham gia hệ thống này, trong đó có khoảng 95% nhà đầu tư mất trắng, chỉ có 5% người kiếm được tiền, thậm chí là rất nhiều tiền", Đại tá Hồ Bá Võ thông tin.
Cũng theo ông Võ, con số 5% người được tiền là các chuyên gia hoặc người đầu "xâu" bởi đây là nhóm người có thể thao tác, điều tiết số tiền trong hệ thống của các nhà đầu tư bằng các thuật toán để chuyển sang các ngân hàng thương mại, rút và ăn chia với nhau. Tuy nhiên cách thức chuyển tiền từ hệ thống của Lion Group sang ngân hàng thương mại thì vẫn là một ẩn số chưa thể làm rõ.
Khó xử lý hình sự
"Theo điều tra, xác minh của cá nhân tôi, các đầu "xâu" kết nối với nhà cái trong khoảng thời gian từ 22h đến 4h sáng hôm sau. Điều này chứng tỏ máy chủ điều hành hoạt động của hệ thống nằm ở nước ngoài. Mặt khác "nhà đầu tư" cấp 1 khi mất tiền cũng không biết là ai đã chiếm đoạt nên khó có bằng chứng để tố cáo hành vi lừa đảo kiểu này", ông Võ cho hay.
Theo vị nguyên Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra thì đấu tranh, xử lý tổ chức này đang là vấn đề rất khó khăn đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vì vậy mà Ngân hàng Nhà nước, cơ quan công an hiện nay chỉ có thể ra thông báo cho người dân biết để không tham gia gửi tiền vào đường dây huy động vốn đa cấp này, chứ chưa xử lý bằng hình sự được.
"Việc tuyên truyền để giúp nhân dân nhận diện đúng bản chất của hình thức huy động vốn đa cấp này, không tham gia, không tiếp tay, lôi kéo người khác tham gia là điều cực kỳ quan trọng và cần thiết trong bối cảnh này", ông Hồ Bá Võ kiến nghị.
Mánh khóe đi "làm từ thiện" nhằm tạo lòng tin, tiếp cận và lôi kéo khách hàng. Ảnh: TH |
Cũng chính vì chưa thể xử lý hình sự, nên các chân rết của Lion Group vẫn đang công khai lôi kéo người dân đầu tư vào đây. Những người này thường mua ô tô đắt tiền bằng hình thức trả góp để khoe mẽ, làm màu, nhằm lôi kéo người có lòng tham để huy động tiền gửi. Trên nắp capo xe oto các thành viên được dán hình ảnh đầu con sư tử, để xác định thương hiệu. Họ cũng thường “làm từ thiện” bằng cách trao tặng quà cho người dân những nơi khó khăn, bão lụt… Tặng quà cho các trường học nhằm mục đích tiếp cận và lôi kéo giáo viên tham gia. Số tiền từ thiện này do các thành viên đóng góp theo hình thức bắt buộc. Đây là nghĩa vụ để tổ chức này tiếp tục tồn tại và quảng cáo cho mình. “Họ thường xuyên đưa thông tin về các thành viên mua sắm tài sản nhiều tiền đăng tải trên mạng xã hội để câu nhử và thậm chí còn tổ chức hội thảo công khai nhằm lôi kéo thành viên”, ông Võ kể.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, Lion Group là tổ chức tự xưng, hoạt động huy động vốn đa cấp trái pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan chức năng rất khó xử lý vì máy chủ đặt ở nước ngoài, hơn nữa, người chơi khi mất tiền cũng không biết ai lấy của mình. Còn người được cũng khó biết được của ai, nên người mất không có bằng chứng để tố giác hành vi lừa đảo kiểu này.
Công an một số địa phương hiện đã phát cảnh báo tới người dân về tổ chức Lion Group. Theo nhận định của cơ quan công an, một khi không thu hút được nhà đầu tư mới, mạng lưới hoạt động của tổ chức Lion Group sẽ sụp đổ khi không đủ tiền để chi trả, nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền. Người tham gia sẽ không được pháp luật bảo vệ và tiềm ẩn nguy cơ mất tiền và lộ, lọt dữ liệu cá nhân.Tại miền Trung, Lion Group phát triển tại một số địa phương, núp bóng dưới các tên như: “cộng đồng đầu tư tài chính”, “kinh doanh 4.0”… hoạt động rầm rộ trên Facebook, Zalo… có dấu hiệu bất thường trong huy động, kinh doanh ngoại hối. Công an khuyến cáo đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công nhân viên, người lao động và người dân cần cảnh giác với hoạt động kinh doanh tài chính bất thường, bất hợp pháp nhiều rủi ro; không để bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia, gây mấy an ninh trật tự...