Tai biến sản khoa tăng gấp ba do Covid-19
Đại dịch Covid-19 làm tăng tỷ lệ thai chết lưu, thai phụ tử vong, trầm cảm trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước thu nhập thấp, trung bình.
Theo dữ liệu được tổng hợp từ 40 nghiên cứu trên 17 quốc gia, đăng trên tạp chí Y khoa Lancet hôm 31/3, Covid-19 làm tăng gấp ba lần số ca thai nhi chết lưu và thai phụ tử vong. Trong khi đó, tỷ lệ mang thai ngoài tử cung tăng gấp 6 lần (tính từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2021). Mang thai ngoài tử cung nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng máu chảy trong ổ bụng, nguy hiểm tính mạng. Số thai phụ mắc các triệu chứng trầm cảm, lo lắng trước và sau thời gian thai sản cũng cao hơn khi dịch bệnh chưa bùng phát.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học St. George, London, Anh, cho rằng, thay đổi này có thể xuất phát từ việc thai phụ không được chăm sóc y tế đầy đủ khi phần lớn bệnh viện quá tải vì bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, một số phụ nữ tránh đến các cơ sở y tế vì lo ngại tiếp xúc với nCoV.
Không có sự thay đổi ở tỷ lệ mổ lấy thai, kích thích chuyển dạ, hay tỷ lệ phụ nữ gặp các biến chứng thai sản, như huyết áp cao, tiểu đường thai kỳ.
Ngược lại, số ca sinh non trên thế giới giảm 10% ở các nước thu nhập cao sau hơn 1 năm Covid-19 xuất hiện. Tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp và trung bình không thay đổi. Tiến sĩ Kalafat, đồng tác giả nghiên cứu từ Đại học Koc, Thổ Nhĩ Kỳ, hy vọng nghiên cứu mới sẽ mở ra cánh cửa giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về nguyên nhân sinh non - vốn rất khó để xác định.
Một phụ nữ và đứa con mới chào đời tại Barcelona, năm 2019. Ảnh: UNICEF |
"Với những gì học hỏi được từ đại dịch Covid-19, chúng ta đang đứng trước cơ hội chưa từng có để lên kế hoạch cho tương lai chăm sóc thai sản toàn diện, bình đẳng trên toàn thế giới", Kalafat nhận định.
Tiến sĩ Asma Khali, trưởng nhóm nghiên cứu, từ Khoa Sản Đại học St. George, nói rằng các nghiên cứu gần đây chứng minh gián đoạn từ đại dịch ảnh hưởng tỷ lệ tử vong có thể tránh được ở phụ nữ và trẻ nhỏ, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp, trung bình.
Ông kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các đơn vị chăm sóc sức khỏe ưu tiên chăm sóc thai sản an toàn, dễ tiếp cận và công bằng, nhằm giảm ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe thai sản toàn cầu.
Tiến sĩ Denise Jamieson, Đại học Emory, Mỹ, bày tỏ lo ngại trước kết quả nghiên cứu. "Nhìn chung, nghiên cứu cung cấp bằng chứng thuyết phục cho thấy tác động của đại dịch đã vượt xa những ảnh hưởng của việc con người nhiễm nCoV", ông nói. "Những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng tới sức khỏe các bà mẹ và trẻ sơ sinh có thể tồn tại lâu dài sau đại dịch".
Jamieson cho biết vấn đề tương tự từng xảy ra tại một số quốc gia khi dịch Ebola bùng phát năm 2013. "Khi một căn bệnh truyền nhiễm tiêu tốn rất nhiều nguồn lực chăm sóc sức khỏe và ảnh hưởng phần lớn dân số, sức khỏe thai phụ và trẻ sơ sinh sẽ bị ảnh hưởng", ông khẳng định.