Nhận diện, đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị và ý nghĩa sự kiện 30/4/1975

Lê Mật 28/04/2021 15:41

(Baonghean.vn) - Dù ai đó cố tình xuyên tạc, bóp méo thì cũng không thể làm lu mờ giá trị, ý nghĩa của sự kiện 30/4/1975 đối với tiến trình phát triển đất nước Việt Nam từ cội nguồn đến hiện tại và tương lai.

Giá trị, ý nghĩa sự kiện 30/4/1975 vẫn còn đó

Để có chiến thắng ngày 30/4/1975, nhân dân Việt Nam yêu nước chân chính phải đấu tranh kiên cường, bền bỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng đó thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức sống mãnh liệt của văn hóa và con người Việt Nam, không chỉ dân tộc Việt Nam mà nhân loại tiến bộ trên thế giới đều thừa nhận, trân trọng, tự hào và ngưỡng mộ.

Ngày toàn thắng 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc như một sự kết thúc chiến lược vô song, trở thành biểu tượng cho trí tuệ và tinh thần Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc ta và của nhân loại tiến bộ trên thế giới; giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là kết quả sự hy sinh, nỗ lực to lớn toàn dân tộc trong cuộc đấu tríđấu lực quyết liệt, lâu dài giữa ta và địch; của sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chỉ huy ở tầm vĩ mô kết hợp với hoạt động chiến đấu cụ thể của từng cán bộ, chiến sĩ ở từng chiến trường, đơn vị.

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng dinh tổng thống ngụy (nay là Dinh Thống Nhất). Ảnh tư liệu
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Tổng thống ngụy (nay là Dinh Thống Nhất). Ảnh tư liệu

Thắng lợi ấy chứng minh rằng, một dân tộc đất không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của Đảng có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, lại được sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực đế quốc xâm lược. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, là sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc[1].

Sức mạnh chiến thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đưa đến ngày toàn thắng 30/4 đã tác động, lan tỏa ra toàn thế giới; trở thành niềm tự hào lớn của nhân loại tiến bộ, là ngọn lửa rực sáng thúc giục hàng triệu trái tim nhân dân thuộc địa, yêu chuộng hòa bình bảo vệ công lý, giành độc lập, tự do. Vì vậy, ngay khi nhân dân ta vừa làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 thì toàn thể nhân loại tiến bộ đều hướng đến Việt Nam với tấm lòng kính phục, cùng chia sẻ niềm vui, giành nhiều lời hay, ý đẹp ca ngợi chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam.

Chỉ tính đến cuối năm 1975 đã có hàng trăm bức điện, diễn văn, bài phát biểu của trên 100 quốc gia, các tổ chức đảng cộng sản, công nhân, dân chủ quốc tế, các nhà hoạt động chính trị nổi tiếng chúc mừng, ca ngợi Việt Nam. Không chỉ có các nước XHCN như Liên Xô, Cu Ba, Trung Quốc, Triều Tiên, Đông Âu… mà còn là các nước tư bản như Anh, Pháp, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản…; từ các nước ở châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Inđônêxia, Myanma, Lào, Campuchia, Irắc, Xri Lanca… đến các nước ở châu lục xa xôi như Úc, Canađa, Brazin, Angiêri, Nam Phi, Môdămbích, Uganđa, Xuđăng, Chilê, Côlômbia, Mêhicô, Pêru…; từ các đảng cộng sản đến Liên hiệp công đoàn thế giới, Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới, Liên đoàn các nhà khoa học thế giới, Liên đoàn sinh viên quốc tế, Hội đồng hòa bình thế giới, Tổ chức Phụ nữ quốc tế, Tổ chức các nhà báo quốc tế, Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi, Tổ chức đoàn kết 3 châu, Hội Nhà báo và Hội Nhà văn Á - Phi, Hội Luật gia Ả rập…, kể cả nhân dân tiến bộ nước Mỹ[2].

Diễu hành mừng chiến thắng trên đường phố Paris ngày 1/5/1975. Ảnh: Lê Tấn Xuân/Vietnam+
Diễu hành mừng chiến thắng trên đường phố Paris ngày 1/5/1975. Ảnh: Lê Tấn Xuân/Vietnam+

Cũng từ đó, các sử gia đã phân kỳ lịch sử thế giới thành “thời kỳ sau Việt Nam”. Từ đó đến nay, vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam 30/4, trên thế giới lại xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị, nhiều bài viết ca ngợi chiến thắng huy hoàng của dân tộc Việt Nam được báo chí nhiều nước đăng tải rất trang trọng. Từ 46 năm nay, nhân loại vẫn trăn trở tìm lời giải chính xác cho câu hỏi: Vì sao Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ ?

Những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị, ý nghĩa sự kiện 30/4/1975

Có luận điệu đòi “định danh lại ngày 30/4 cho phù hợp” vì không chấp nhận 30/4 là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Họ lý giải một cách xuyên tạc rằng: Gọi ngày 30/4 là “ngày giải phóng” thì mơ hồ vì không thể có miền Bắc đi giải phóng cho miền Nam; gọi là “Ngày thống nhất” thì rất khiên cưỡng vì Việt Nam DCCH và Việt Nam cộng hòa là hai nước khác nhau; gọi là “Ngày hòa bình” sao được vì đất nước đến nay vẫn chưa có hòa bình; gọi là “Ngày hữu nghị” cũng không đúng vì tiếp đó còn đánh nhau với Campuchia và Trung Quốc; không thể gọi là “Ngày độc lập” vì chưa có độc lập, cũng không thể gọi là “Ngày tự do” vì mãi đến năm 2013 Hiến pháp mới dè dặt bổ sung về “quyền con người, quyền công dân”; gọi là “Ngày hòa giải”, “Ngày hòa hợp”, “Ngày nô lệ”, “Ngày quốc hận”, “Ngày đen tối” đều không chuẩn. Từ đó, họ đề xuất gọi 30/4 là “Ngày nói thật” để cho mọi người được nói lên sự thật.

Lại có những thông tin sai lệch, xuyên tạc, bóp méo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Từ việc phủ nhận ý nghĩa lịch sử của sự kiện 30/4/1975, họ lấn sang phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; đổ tội cho Hồ Chí Minh “du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam dẫn đến tình cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt 1954-1975”. Họ hết lời ca ngợi Việt Nam cộng hòa mà không hề nhận thấy bản chất “Cõng rắn cắn gà nhà”, “Rước voi về giày mả tổ”.

Có người còn tung video clip lên facebook đưa tin: “Phải gọi là Mặt trận xâm lược nước Việt Nam Cộng hòa chứ không phải là Mặt trận giải phóng miền Nam; không được gọi là giải phóng và thống nhất mà phải gọi là cộng sản Việt Nam xâm lược, cướp nước Việt Nam cộng hòa”. Thậm chí, họ xuyên tạc rằng, “sự kiện 30/4 là nỗi nhục chứ không phải là niềm vui cho cộng sản Việt Nam”; họ tráo trợn bôi nhọ truyền thống dân tộc: “Một dân tộc với tinh thần bạc nhược, nô bộc. Giặc đến biên cương: ta mở ngỏ. Giặc xâm chiếm biển đảo: ta cúi đầu dâng nạp. Giặc vào nhà: ta cung kính, tôn thờ”...

Trên một số website, blog đã cố tình xuyên tạc, phủ nhận giá trị, ý nghĩa sự kiện 30/4/197. Ảnh chụp màn hình
Trên một số website, blog đã cố tình xuyên tạc, phủ nhận giá trị, ý nghĩa sự kiện 30/4/1975. Ảnh chụp màn hình

Dư luận không khỏi bức xúc trước yêu sách của Thượng nghị sỹ Mỹ Tom Umberg đòi Việt Nam không ăn mừng ngày 30/04 nếu muốn “hòa hợp dân tộc” nhưng lại đòi Quốc hội Mỹ và người Việt ở Mỹ tưởng niệm “Tháng Tư đen”. Tổ chức Việt Tân và các trang chống phá tung hàng loạt bài tuyên truyền kích động thù hận dân tộc “30/4 dấu mốc của thời kỳ cướp nước, hại dân của Đảng Cộng sản”; “ngủ quên trên chiến thắng để Trung Quốc lấn chiếm biển, đảo” nhằm xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử, hạ thấp ý nghĩa của chiến thắng 30/4/1975; xuyên tạc hình ảnh “bia căm thù giặc Mỹ” ở tỉnh Nam Định, cho rằng có hàng trăm bia căm thù tại các nghĩa trang khắp cả nước trong khi hàng năm vẫn nhận viện trợ từ Mỹ…

Đài Châu Á tự do còn đưa bài “Giới trẻ nghĩ gì về hoạt động kỷ niệm ngày 30/4” trong đó có nhiều thông tin xuyên tạc. BBC NEWS tiếng Việt còn loan tin “không nên gọi ngày 30/4 là ngày giải phóng”, xuyên tạc “người Việt trẻ gọi 30/4 là một biến cố buồn”…

Tất cả những luận điệu trên đều nhằm xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta, cho rằng đây là cuộc nội chiến nhằm phủ nhận ý nghĩa “giải phóng đất nước”; phủ nhận giá trị, ý nghĩa sự kiện 30/4 trong bối cảnh xã hội hiện nay; phủ nhận chiến thắng, bi kịch hóa số phận một nhóm người bị mất mọi quyền lợi sau 30/4 để đổ vấy “tội ác của cộng sản”; …

Ngày 30/4/1975: “Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”

Một là, gọi “30/4/1975 là ngày giải phóng” vì đây là sự kiện đánh dấu lãnh thổ miền Nam Việt Nam thoát khỏi ách thống trị của kẻ thù xâm lược của đế quốc Mỹ cùng với các lực lượng tay sai như Úc, Niu Di lân, Thái Lan, Philippin, Hàn Quốc… và chính quyền Ngô Đình Diệm (ngụy quyền) cùng những người Việt đi lính cho Diệm (ngụy quân) cản lại con đường thống nhất Tổ quốc. Gắn liền với đó là sự thất bại hoàn toàn của kẻ xâm lược và bọn tay sai phản quốc; chính là thất bại của tư tưởng, âm mưu, thủ đoạn chia cắt đất nước cùng với hệ thống tổ chức, bộ máy, quân đội… sinh ra để nuôi dưỡng tư tưởng đó.

Hai là, gọi “30/4/1975 là ngày thống nhất” đây là sự kiện đánh dấu lãnh thổ đất nước Việt Nam được trả lại đúng nghĩa như nó đã có trong lịch sử về cả tư tưởng, ý chí và thực tiễn; đáp ứng nguyện vọng ngàn đời của các thế hệ người Việt Nam yêu nước, thương nòi. Đó là một cơ thể đất nước Việt Nam thống nhất từ Bắc vào Nam về lãnh thổ và tư tưởng, ý chí, hành động. Nó kết thúc thời kỳ chia cắt một cơ thể Việt Nam làm 2 nửa với 2 lối nghĩ và 2 cách làm hầu như trái ngược nhau.

Một bên là nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, toàn thể những người yêu nước chân chính dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện mục tiêu độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, hướng tới xây dựng chế độ xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Còn một bên là chế độ Việt Nam cộng hòa lệ thuộc vào tiền bạc, cố vấn, vũ khí, quân sự của Mỹ để chống lại mục tiêu thống nhất Tổ quốc, giết hại nhân dân, nả súng vào nòi giống, phản hại công lao của tổ tiên để thực hiện âm mưu chia cắt đất nước.

Người dân Sài Gòn chào đón bộ đội giải phóng sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Người dân Sài Gòn chào đón bộ đội giải phóng sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Ba là, hằng năm kỷ niệm Chiến thắng 30/4 là để tất cả nhân dân Việt Nam yêu nước và nhân loại tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới nhớ về “Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”; đồng thời, nhắc lại sự thất bại thảm hại nhất, cuộc chiến tranh kéo dài nhất, chi phí tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ đi chiến tranh.

Đối với những người đi theo đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm (1954-1975) là hành động chính nghĩa vì nó bảo vệ lợi ích Tổ quốc, thực hiện nguyện vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Đối với thế hệ người Việt sinh trước và sau ngày 30/4/1975, nếu là người có học, được giáo dục tử tế đều biết trân trọng giá trị, ý nghĩa sự kiện 30/4/1975. Đối với người nước ngoài yêu chuộng hòa bình, quý trọng đất nước Việt Nam anh hùng, đều ngưỡng mộ, khâm phục sức sống của dân tộc Việt Nam và trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam. Qua đó, cho chúng ta hiểu thêm về hành động phản quốc, nhận rõ bộ mặt của những kẻ nuôi cấy hận thù, kẻ phá hoại con đường phát triển đất nước Việt Nam hiện nay.

Bốn là, sự kiện lịch sử không lặp lại về thời gian mà chỉ có thể lặp lại về tính chất, ý nghĩa và không gian. Ngày 30/4/1975 diễn ra một lần, đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một chân lý kiên cố không ai phủ nhận được. Tự thân ngày 30/4/1975 đã nói lên sự thật, có chính danhrõ ràng nên không cần ai đó phải mất nhiều công sức “định danh” theo kiểu giả danh cho sự kiện này. Dù ai đó cố tình xuyên tạc, bóp méo thì cũng không thể làm lu mờ giá trị, ý nghĩa của sự kiện 30/4/1975 đối với tiến trình phát triển đất nước Việt Nam từ cội nguồn đến hiện tại và tương lai.

Mỗi năm, đến dịp 30/4, những người có tư tưởng, nhận thức, hành động đúng đắn vì nước, vì dân đều luôn tự hào, vui mừng ôn lại sự kiện trọng đại này. Nhưng, kẻ theo giặc, phản bội Tổ quốc lại thêm một lần uất ức, nhục nhã, đau buồn. Điều quan trọng là chúng ta giáo dục cho hậu thế tránh lặp lại hành động không tốt đẹp, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia – dân tộc như đã diễn ra trong quá khứ.

Năm là, sự kiện 30/4 khẳng định: Hành động chính nghĩa vì độc lập, thống nhất đất nước, dù khó khăn đến đâu, sớm hay muộn đều tất thắng; luôn ngẩng cao đầu, không hổ thẹn với tổ tiên, nòi giống. Hành động phản quốc dù mạnh bạo, hung hãn đến đâu thì tất yếu vẫn nhận kết cục thất bại, luôn bị khinh bỉ, nguyền rủa; lịch sử có lùi xa bao lâu thì vẫn không thể rửa hết nỗi nhục về tội phản quốc.

Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh tư liệu
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh tư liệu

Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân đánh đuổi Mỹ - Ngụy xâm lược là thực hiện khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình; bảo vệ một cơ thể Việt Nam thống nhất. Hiểu rộng ra, đó là giữ gìn và phát huy truyền thống, công lao của ông cha; nên hành động đó hoàn toàn xứng đáng được tôn thờ, trân trọng, tự hào. Còn lực lượng Mỹ - Ngụy, những người đi theo con đường của Ngô Đình Diệm ra sức tuyên truyền, tập hợp lực lượng, dùng mọi thủ đoạn dựng lên và cố bảo vệ cái gọi là “Việt Nam cộng hòa” - cắt ra từ một cơ thể Việt Nam thống nhất, chính là khơi nguồn đổ máu, đau thương cho dân tộc Việt Nam. Đi theo đế quốc Mỹ xâm lược, dựa vào viện trợ của Mỹ để cản lại con đường độc lập, thống nhất Tổ quốc mà tổ tiên đã dày công gây dựng qua mấy ngàn năm lịch sử trong điều kiện chiến tranh nối tiếp chiến tranh, đồng nghĩa với tội phản quốc, đi ngược với lợi ích và truyền thống văn hóa của dân tộc.


[1] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb. CTQG, H.2004, tr.471.

[2] Tên gọi các nước và các tổ chức quốc tế theo thời điểm đến năm 1975.

Lê Mật