Nông thôn Nghệ An từ những mô hình 'sạch làng đẹp phố'

Thanh Phúc 30/04/2021 14:52

(Baonghean.vn) - Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, khắp các địa phương ở Nghệ An đã có những mô hình tốt, cách làm hay tạo thành những “miền quê đáng sống”.

ĐỘC ĐÁO “CON ĐƯỜNG HOA XE ĐẠP”

Hội viên Hội LHPN xã Nam Xuân chăm sóc
Hội viên Hội LHPN xã Nam Xuân chăm sóc "đường hoa xe đạp". Ảnh: Thanh Phúc

Hưởng ứng phong trào xây dựng xã chuẩn NTM nâng cao, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Xuân (Nam Đàn) đã đăng ký xây dựng tuyến đường hoa xe đạp ở trục đường vào trụ sở xã. Theo chị Hồ Thị Xuân - Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Xuân thì sở dĩ chọn làm đường hoa từ xe đạp phế liệu là muốn tạo ra sự độc đáo, mới lạ và độ bền, đồng thời mang ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục cho người dân về bảo vệ môi trường.

Sau gần 1 tháng phát động, 22 chiếc xe đạp cũ, hư hỏng không còn giá trị sử dụng đã được hội viên quyên góp. Những chiếc xe gỉ sét, bong tróc được chị em đánh bóng, phủ sơn trắng; vỏ lon bia, giấy loại, hộp sữa, bìa cát-tông được hội viên khéo léo tỉa gọt thành những giỏ hoa sống động, rực rỡ sắc màu.

Những bờ rào ở vùng nông thôn Nam Xuân rợp sắc xanh của hoa, cây cảnh. Ảnh: Thanh Phúc
Những bờ rào ở vùng nông thôn Nam Xuân rợp sắc xanh của hoa, cây cảnh. Ảnh: Thanh Phúc

Tuyến đường nhựa vào trụ sở xã là điểm trung tâm và rộng rãi, đảm bảo an toàn giao thông được lựa chọn để lắp đặt. Những chiếc xe “chở” các giỏ hoa được bắt vít cố định trước trụ sở UBND xã tạo thành điểm nhấn cảnh quan đẹp mắt, độc đáo thu hút người đi đường. “Định kỳ hàng tháng, chúng tôi phân công hội viên rửa xe sạch sẽ, kịp thời thay thế những giỏ hoa bị hư hỏng, bạc màu nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ”, chị Xuân cho biết thêm.

Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, Hội LHPN xã Nam Xuân đã phát động phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp, đường làng nở hoa” và được 100% hội viên tích cực hưởng ứng. Ở mỗi vườn nhà đều quy hoạch theo ô, thửa rõ ràng ô trồng rau, ô trồng hoa, tường rào mỗi nhà đều phủ màu xanh của cây dây leo. Ở các trục đường của các khu dân cư người dân trồng các loại hoa tạo nên cảnh quan đẹp mắt…

NHỮNG THÙNG RÁC CÔNG CỘNG TỪ LỐP XE

Những thùng rác công cộng được chế từ lốp xe cũ ở Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh: Thanh Phúc
Những thùng rác công cộng được chế từ lốp xe cũ ở Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh: Thanh Phúc

Từ những chiếc lốp xe đã qua sử dụng, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) thu gom, chùi rửa, sơn mới, làm thành thùng rác qua nhiều công đoạn thủ công. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, 6 chiếc thùng rác và 24 biển tuyên truyền môi trường gắn ở thùng rác được đặt ở dọc bãi tắm Quỳnh Nghĩa.

Chị Hồ Thị Thủy Linh – Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Nghĩa cho biết: Với nguyên vật liệu là lốp cao su tận dụng sẵn có, cách chế tạo thủ công không tốn kém, không mất nhiều công sức và thời gian, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các loại thùng bằng kim loại hay nhựa hiện đang phổ biến trên thị trường.

Hơn nữa, thùng rác làm bằng lốp xe có thể chịu được va đập, không bị hư hỏng do tác động của môi trường cũng như chất thải có hại gây ra. Kết cấu gọn nhẹ, xinh xắn và dễ di chuyển, có thể đặt thùng đựng rác ở mọi nơi, mọi chỗ thích hợp, hết sức tiện lợi và mang tính thẩm mỹ cao. Từ đó, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân cũng như du khách mỗi khi đến với Quỳnh Nghĩa.

Năm 2021, mô hình thùng rác từ lốp xe được nhân rộng ra 11 chi hội trên toàn xã.

BIẾN RÁC THẢI THÀNH PHÂN BÓN HỮU CƠ Ở NGHI LIÊN

Trước đây, người dân làng nghề hoa cây cảnh Trung Liên (Nghi Liên, TP.Vinh) khi chuyển cây về, cắt tỉa cành hay thu hoạch hoa thì những bộ phận bỏ đi của cây như lá, cành, rễ thường chất đống để tự phân hủy tại vườn hoặc chờ phơi khô rồi đốt khiến môi trường bị ô nhiễm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt hàng ngày của 300 hộ dân khá lớn nếu không xử lý kịp thời sẽ quá tải và gây ra ô nhiễm thứ cấp.

Trước thực trạng đó, được sự chỉ đạo của chính quyền xã và sự hỗ trợ của Hội LHPN thành phố, xóm Trung Liên đã chỉ đạo thực hiện mô hình “Phân loại và xử lý rác thải tại nguồn” tại các hộ gia đình.

Phân loại, xử lý rác thải, biến rác thành phân hữu cơ bón cho hoa, cây cảnh là mô hình đang được nhân rộng ở Nghi Liên trong thực hiện tiêu chí môi trường xây dựng NTM nâng cao. Ảnh: Thanh Phúc
Phân loại, xử lý rác thải, biến rác thành phân hữu cơ bón cho hoa, cây cảnh là mô hình đang được nhân rộng ở Nghi Liên trong thực hiện tiêu chí môi trường xây dựng NTM nâng cao. Ảnh: Thanh Phúc

Theo đó, mỗi hộ được cấp 2 thùng đựng rác cùng men vi sinh và được tập huấn cách xử lý rác hữu cơ. Rác thải sinh hoạt trong các gia đình được phân loại hàng ngày, rác hữu cơ được đưa vào hố rác tự xây ở cuối vườn nhà sau đó rắc men vi sinh ủ thành phân bón; rác vô cơ tập kết ra bãi thu gom rác để công ty môi trường chở đi, còn phế liệu như vỏ lon bia, hộp giấy, túi bóng… được tích trữ đem bán gây quỹ.

Bà Nguyễn Thị Thể, người dân xóm Trung Liên cho biết: “Ban đầu cũng thấy hơi phiền phức khi thực hiện phân loại. Sau một thời gian thực hiện thì thấy cách làm này hiệu quả trong bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm chi phí sản xuất. Rác thải hữu cơ từ vỏ hoa quả, từ rau, từ thức ăn thừa, từ lá cây sau thu hoạch… được trộn ủ trở thành nguồn phân bón rất tốt cho hoa, cây cảnh, phòng trừ sâu bệnh gây hại”.

Nhằm góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nâng cao, từ mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở Trung Liên hiện đã được nhân rộng ra toàn xã và được người dân hưởng ứng tích cực.

Một con đường nông thôn mới ở xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: P.V

Hiện toàn tỉnh có 307/411 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong Bộ tiêu chí NTM. Đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất vì có đến 8 tiêu chí thành phần và đặc biệt là phụ thuộc rất lớn vào ý thức người dân.

Ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM Nghệ An cho biết: "Thời gian qua, trong tỉnh đã có nhiều mô hình hay góp phần thực hiện tiêu chí môi trường, có thể kể đến mô hình "Sạch làng tốt ruộng" của nông dân; phân loại rác thải tại nguồn của Hội Phụ nữ; Chủ nhật xanh của Đoàn Thanh niên... Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, ý thức người dân được nâng cao, Nghệ An sẽ có thêm nhiều làng quê, khu dân cư đều sáng, xanh, sạch, đẹp".

Đường nông thôn mới ở Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn). Ảnh: P.V

Thanh Phúc