Chính quyền xã thờ ơ khi bò chết vì nhiễm dịch viêm da nổi cục
(Baonghean.vn) - Mặc dù người dân đã báo cáo lên chính quyền địa phương để có giải pháp tiêu hủy bò chết do nhiễm dịch viêm da nổi cục, tuy nhiên, chính quyền xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vẫn thờ ơ.
Chính quyền xã thờ ơ
Vào cuối tháng 4 vừa qua, con bò gần 3 tạ của gia đình anh Nguyễn Đình Phong ở xóm 1, xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) mắc bệnh viêm da nổi cục, dù gia đình đã nỗ lực chữa trị, tuy nhiên, do nhiễm bệnh nặng cộng với sức đề kháng yếu, bò của gia đình anh Phong đã chết vài ngày sau đó.
Anh Nguyễn Đình Phong cho biết, bản thân anh phải tự tiêu hủy con bò chết do nhiễm bệnh viêm da nổi cục, không có chính quyền xã hỗ trợ và hướng dẫn. Ảnh: Xuân Hoàng |
Sau khi bò chết, anh Phong đã báo lên xóm và chính quyền xã Quỳnh Châu để có giải pháp tiêu hủy, tránh lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, xã Quỳnh Châu đã không cử lực lượng để tiêu hủy bò chết mà chỉ đạo gia đình anh Phong tự chôn bò.
Trao đổi với P.V ngày 4/5, anh Phong bức xúc: “Chúng tôi là người dân, làm sao biết được bò chết phải chôn ở vị trí nào để không vi phạm quy định, chưa kể chúng tôi cũng không có kiến thức chuyên môn hay nắm được quy trình tiêu hủy bò chết đảm bảo an toàn. Liên hệ với xã thì không được, do đó, tôi đành phải nhờ hàng xóm khiêng bò, tự thuê máy múc để đào hố chôn bò tại khu vườn nhà mình…”.
Vị trí tiêu hủy bò của gia đình anh Phong nằm sát đường đi, khiến người dân sinh sống trong vùng bức xúc, nhất là lúc bốc mùi hôi thối. Ảnh: Quang An |
Điều đáng nói, chỉ vài ngày sau, người dân xóm 1, xã Quỳnh Châu phản ánh tại khu vực chôn bò của anh Phong bốc mùi hôi thối, vị trí chôn lại nằm cạnh tuyến đường hàng ngày có nhiều người dân đưa trâu, bò ra chăn thả nên người dân rất bất bình, vì vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng nguy cơ lây lan dịch trên diện rộng. Tuy nhiên, gia đình không thể đào lên để chôn ở vị trí khác.
Đến trưa 2/5, con bò cái đang mang chửa của gia đình ông Nguyễn Văn Chuyên ở xóm 1, xã Quỳnh Châu (hàng xóm của anh Phong) cũng chết vì bệnh viêm da nổi cục. Trong suốt quá trình kiểm tra, đo đạc, lập biên bản tiêu hủy chỉ có sự hiện diện của gia đình ông Chuyên - Xóm trưởng xóm 1 và cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, không có lực lượng của xã Quỳnh Châu.
Con bò của gia đình ông Chuyên chết từ trưa 2/5, tuy nhiên, mãi đến tối 2/5 mới tiêu hủy được, do chính quyền xã không có mặt. Ảnh: Quang An |
Trong biên bản xác nhận sự việc được lập chiều 2/5 có sự chứng kiến của các bên nêu rõ: Thành phần chỉ đạo của xã không có mặt trong chiều 2/5; hộ dân không thuê được phương tiện để tiêu hủy nhờ UBND xã liên hệ giúp nhưng không được; Không có địa điểm để tiêu hủy…
Việc chính quyền địa phương xã Quỳnh Châu không có mặt đã khiến công tác tiêu hủy bò tại gia đình ông Chuyên bị chậm trễ, đến 7 – 8 giờ tối 2/5 mới tìm được vị trí để tiêu hủy bò chết.
Biên bản làm việc trong chiều 2/5 nêu rõ chính quyền xã Quỳnh châu không tham gia vào công tác kiểm tra, tiêu hủy bò chết. Ảnh: Quang An |
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm hay viêm da nổi cục trên trâu, bò ở địa bàn tỉnh, nếu phải tiêu hủy thì ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã đã không quản ngại khó khăn để hỗ trợ, chung tay cùng người dân tiêu hủy, tránh xảy ra dịch ở diện rộng. Tuy nhiên, việc thờ ơ của chính quyền xã Quỳnh Châu trong công tác tiêu hủy gia súc chết vì dịch bệnh đã khiến người dân bức xúc.
Trao đổi vấn đề này, ông Vũ Văn Thưởng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu cho rằng: Đối với trường hợp bò chết do nhiễm dịch viêm da nổi cục của gia đình anh Phong là xã đã giao cho cán bộ nông nghiệp đến kiểm tra, cấp vôi bột, hóa chất khử trùng. Tuy nhiên, việc tiêu hủy, gia đình tự thực hiện trong khu vườn rừng của gia đình ông Phong. Sau khi tiêu hủy xong, ông Thưởng có nắm được thông tin phản ánh của người dân việc ông Phong tiêu hủy bò không đảm bảo. Tuy nhiên, ông Thưởng thừa nhận đến nay bản thân ông vẫn chưa biết vị trí tiêu hủy con bò của gia đình anh Phong ở đâu, tiêu hủy như thế nào.
Điều đó cho thấy, sự thờ ơ của chính quyền xã trong công tác phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi là có sơ sở.
Thống kê tình hình bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ở địa bàn huyện Quỳnh Lưu cho thấy, đến ngày 4/5, trên địa bàn huyện đã có 91 con bò nhiễm dịch viêm da nổi cục. Trong đó, 32 con bị chết và tiêu hủy. Điều đáng lo ngại, tại xã Quỳnh Châu, số lượng bò bị nhiễm dịch viêm da nổi cục bị chết nhiều nhất huyện, với 7 con chết và tiêu hủy và hiện vẫn còn 19 con bò đang nhiễm bệnh. Phải chăng, sự thờ ơ, lơ là của chính quyền xã Quỳnh Châu, khiến bệnh dịch bùng phát trên diện rộng?
Không được để hộ dân tự tiêu hủy
Việc tiêu hủy gia súc bị nhiễm dịch bệnh có tính lây lan cao, là trách nhiệm chính của chính quyền địa phương. Ảnh: Xuân Hoàng |
Ông Nguyễn Anh Hùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Do tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nên đơn vị hướng dẫn các địa phương cách xử lý vật nuôi bị chết do nhiễm dịch. Đặc biệt, cắt cử người trực tất cả các ngày nghỉ lễ dài ngày vừa qua. Khi có bò, lợn bị chết, do các xã báo cáo, cán bộ của trung tâm đến lập biên bản. Còn việc tiêu hủy là do chính quyền xã thực hiện.
Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, khi người dân báo có bò, lợn bị chết do bệnh dịch, chính quyền xóm và xã có trách nhiệm đến kiểm tra, đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để xác định nguyên nhân chết, cân, đo... lập hồ sơ. Sau đó, xã có trách nhiệm tiêu hủy đúng vị trí và đúng quy trình, tuyệt đối không để cho hộ dân tự tiêu hủy, nhằm tránh lây lan dịch bệnh.