Không đeo khẩu trang phòng, chống dịch nơi công cộng bị xử lý như thế nào?
(Baonghean.vn) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, hiện nay việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng là yêu cầu bắt buộc nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan, lơ là.
Thành lập các tổ kiểm tra xử lý nghiêm
Việc không đeo khẩu trang nơi công cộng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bởi vậy, nhiều địa phương đã chủ động thành lập các tổ công tác để xử lý người không đeo khẩu trang.
Lực lượng chức năng phường Trường Thi lập biên bản xử lý trường hợp không đeo khẩu trang tại Quảng trường Hồ Chí Minh chiều 6/5. Ảnh: Quang An |
Tại thành phố Vinh, ngày 29/4, UBND thành phố đã có công văn hỏa tốc gửi UBND các phường, xã về việc kiểm tra, xử lý người không đeo khẩu trang bắt buộc. UBND thành phố Vinh yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã khẩn trương thành lập các tổ kiểm tra, xử lý người dân không đeo khẩu trang và trên thực tế đã có 25 tổ được thành lập. Tổ kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang và chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của người dân, địa phương đó sẽ xử phạt theo thẩm quyền.
Phường Trường Thi xử phạt trường hợp không mang khẩu trang tại khu vực hồ Goong chiều 6/5. Ảnh: Quang An |
Nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử phạt. Điển hình như chiều 6/5, lực lượng chức năng phường Trường Thi đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng dịch Covid-19 trên địa bàn, trong đó tập trung tại các khu vực đông người như Quảng trường Hồ Chí Minh, xung quanh hồ Goong. Qua đó tiến hành lập biên bản 2 trường hợp, trong đó 1 trường hợp xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 2 triệu đồng, trường hợp còn lại lập biên bản nhắc nhở do chưa đủ 18 tuổi.
Tiếp đó, ngày 7/5, tổ công tác phường Trường Thi tiếp tục kiểm tra phát hiện P.V.Đ (SN 1982, trú tại phường Lê Mao) đi thể dục tại Quảng trường không đeo khẩu trang và đã tiến hành xử phạt 2 triệu đồng. Tại phường Hà Huy Tập, phường Hồng Sơn (TP. Vinh) các tổ công tác cũng đã kiểm tra, xử phạt một số trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, nhất là khu vực chợ.
Lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt người đi chợ không đeo khẩu trang. Ảnh: Hồng Quang |
Ở khu vực huyện miền núi, công tác kiểm tra thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ các biện pháp về cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc chấp hành đeo khẩu trang nơi công công cũng đã được triển khai quyết liệt. Điển hình như ngày 6/5, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND thị trấn Con Cuông đã tiến hành lập biên bản xử phạt 17 trường hợp không đeo khẩu trang khi đi xe máy, ra vào khu vực chợ.
Sau khi bị xử phạt vì không đeo khẩu trang, người dân thị trấn Con Cuông được lực lượng chức năng phát khẩu trang phòng dịch Covid-19. Ảnh: Bảo Hân |
Tại xã Tam Quang, huyện Tương Dương, UBND xã đã kịp ban hành Quyết định số 76/ QĐ-UBND, ngày 7/5/2021 về thành lập Tổ kiểm tra và xử lý những trường hợp không chấp hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021, trong đó có việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Đồng thời, triển khai ký cam kết đến tận các hộ cá nhân và gia đình hiện đang kinh doanh một số mặt hàng thường tiếp xúc với nhiều người và các dịch vụ kinh doanh phải tạm thời ngừng hoạt động theo Công văn hỏa tốc số 2732 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tạm dừng một số dịch vụ không thiết yếu và tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Mức xử phạt có thể lên tới 6 triệu đồng
Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự: Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (có hiệu lực từ ngày 15/11/2020) tăng mạnh mức xử phạt đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng khi có yêu cầu để phòng dịch.
Cụ thể, tại điểm a, khoản 1 Điều 12 Nghị định 117, quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tức 6 triệu đồng).
Luật sư Nguyễn Trọng Hải- Trưởng Văn Phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự. Ảnh tư liệu |
Ngoài ra, Nghị định 117/2020/NĐ-CP cũng tăng mức xử phạt đối với hành vi không thông báo với UBND và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật từ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng lên mức từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Việc xử phạt ngoài mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức, phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng còn mang tính răn đe, giáo dục trước những hành vi vi phạm các quy định phòng, chống dịch đang có xu hướng gia tăng của một bộ phận dân cư.