Không thể xuyên tạc tính dân chủ của bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp
(Baonghean.vn) - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực, khẩn trương chuẩn bị. Cũng giống như trước thềm Đại hội XIII của Đảng, càng gần đến ngày bầu cử, các thế lực thù địch, phản động càng giở nhiều chiêu trò, luận điệu chống phá.
Không thể bóp méo, xuyên tạc sự thật
Mới đây trên BBC tiếng Việt có phỏng vấn một số nhân vật được cho là đã “tự ứng cử đại biểu Quốc hội” ở các kỳ bầu cử trước đây, nói rằng “chính quyền sử dụng lực lượng quần chúng để loại bỏ những ứng cử viên độc lập thông qua các vòng hiệp thương”. Đề cập đến công tác hiệp thương họ cho rằng, những người đến dự hội nghị cử tri “có tri thức thấp, hoặc là những người về hưu nhưng không có tính phản biện, luôn nghe theo Đảng và Nhà nước, từ đó sẵn sàng vu khống những người mà họ không biết”. Chưa hết, họ còn cho rằng, những người ứng cử tự do thường “bị bôi xấu”, thậm chí bị bắt bớ, giam giữ trước thềm hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú... Đây là những giọng điệu hoàn toàn xuyên tạc, bịa đặt và rất nguy hiểm.
Thực tế đã chứng minh từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời cho đến nay, quyền bầu cử, ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp của công dân luôn được hiến định rõ ràng trong Hiến pháp.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, để tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Điều 18 Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái, trai đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử, ứng cử”. Càng về sau quyền bầu cử, ứng cử của công dân càng được quy định rõ ràng hơn trong các bản Hiến pháp. Gần đây nhất tại Điều 27 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.
Tranh cổ động bầu cử của tác giả Bùi Văn Minh Triết, Tây Ninh. |
Không chỉ hiến định trong Hiến pháp mà việc thực hiện các quyền bầu cử, ứng cử của công dân ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo vệ trên thực tế. Mọi công dân Việt Nam khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đều có quyền bầu cử, ứng cử ĐBQH và HĐND. Việc thực hiện quyền bầu cử, ứng cử là hoàn toàn công khai, dân chủ, bình đẳng. Mọi hành vi cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, ứng cử của công dân đều là vi phạm Hiến pháp và đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Thực tế này đã bác bỏ hoàn toàn mọi luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang rêu rao bóp méo, xuyên tạc.
Chuẩn bị bầu cử công khai, dân chủ, đúng luật
Theo luật định và các chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các cơ quan chức năng, các ứng cử viên ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải qua 5 bước và 3 vòng hiệp thương, gồm: Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; Cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; Tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.
Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, được xác định là giai đoạn hết sức quan trọng trong quy trình tổ chức bầu cử. Mục tiêu của quá trình tổ chức hiệp thương là phải lựa chọn, giới thiệu được những người thực sự tiêu biểu có đầy đủ trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, lập trường chính trị và lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp, đảm bảo được cơ cấu, thành phần đại biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc để cử tri lựa chọn, bỏ phiếu bầu làm ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp tham gia hoạt động trong cơ quan quyền lực nhà nước. Do đó, công việc này được MTTQ các cấp từ Trung ương tới địa phương phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng tiến hành rất chặt chẽ.
Việc đăng ký làm hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách sơ bộ với người ứng cử hay người được giới thiệu ứng cử tiến hành đúng quy định và thuận tiện. MTTQ các cấp và các cơ quan chức năng chưa nhận được bất cứ ý kiến phản ánh nào về có hành vi cản trở, gây khó khăn cho người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp.
Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 đã thống nhất lập danh sách sơ bộ 24 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 206 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ảnh tư liệu: Thanh Quỳnh |
Các hội nghị hiệp thương, nhất là hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú để nhận xét và tín nhiệm đối với người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử tiến hành dân chủ, khách quan, đúng quy định của Luật Bầu cử và Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban TVQH về Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri. Theo đó, đối với nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri để lấy ý kiến về người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND và phải bảo đảm số lượng cử tri tham dự ít nhất là 50% tổng số cử tri được triệu tập. Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình và phải bảo đảm có ít nhất 55% cử tri tham dự hội nghị.
Ngoài cử tri còn Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã, người ứng cử ĐBQH, người ứng cử đại biểu HĐND, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố đã giới thiệu người ứng cử được mời tham dự hội nghị. Trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp sẽ đánh giá toàn diện, khách quan những người ứng cử để hiệp thương lập danh sách người đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu, xứng đáng với tín nhiệm của cử tri... Người tự ứng cử cũng như người được giới thiệu ứng cử, người trong Đảng cũng như người ngoài Đảng đều bình đẳng trong việc tiến hành các khâu, các bước theo quy trình bầu cử.
Rõ ràng ở đây không có chuyện người đến dự hội nghị cử tri “có tri thức thấp, hoặc là những người về hưu nhưng không có tính phản biện” và càng không có chuyện “bôi xấu” người tự ứng cử. Những người không được giới thiệu vào danh sách ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND là do họ không được cử tri tín nhiệm, không đủ tiêu chuẩn theo pháp luật và quy định bầu cử, chứ không phải là tổ chức, cá nhân nào đó “tìm cách để loại ứng cử viên độc lập” như giọng điệu của các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị rêu rao.
Tỉnh táo nhận diện, chủ động đấu tranh
Một số đối tượng, trong đó có Trần Quốc Khánh bị Cơ quan An ninh khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra là hoàn toàn bình thường. Theo tài liệu của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Ninh Bình, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2018 đến cuối năm 2020 đối tượng này đã liên tục lên mạng xã hội phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt, phỉ báng chính quyền, gây hoang mang trong nhân dân; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam... Cơ quan An ninh điều tra khởi tố bắt tạm giam Trần Quốc Khánh về hành vi: "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" quy định tại điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 để phục vụ công tác điều tra đối với người có hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan An ninh thực hiện công việc này là theo đúng chức năng và yêu cầu nhiệm vụ. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Người ứng cử hay người không ứng cử, người ứng cử tự do hay người được giới thiệu, người trong Đảng hay ngoài Đảng... bất kể họ là ai nếu vi phạm pháp luật thì đều bị xử lý.
Cử tri tại các điểm bầu cử trên địa bàn TP Vinh xem tiểu sử các đại biểu để nhằm chọn ra những đại biểu thực sự đủ đức, đủ tài. Ảnh tư liệu: Đức Anh |
Quyền ứng cử là quyền cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Đảng, chính quyền và cử tri cả nước luôn tôn trọng quyền bầu cử, ứng cử của công dân, tất nhiên đó phải là những công dân có đủ tiêu chuẩn và điều kiện. Chúng ta kiên quyết không giới thiệu ứng cử viên bầu vào ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp những người không đủ tiêu chuẩn, không xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Thực chất giọng điệu cho rằng việc cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng nhằm “loại bỏ những ứng cử viên độc lập” là hoàn toàn suy diễn, xuyên tạc, gây nhiễu loạn thông tin, kích động chống phá cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Hơn lúc nào hết chúng ta cần tỉnh táo nhận diện, chủ động và kiên quyết đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Đây là việc làm rất quan trọng để bảo đảm cho cuộc bầu cử của chúng ta thành công tốt đẹp./.