Cử tri Hồ Chí Minh
(Baonghean.vn) - Nếu nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ bất kỳ ai cũng nhớ ngay đến “Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất”. Nhắc đến Bác là nhắc đến một tấm gương mẫu mực, nhắc đến vị Chủ tịch nước giản dị, thanh cao. Nhân dịp bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, tác giả xin được có đôi điều viết về Người ở một danh vị khác, đó là cử tri Hồ Chí Minh.
Năm 1946, trước khi Tổng tuyển cử bầu quốc hội đầu tiên, 118 vị chủ tịch UBND và đại biểu các giới hàng xã, đã công bố một bản đề nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Nhiều nơi trong cả nước có đề nghị tương tự, Bác viết một bức thư: “Tôi là công dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của tổng tuyển cử đã định”. Có lẽ câu chuyện đã nói lên tất cả.
Giấy chứng minh Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chứng nhận cụ Hồ Chí Minh là đại biểu tỉnh Hà Nội tại Đại hội đại biểu toàn quốc năm 1946. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Trong gần một phần tư thế kỷ giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã tham gia bầu cử Quốc hội khóa I (06/01/1946); Quốc hội khóa II (ngày 08/5/1960), khóa III (ngày 26/4/1964); bầu cử Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa II (ngày 26/3/1961), khóa III (ngày 25/4/1965), khóa IV (ngày 28/4/1968); bầu cử Hội đồng Nhân dân khu phố Ba Đình khóa IV (ngày 23/4/1967) và lần cuối cùng là bầu cử Hội đồng Nhân dân khu phố khóa V (ngày 27/4/1969).
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam mới bầu ra đại biểu Quốc hội khóa I (ngày 06/01/1946) là một sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng. Điểm bỏ phiếu số 10 phố Hàng Vôi (Hà Nội) trang hoàng rực rỡ, đông đảo cử tri đã tề tựu từ sớm đợi giờ khai mạc. Giữa lúc ấy, Bác Hồ xuất hiện với bộ kaki giản dị thường ngày. Bác bước vào phòng bỏ phiếu làm nghĩa vụ công dân. Bà con ùa đến đón. Bác tươi cười vẫy tay chào đồng bào. Bầu cử xong, Bác đi thăm một số điểm bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Trống, Lò Đúc, Bưởi… Hà Nội năm ấy có 194.880 cử tri, hơn 91% đã đi bỏ phiếu, Tất nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh có số phiếu bầu cao nhất. Cử tri Hồ Chí Minh đã đến với cuộc bầu cử đầu tiên và thực hiện chức trách của một cử tri như vậy đấy. Trọn vẹn một công dân đúng nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận lá phiếu bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa II ngày 8/5/1960. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Ở lần bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II (ngày 08/5/1960), đúng 7 giờ ngày 08/5/1960, Bác đã có mặt tại phòng bỏ phiếu tổ 52 khu phố Trúc Bạch, đặt tại Trường Nguyễn Trãi, phố Cửa Bắc. Người ân cần thăm hỏi mọi người, khen Ban Bầu cử tổ chức chu đáo và Người trực tiếp mời cụ Thạc là cử tri cao tuổi nhất bỏ lá phiếu đầu tiên, rồi mới đến mình. Sau đó, Bác đi kiểm tra một số điểm bỏ phiếu ở xã Nhật Tân và nhắc nhở phải đảm bảo các nguyên tắc dân chủ, bí mật, hoàn thành đúng thời gian, an toàn.
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III (ngày 26/4/1964): Bác Hồ đi bầu đại biểu Quốc hội khóa III tại phòng bỏ phiếu A24 đặt ở Hội trường Bộ Nông nghiệp, cạnh vườn Bách Thảo, phố Ngọc Hà. Làm xong nghĩa vụ và quyền lợi công dân, Bác đi thăm một số khu vực bỏ phiếu ở khu phố Đống Đa, thôn Vệ Hồ, huyện Từ Liêm (Hà Nội).
Bác bỏ lá phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960. Ảnh tư liệu |
Có một câu chuyện khá thú vị, khi Người với vai trò là một cử tri đi bầu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Hôm ấy là ngày 25/4/1965, đúng 6 giờ 30 phút, Bác đến điểm bầu cử tại quận Ba Đình. Đến nơi, Bác vui vẻ chào và nói với mọi người hãy cùng Bác làm tốt quyền lợi và nghĩa vụ của một người công dân. Sau đó, Bác tới dãy bàn của nhân viên bầu cử làm việc, trình Thẻ cử tri. Chị cán bộ trẻ rất phấn khởi, cảm động được đóng dấu ghi ngày bầu cử vào Thẻ cử tri của Bác và chăm chú nhìn Bác cầm bút ký. Một điều rất nhỏ nhưng làm chị suy nghĩ và nhớ mãi. Đó là khi Bác ký tên, nét chữ ký cuối cùng của Bác sát vào con dấu vuông của Ủy ban hành chính khu Ba Đình thì Bác vội ngoặt xuống không để chữ ký đè lên trên dấu. Chị cán bộ kính cẩn đứng dậy trao lại tấm Thẻ cử tri cho Bác. Bác cảm ơn và thân mật nói: Sao cháu lại đóng dấu ngược thế này? Thì ra trong lúc mải nhìn Bác, chị đã cầm dấu ngược đóng vào Thẻ cử tri. Bác và mọi người nhìn vào chiếc thẻ có đóng dấu ngày 25/4 ngược đều cười. Không khí nơi bầu cử thêm rộn ràng, niềm vui tràn ngập. Tiếp đó, Bác sang bàn bên nhận phiếu và ngồi vào bàn dành cho cử tri, chăm chú đọc tên từng người ứng cử, suy nghĩ và lựa chọn những người xứng đáng. Bác của chúng ta là vậy, gần gũi đến nao lòng, trách nhiệm đến mẫu mực.
Thẻ cử tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp ngày 15/4/1965. Ảnh tư liệu |
Và trước khi về cõi vĩnh hằng 4 tháng, đúng ngày 27/4/1969 Người với tư cách cử tri đích thân đến tận nơi để cầm lá phiếu bầu cử Hội đồng Nhân dân khu phố Ba Đình khóa V. Đấy cũng là lần cuối cùng Cử tri Hồ Chí Minh bầu cử. Lúc này sức khỏe của Người đã yếu lắm. Người bỏ phiếu tại hòm phiếu số 6, đơn vị 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội. Trong lần bầu cử cuối cùng này của Người đã để lại một câu chuyện lý thú mà ngày nay trở thành một trong những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. “Khi Bác Hồ đến, trong Nhà thuyền đã có nhiều cử tri đang bỏ phiếu. Tổ bầu cử thấy Bác đến, ra hiệu để đồng bào tạm dừng và tạo “điều kiện” để Bác bỏ phiếu trước. Biết ý, Bác nói: “Ai đến trước, viết trước, Bác đến sau, Bác chờ. Bác chờ cho đến hàng mình, mới nhận phiếu và vào “buồng” phiếu. Một nhà báo giơ máy định chớp “tấm hình để đời” thì Người lấy tay che phiếu lại và nói với nhà báo rằng: “Không ai được vào đây. Đây là phòng viết phiếu kín của cử tri. Phải bảo đảm tự do và bí mật cho công dân”. Theo lời kể của các đồng chí ở gần Bác, trước khi đi bầu cử, Bác không cho ai “gợi ý” cả, Bác nói: “Ấy, đừng có “lãnh đạo” Bác nhé. Bác không biết đảng ủy hướng dẫn danh sách để ai, xóa ai đâu nhé. Đưa lý lịch của những người ứng cử đây để Bác xem. Có chú nào dự buổi ứng cử viên trình bày ý kiến với cử tri, nói lại để Bác cân nhắc, Bác tự bầu”.
Bác Hồ tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ngày 27/4/1969. |
Có lẽ với Người thì mỗi câu chuyện là một bài học nhân văn, bài học mang tính giáo dục sâu sắc. Xin được nhắc lại lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không choáng ngợp, mới gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”.
Bác của chúng ta là vậy, vĩ đại từ những điều giản dị nhất, và giản dị ở cả những điều vĩ đại nhất. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người không phải chọn những gì to tát cao xa mà có lẽ hãy bắt từ những điều nhỏ nhất. Trước khi xây dựng cho mình một hình ảnh thì hãy cố gắng làm tròn bổn phận một người dân. Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng. Thành công của cuộc bầu cử đến từ việc thái độ biết trân trọng quyền và nghĩa vụ của mỗi một cử tri. Có thể chúng ta không trở thành một người vĩ đại, nhưng chắc chắn chúng ta hoàn toàn có thể là một cử tri gương mẫu. Chưa học được Bác được thật nhiều thì trước mắt phấn đấu hoàn thành bổn phận công dân như cử tri Hồ Chí Minh vậy.