Ngày hội non sông: Niềm tin và khát vọng

Nguyễn Ngọc Phú 22/05/2021 17:03

(Baonghean.vn) - Có lẽ ít có từ nào nói về cương vực, linh khí của đất nước hay bằng hai chữ: Non sông. Điều này vừa là hình thái địa lý, vừa là tâm thế không chỉ dáng hình đất đai sông núi mà còn chứa cả lịch sử trầm tích và vóc dáng tâm hồn của con người.

Ngày hội non sông: Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là ngày cả cộng đồng không phân biệt lứa tuổi, giới tính, thành phần xã hội cùng hòa chung một niềm vui náo nức cùng một khí thế hòa đồng như: Ngày vui thống nhất đất nước như ngày Tết độc lập của đồng bào dân tộc vùng cao. Ngày hội non sông từ biên giới đến hải đảo, từ đồng bằng đến miền núi tất cả các công dân từ 18 tuổi trở lên đều có quyền đi bỏ phiếu.

Lá phiếu bầu cử đã hiện thực hóa, đã chở cả bao tâm tình suy nghĩ, có sức nặng, sức tải của thời gian, từ lịch sử trầm hùng của quá khứ để bắt đầu cho một rạng rỡ tương lai. Mỗi lá phiếu trong tay cử tri tuy nhỏ nhắn mỏng như một tờ giấy viết học trò, với những thông tin cơ bản nhất nhưng chứa đựng những giá trị chung ý nghĩa vô cùng thiêng liêng cao quý. Đó là sự khẳng định tuyệt đối và tiếp nối liên tục quyền làm chủ của Nhân dân đối với một đất nước độc lập, tự do chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Bởi vậy quyền bầu cử không chỉ là quyền cá nhân mỗi cử tri khi bầu chọn ai mà lá phiếu còn khẳng định quyết tâm chính trị của những người đang sống hôm nay với khát vọng, tâm nguyện của các bậc tiền nhân đã xả thân cho nền độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây nước nhà.

Tranh cổ động cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 của tác giả Phạm Duy Khánh.

Để có được quyền bầu cử hôm nay bao thế hệ ông cha đã kiên cường chiến đấu, hy sinh xương máu dành và giữ nền độc lập tự do cho Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền trọn vẹn lãnh thổ cho giang sơn đất nước. Chúng ta ngỡ vẫn như còn nghe vang vọng ngày hội non sông trên bến Bình Than của quân dân nhà Trần với hội nghị Diên Hồng lịch sử hô vang đồng tâm: “Sát Thát” (đánh giặc Nguyên). Chúng ta vẫn còn nghe vang vọng Bản Tuyên ngôn khẳng định cương vực đất đai sông núi trong bài “Nam Quốc Sơn Hà” của vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở”. Sông núi ấy, đã bao lần đánh thắng quân thù với ngọn sóng Bạch Đằng Giang cọc gỗ xuyên thủng tàu địch. Sông núi ấy là cả dãy Trường Sơn trùng điệp, tiếp nối bao đoàn quân ra trận với khí thế ngút ngàn: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Sông núi ấy có những con đường kỳ diệu có một không hai: Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, đường dân công xe đạp thồ đi chiến dịch Điện Biên Phủ . Sông núi ấy có con đường số một chạy từ Bắc chí Nam như một sợi dây đàn bầu rung lên sâu thẳm bao cung bậc thiết tha với những làn điệu dân ca ba miền. Lá phiếu gửi gắm vào đó bao niềm tin và trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ lớn lao. Đó là khi người dân cả nước phát huy quyền làm chủ của mình thực hiện nghĩa vụ công dân qua việc đi bầu cử để chọn những người thật xứng đáng, có cả đủ đức, đủ tài, cả tâm lẫn tầm để thay thế mình làm đại biểu dân cử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh “Mỗi lá phiếu như một viên gạch đặt nền móng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”, Người còn nói thêm mỗi lá phiếu có “sức mạnh như một viên đạn”. Trên báo Cứu Quốc số 130 ra ngày 31/12/1945 trong bài “Ý nghĩa về Tổng tuyển cử” Bác Hồ đã viết rất thiết thực: “Trong Tổng tuyển cử hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền bầu cử, không phải chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Quang cảnh khu vực bỏ phiếu sớm tại bản Mường Lống, xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh tư liệu: Quang An

Trong ngày hội non sông toàn quốc của ngày bầu cử 23/5/2021 tới có thể nói đó là ngày hội của cả cộng đồng: cộng đồng trong cả tâm tư tình cảm, cộng đồng trong cả trí tuệ, cộng đồng trong cả mọi miền đất nước từ lời ăn tiếng nói, từ phong tục tập quán chung của con Lạc cháu Hồng. Và cộng hưởng: Cộng hưởng từ quá khứ oanh liệt của bốn nghìn năm lịch sử đất nước; Cộng hưởng reo ca từ nông trường xưởng máy đến đồng lúa chín vàng tươi; cộng hưởng từ những nhịp cầu khổng lồ vươn vai bắc qua sông rộng từ những tuyến đường: Đường bộ, đường thủy, đường không chắp cánh ước mơ vươn ra hội nhập thế giới. Nhà thơ Chính Hữu trong bài thơ “Lá phiếu hôm nay” đã viết: “Mỗi cử tri là một người mơ mộng – Tháng năm này suy nghĩ chuyến đi xa”. Mơ mộng ở đây là sự lãng mạn cách mạng , là khát vọng tương lai với bao niềm tin vào lá phiếu, đó là khi nghiên cứu tiểu sử, những vấn đề liên quan đến nhứng người ứng cử hết sức chu đáo kỹ lưỡng. Đặc biệt là các chương trình hành động của các ứng cử viên, qua việc tiếp xúc cử tri. Nguyện vọng của cư tri mong những người đại diện cho tiếng nói của mình phải thực sự truyền tải được những tâm tư nguyện vọng của mình tới Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Niềm tin đó đã được khẳng định chứng minh và ngày càng phát huy hoàn hảo qua quyền lựa chọn sáng suốt và công tâm vì mục đích cuối cùng là dân giàu, nước mạnh.

Đó là những vấn đề gần gũi, thiết thực trong cuộc sống. Như điều kiện công ăn việc làm, an toàn thực phẩm, môi trường biển, an ninh biên giới biển đảo, chống tham nhũng, chống dịch Covid đến những vấn đề to tát liên quan đến vận mệnh quốc gia... có được khắc phục cải thiện như mình mong muốn hay không. Vì thế mỗi cử tri càng nhận thức thấu đáo và quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bởi vận mệnh số phận của từng con người đến cả quốc gia dân tộc đều tin cậy gửi gắm vào lá phiếu với niềm tin tuyệt đối. Niềm tin đó đã được thử thách chọn lọc qua bao kỳ bầu cử. Niềm tin đó đã được khẳng định chứng minh và ngày càng phát huy hoàn hảo qua quyền lựa chọn sáng suốt và công tâm vì mục đích cuối cùng là dân giàu, nước mạnh.

Người dân bản Huồi Tố 1, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương háo hức đi bỏ phiếu. Ảnh tư liệu: Đức Anh

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong âm hưởng náo nức với bao phấn chấn lần được làm quyền công dân của một đất nước độc lập ngày Tổng tuyển cử (tháng1-1946) đã viết ca khúc: “Ngày Quốc hội” với nhịp điệu rộn ràng , rạo rực từ lòng người: “Đâu quốc dân Việt Nam mau - Cùng nhau cầm lá phiếu mau - Cùng nhau cùng đem lá phiếu ta đi bầu...”. Ta như được nghe, được thấy những bước chân của dòng người nối nhau đi bỏ phiếu trong một trong khí tự do và dân chủ. Cùng chung cảm hứng dạt dào âm hưởng của ngày hội non sông, nhà thơ Chính Hữu đã viết chân thành và xúc động với nhịp thơ vừa lâng lâng vừa đằm thắm tự sự vừa giàu chất trữ tình trong lần bầu cử khóa 2 (1960): “Đêm tháng Năm bồi hồi tiếng trống - Tôi đi trong những phố reo hò - Là một côngdân lòng cũng phất cờ - Tôi muốn viết một bài thơ cổ động”. Từ chuyện bỏ một lá phiếu nhà thơ đã vẽ nên cuộc sống “Những công trường gạch đỏ như hoa” đến tự chuyển mình từng ngày của đất nước “Những chợ, những sông, đây phố, đây nhà” như một cuộc diễu hành đầy tâm trạng tạo ra những tiếng vọng tâm tình đan xen đầy áp đầy tự hào “Lá phiếu này ta bỏ cho ta”.

Tổ quốc nặng tình nặng nghĩa qua lá phiếu ghi tên những con người ưu tú mà mình đã gửi gắm vào đó bao niềm tin và hy vọng.

Tôi bỗng nhớ về kí ức tuổi thơ những năm tháng còn nhỏ, chúng tôi những đội viên thiếu niên đeo khăn quàng đỏ, đội mũ ca-lô với dàn trống ếch rộn ràng, hồ hởi rồng rắn kéo nhau đi khắp các ngã đường ngõ xóm để động viên người lớn mai đi bỏ phiếu. Và ước vọng một ngày mình đủ tuổi công dân để được cầm lá phiếu trên tay trịnh trọng bỏ vào hòm phiếu. Ôi chiếc hòm phiếu có gắn với Quốc huy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật trang trọng và thiêng liêng biết bao. Có hòm phiếu lưu động đến bên giường bệnh để giúp người công dân thực hiện quyền lợi của mình. Có hòm phiếu vượt qua sóng gió trùng khơi đến với các chiến sĩ đang canh giữ đất trời thiêng liêng của tổ quốc bỏ những lá phiếu phập phồng nhịp tim mình có cả hơi nắng vị mặn mòi của đại dương. Lá phiếu thật nặng và ân tình biết bao. Đây chính là hồn thiêng sông núi, đây chính là sự hiện diện của Tổ quốc. Tổ quốc ở Trường Sa, Tổ quốc trên biên giới. Tổ quốc nặng tình nặng nghĩa qua lá phiếu ghi tên những con người ưu tú mà mình đã gửi gắm vào đó bao niềm tin và hy vọng.

Các cử tri bỏ phiếu bầu cử. Ảnh tư liệu: Đức Anh

Mẹ tôi từng kể ngày trước bà quyết tâm tham gia lớp bình dân học vụ đánh vần từng chữ để mong ước đến ngày bầu cử được tự mình nắn nót ghi tên những đại biểu mà mình lựa chọn kỹ càng và ký tên mình vào lá phiếu như ký thác bao niềm tin tuyệt đối, Đó là một điểm tựa tình thần vững chãi cũng như lũy tre xanh bao đời ken chặt vào nhau thành lá chắn bao bọc xóm làng. Ở đó tất cả đều thân thiết, đều máu thịt. Lá phiếu chính là một thông điệp nhân văn cao cả nhưng lại gần gũi và thân thiết biết bao. Tôi có cảm giác ngày hội non sông đi bầu cử đất trời cũng như đổi khác. Thiên nhiên cũng tưng bừng sắc hoa, sắc quả, nắng cũng sóng sánh như mật ong, mây cũng xanh hơn thắm hơn trên vòm trời cao rộng và khuôn mặt mọi người ai cũng rạng rỡ hơn thân thiết hơn. Một ngày hòa chung nhịp đập thiết tha của bao trái tim hướng tới những ước mong cao đẹo hơn. Các ứng cử viên không chỉ trên tấm ảnh, tiểu sử mà hình như họ cùng hòa nhập bên mình như vừa mới gặp nhau hôm qua. Và ta bỗng bồi hồi biết bao khi nhớ về người công dân số một - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu! Trong các phòng bỏ phiếu vẫn có hình ảnh Bác ung dung trông xuống dịu dàng với chòm râu bạc phơ với nụ cười hiền hậu và đôi mắt sáng. Bác đang dõi theo chúng ta, Bác như đang về cùng bỏ phiếu với chúng ta. Và ta như vẫn còn nghe vang vọng lời tuyên ngôn độc lập 02/9/1945 Bác đã trích dẫn câu: “Tất cả mọi người sinh ra ai cũng có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được” trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ.

Thưa Bác, trong ngày hội non sông này, quyền tự do bình đẳng được tôn trọng và lá phiếu trong tay mỗi người là lá phiếu của niềm tin - Niềm tin vào tương lai đất nước, niềm tin vào một lớp người hiền tài được lựa chọn, niềm tin vào quyết định sáng suốt của mình với bao khát vọng tương lai./.

Nguyễn Ngọc Phú