Hơn 100 xã vùng cao Nghệ An bị cắt chế độ, ngành giáo dục gặp khó
(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg quyết định phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Theo Quyết định này, hơn 100 xã vùng cao của Nghệ An đã ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn và đã bị cắt chế độ.
Nhiều xã, thôn, bản ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn
Nghị định 116/2016/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ cho học sinh và các trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được áp dụng đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số hoặc dân tộc Kinh (với các quy định kèm theo) hiện đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú hoặc trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này. Nghị định này có hiệu lực từ năm 2015 - 2020.
Theo đó, mỗi học sinh được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở. Ngoài ra, mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo. Riêng đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở. Mức hỗ trợ được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Việc học tập trung sẽ giúp nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường miền núi. Ảnh: M.H |
Tại Nghệ An, việc thực hiện Nghị định 116 và các chính sách trước đó của Nhà nước là cơ sở để thực hiện thành công mô hình bán trú ở các bậc học tại các huyện miền núi cao. Trong đó, đối tượng thụ hưởng chính là học sinh thuộc các xã đặc biệt khó khăn (Khu vực 3) và học sinh thuộc thôn, bản đặc biệt khó khăn (xã thuộc Khu vực 2 và Khu vực 1).
Liên quan đến chính sách này, tính đến cuối năm 2020, Nghệ An có 51 trường PTDTBT với hơn 18.000 học sinh được học tập trong môi trường thuận lợi, trong đó có hơn 10.000 học sinh được ăn, ở, học tập tại trường. Ngoài ra, còn hàng nghìn học sinh ở bậc tiểu học cũng đang được thụ hưởng chế độ.
Giờ ăn của học sinh Trường PT DTBT THCS Nậm Típ (Kỳ Sơn). Ảnh: M.H |
Hệ thống trường PTDTBT đã và đang làm thay đổi tích cực chất lượng giáo dục toàn diện học sinh ở vùng dân tộc thiểu số, huy động tối đa học sinh trong độ tuổi tới trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, góp phần quan trọng vào việc duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
“Khoảng trống” trong thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số và miền núi
Liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, ngày 4/6, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg Quyết định phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022 - 2025.
Theo Quyết định này, Nghệ An từ 252 xã đặc biệt khó khăn (thuộc cả 3 khu vực 1, 2, 3) giảm xuống còn 131 xã. Riêng xã đặc biệt khó khăn giảm từ 106 xã xuống còn 76 xã; số thôn, bản đặc biệt khó khăn dự kiến cũng cắt giảm khoảng một nửa với khoảng 500 thôn, bản.
Học sinh Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Tân Hợp (Tân Kỳ). Ảnh: M.H |
Việc cắt chế độ của học sinh các xã đặc biệt khó khăn sẽ tác động rất lớn đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có hàng nghìn học sinh đang học tại các trường dân tộc bán trú và học sinh đang hưởng chế độ hỗ trợ của Nghị định 116.
Bước đầu, qua tổng hợp sơ bộ ban đầu của Sở Giáo dục và Đào tạo thì có 11 trường PT DTNT THCS ở các huyện Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỳ và một số trường thuộc các xã ở Kỳ Sơn, Tương Dương có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, còn hàng nghìn học sinh khác đang học ở các trường tiểu học và THCS có tổ chức bán trú.
Tại Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Tân Hợp (Tân Kỳ), hiện đang có 259 học sinh bán trú gồm tiểu học và THCS. Thực hiện mô hình này, không chỉ giúp địa phương thuận lợi trong quá trình sáp nhập 2 trường tiểu học và THCS trên cùng một xã mà còn góp phần giúp nhà trường ổn định trường lớp, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và nâng cao chất lượng dạy học. Chính vì điều đó, trong trường hợp nếu học sinh không còn được hỗ trợ bán trú thì việc tổ chức mô hình trường bán trú của nhà trường sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chia sẻ điều này, thầy giáo Trần Quốc Mạnh - Hiệu trưởng Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Tân Hợp cho biết: Học sinh bán trú đa phần đều ở xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo. Vì thế, nếu cắt bán trú và chuyển sang cơ chế xã hội hóa thì rất nhiều phụ huynh không có điều kiện để đóng góp và sẽ ảnh hưởng đến việc dạy học của nhà trường.
Học sinh Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Tân Hợp (Tân Kỳ). Ảnh: M.H |
Toàn huyện Tân Kỳ, qua thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo đang có gần 1.000 học sinh được hưởng chế độ 116 với số tiền hỗ trợ hàng năm là hơn 7 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này nếu phải huy động đóng góp từ phụ huynh thực sự không dễ dàng.
Đứng trước nguy cơ chế độ cho học sinh bán trú sẽ bị cắt, mới đây, tại cuộc đối thoại với lãnh đạo ngành Giáo dục, nhiều hiệu trưởng cũng đã bày tỏ sự lo ngại nếu không có ngân sách chi trả cho học sinh bán trú của học kỳ II năm học 2020 - 2021 (được tính từ năm 2021) thì sẽ rất khó khăn.
Hay như tại huyện Tương Dương, hiện huyện đang xây dựng đề án xây dựng Trường Tiểu học DTBT đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn và dự kiến sẽ đi vào triển khai từ năm học 2021 - 2022 và một số năm tiếp theo. Nhưng hiện tại theo danh sách mới nhất vừa công bố, các xã như Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Xá Lượng đã ra khỏi Khu vực 3.
Những học sinh người Mông đang học bán trú tại Trường Tiểu học Mai Sơn (Tương Dương). Ảnh: Đức Anh |
Trước thực tế này, bà Võ Tuyết Chinh - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc xây dựng mô hình bán trú ở các xã vùng cao khác với các huyện vùng xuôi vì các cháu ngoài ăn còn ở tại nhà trường. Thế nên, nếu không còn chế độ, chính sách hỗ trợ thì việc triển khai còn nhiều khó khăn vì đa phần đời sống của người dân ở các huyện miền núi còn rất vất vả.
Vấn đề này, hiện cũng đang được Sở Giáo dục và Đào tạo cân nhắc, xem xét và tìm giải pháp. Trước mắt, Sở đang thống kê, khảo sát để tham mưu cho tỉnh và các ban, ngành liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các trường bán trú trên địa bàn. Xa hơn, việc xã hội hóa cũng cần được bàn tới để phụ huynh sẽ cùng chung tay với nhà trường thực hiện bán trú nhằm mục đích ổn định và nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường.