Sắc sảo, nhạy bén, kịp thời trong công tác định hướng dư luận xã hội

Thành Duy 24/06/2021 16:18

(Baonghean.vn) - Chiều 24/6, tại phiên họp thường kỳ tháng 6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe, cho ý kiến dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025”.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh;…

Toàn cảnh cuộc họp thường kỳ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Duy
Toàn cảnh cuộc họp thường kỳ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Duy

THIẾT LẬP, DUY TRÌ CƠ CHẾ PHẢN HỒI DƯ LUẬN XÃ HỘI

Đảng bộ tỉnh Nghệ An luôn xác định công tác tư tưởng, trong đó có công tác dư luận xã hội là nhiệm vụ của toàn Đảng bộ, của mỗi cấp ủy đảng và mỗi cán bộ đảng viên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, gặp nhiều khó khăn, tác động đến công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý xã hội của tỉnh.

Do đó, việc xây dựng, ban hành Đề án nhằm mục đích tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong việc nắm bắt định hướng dư luận xã hội trên địa bản tỉnh.

Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, tăng tính dự báo, đề xuất các cấp ủy, chính quyền ban hành những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp; chủ động định hướng tư tưởng, tuyên truyền và đấu tranh phản bác có hiệu quả với các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch.

Đồng chí Trần Quốc Khánh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình bày dự thảo Đề án. Ảnh: Thành Duy

Kịp thời định hướng dư luận, giải quyết tốt các vướng mắc, bức xúc trong xã hội, đặc biệt là thiết lập và duy trì cơ chế phản hồi những vấn đề dư luận xã hội phản ánh, giúp các địa phương, đơn vị khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém; góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, giữ vững ổn định về tư tưởng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Yêu cầu của đề án là đánh giá thực trạng công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trong thời gian qua, đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trong thời gian tới.

Đưa công tác dư luận xã hội trở thành một nhiệm vụ thường xuyên, góp phần ổn định tư tưởng tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Để thực hiện các mục đích, yêu cầu đặt ra, dự thảo Đề án đã xây dựng 6 nhiệm vụ, giải pháp.

NHIỆM VỤ THƯỜNG XUYÊN, QUAN TRỌNG

Liên quan đến dự thảo nội dung dự thảo đề án, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh, vai trò của công tác định hướng dư luận xã hội vô cùng quan trọng; song để hiệu quả cần nắm bắt sớm, kịp thời, phản ánh đầy đủ, khách quan, trung thực, tránh phiến diện; công tác định hướng dư luận xã hội phải sớm dựa trên quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và chuẩn mực, giá trị truyền thống.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phân tích sâu nhiều yêu cầu đặt ra trong công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: Thành Duy

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cho rằng, một trong những giải pháp sắp tới đòi hỏi phải hết sức lưu ý là trang bị kỹ năng cho các cơ quan, đơn vị, ngành có thẩm quyền, đội ngũ, cán bộ để thực hiện yêu cầu nắm bắt và định hướng dư luận xã hội.

Thông qua triển khai Đề án, cấp ủy các cấp, các ngành phải quan tâm hơn công tác định hướng dư luận xã hội, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền tinh nhuệ.

Do đó, khi thực hiện Đề án, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cần tham mưu công tác quán triệt chủ trương, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn để đảm bảo nắm bắt thông tin nhạy bén, kịp thời, đầy đủ, chính xác, khách quan; xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận nội dung dự thảo Đề án. Ảnh: Thành Duy

Kết luận nội dung này, phân tích một số tồn tại, hạn chế trong công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội hiện nay, nhất là ở cơ sở, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý yêu cầu khi thực hiện Đề án cần xem công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong chỉ đạo, điều hành.

Cùng với đó, người đứng đầu Tỉnh ủy yêu cầu: Công tác nắm bắt thông tin, dư luận xã hội phải nhanh, chính xác, trung thực, khách quan; khái quát hóa, nhận diện được nội hàm thông tin đúng, sai; dự báo, phân tích, xử lý, từ đó có định hướng kịp thời, hiệu quả.

Mặc khác, cần phải sử dụng triệt để công nghệ hiện đại phục vụ công tác nắm bắt thông tin, phân tích dữ liệu, định hướng dư luận; đồng thời cũng cần nắm chắc tình hình cơ sở. Các ngành Công an, Quân sự tăng cường phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để thực hiện hiệu quả Đề án.

Cũng tại phiên làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến nội dung kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh khóa XVIII; rà soát, bổ sung, điều chỉnh chương trình làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy 6 tháng cuối năm 2021;...

Thành Duy