Chánh Thanh tra Sở TT-TT Nghệ An: Cần thận trọng khi chia sẻ thông tin về Covid-19

Tiến Hùng 28/06/2021 13:27

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, hàng loạt thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm đời tư liên quan Covid-19 đăng tải tràn lan trên mạng xã hội. Phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn – Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông về vấn đề này.

PV: Nửa tháng qua, Nghệ An liên tục ghi nhận các ca bệnh Covid-19. Đi kèm với đó là các thông tin đăng tải tràn lan trên mạng xã hội và báo chí. Tuy nhiên, có không ít thông tin sai sự thật hoặc vi phạm quy định, ông có nắm được thực trạng này không, thưa ông?

Ông Trần Anh Tuấn: Một trong những chức năng, nhiệm vụ của Sở Thông tin và Truyền thông là quản lý thông tin trên môi trường mạng và trên báo chí. Vì vậy, các thông tin nói chung và thông tin về dịch Covid-19 nói riêng đã đăng phát trên môi trường mạng và trên báo chí liên quan đến Nghệ An, chúng tôi đều nắm bắt, kịp thời xử lý để đảm bảo thông tin đăng, phát đúng sự thật, tránh gây hoang mang cho người dân trong phòng chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, qua công tác quản lý thông tin trên môi trường mạng, chúng tôi nhận thấy nhiều thông tin sai sự thật, thông tin gây hoang mang dư luận, thông tin chưa được công bố chính thức về dịch Covid-19 đăng tải trên môi trường mạng do một số phóng viên, cộng tác viên cơ quan báo chí và cán bộ của các địa phương cung cấp lên trang Facebook cá nhân của mình.

Trong khi, các thông tin chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố chính thức về dịch Covid-19 thì lại thường bị rò rỉ từ rất sớm làm cho người dân hoang mang trong phòng dịch. Về việc này, ngày 18/6, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh điều tra việc tiết lộ thông tin về phòng, chống dịch Covid-19.

Công an triệu tập một phụ nữ ở Nam Đàn vì đăng thông tin sai sự thật về Covid-19. Ảnh: TH
Công an triệu tập một phụ nữ ở Nam Đàn vì đăng thông tin sai sự thật về Covid-19. Ảnh: TH

PV: Việc thông tin sai sự thật về Covid-19 cũng như thông tin vi phạm đời tư của bệnh nhân sẽ ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Anh Tuấn: Thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 sẽ gây hoang mang cho người dân khi tiếp nhận thông tin, từ đó ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Thông tin vi phạm về đời tư của người bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống, đến quá trình điều trị bệnh của bệnh nhân, ảnh hưởng đến cuộc sống của người thân, gia đình, làng xóm của bệnh nhân.

Điều đáng lo ngại nhất là đời tư bệnh nhân bị khai thác quá mức, lịch trình bị công khai trên mạng xã hội khiến nhiều F0, F1 ngần ngại khai báo lịch trình của mình với cơ quan y tế. Vì sợ đời sống riêng tư, các mối quan hệ bị tiết lộ, đặc biệt là thời gian qua, có một số bệnh nhân còn bị một số người sử dụng mạng xã hội truy cập vào tài khoản Facebook để công kích, “ném đá”. Khi mà những người này khai báo không trung thực thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phòng chống dịch bệnh.

Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: TH
Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm rò rỉ trên mạng là vi phạm quy định. Ảnh: TH

PV: Trước những thực trạng đó, thì cơ quan chức năng ở Nghệ An đã có những động thái gì, thưa ông?

Ông Trần Anh Tuấn: Sở Thông tin và Truyền thông đã kịp thời tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn tuyên truyền về tình hình thực tế của công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các địa phương đã và đang triển khai để người dân biết, an tâm trong thực hiện các biện pháp phòng dịch, cũng như an tâm trong sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu những cá nhân, tổ chức đưa thông tin sai sự thật phải cải chính thông tin ngay trên trang thông tin cá nhân của mình hoặc trên phương tiện mà tổ chức, cá nhân đó đã đăng, phát thông tin.

PV: Hiện nay, đã có những quy định cụ thể nào về việc đưa thông tin liên quan dịch Covid-19 lên báo chí cũng như lên mạng xã hội không thưa ông?

Ông Trần Anh Tuấn: Hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về việc đưa thông tin liên quan đến dịch Covid-19 lên báo chí cũng như lên mạng xã hội. Tuy nhiên cơ quan báo chí và tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội muốn đăng, phát thông tin về dịch Covid-19 phải đảm bảo đúng sự thật và phải tuân thủ các quy định của pháp luật, gồm: Luật Khám chữa bệnh; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Báo chí, Luật An ninh mạng; Luật Viễn thông…

Trên mạng thậm chí còn có cả phiếu trả lời kết quả bị làm giả khiến không ít người tin.
Trên mạng thậm chí còn có cả phiếu trả lời kết quả bị làm giả khiến không ít người tin.

Các văn bản luật nêu trên đều cấm đăng phát thông tin xâm phạm đến quyền được tôn trọng bí mật riêng tư của người bệnh. đó là quyền được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.

PV: Hành vi đăng thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 hoặc thông tin đời tư của bệnh nhân nhiễm Covid-19 sẽ bị xử lý như thế nào và được quy định ở văn bản quy phạm pháp luật nào?

Ông Trần Anh Tuấn: Những hành vi này nếu xảy ra thì tùy từng trường hợp cụ thể sẽ áp dụng một trong các văn bản quy phạm pháp luật sau để xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự:

- Trường hợp tổ chức, cá nhân đưa thông tin không chính xác về tình hình dịch Covid -19 sau khi công bố dịch hoặc công bố hết dịch theo nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp. Mức xử lý như sau:

+ Đối với cá nhân mức phạt tiền từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng. Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn đã đưa tin trước đó liên tục trong 3 ngày theo quy định của pháp luật".

+ Đối với tổ chức mức phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn đã đưa tin trước đó liên tục trong 03 ngày theo quy định của pháp luật".

Hình thức xử phạt được quy định tại Điểm a, Khoản 3 và Điểm a, Khoản 4, Điều 5, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

- Trường hợp tổ chức, cá nhân cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân liên quan đến phòng chống dịch Covid-19. Mức xử lý như sau:

+ Đối với cá nhân mức phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật”.

+ Đối với tổ chức mức phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật”.

Hình thức xử phạt được quy định tại Điểm a, Khoản 1 và Khoản 3, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

- Trường hợp cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin đời tư của bệnh nhân nhiễm Covid-19 trái quy định của pháp luật. Mức xử phạt như sau:

+ Đối với cán nhân mức phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng.

+ Đối với tổ chức mức phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.

Hình thức xử phạt được quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Ngoài các quy định về xử phạt vi phạm hành chính thì tổ chức, cá nhân đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19 còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288, Bộ luật Hình sự 2015.

Tiến Hùng