Vì sao bóng đá châu Âu luôn hấp dẫn khán giả ?
(Baonghean.vn) - Tháng 6 và tháng 7/2021 là quãng thời gian “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” đối với người hâm mộ bóng đá trong nước, châu lục cũng như toàn thế giới.
Khán giả hâm mộ Việt Nam đang được háo hức với cả bóng đá futsal (tranh vé vào VCK thế giới cùng đội tuyển Libăng) lẫn bóng đá nam (vòng loại thứ 2 World Cup khu vực châu Á) cùng lúc với bóng đá châu Âu (EURO 2020 - đá muộn 1 năm do Covid-19) và bóng đá Nam Mỹ (Copa America 2021).
Tất nhiên, tình yêu bóng đá của người hâm mộ Việt Nam trước hết dành trọn cho các đội tuyển bóng đá của Việt Nam và đã được đền đáp: Đội tuyển Futsal Việt Nam lần thứ 2 lọt vào VCK thế giới và đội tuyển nam Việt Nam cũng lần đầu tiên lọt vào vòng 3, vòng đấu cuối cùng tiến tới World Cup 2022 khu vực châu Á!
Điểm nhấn Ukraine 0-4 Anh tại tứ kết EURO 2020. Ảnh: bongdaplus |
Trong khi vòng 3 vừa có kết quả bốc thăm chia bảng, bóng đá quốc tế trở lại làm “món chính” của người hâm mộ Việt Nam. Có một nhận xét đáng chú ý: Vì sao người hâm mộ Việt Nam quan tâm các trận đấu của bóng đá châu Âu hơn là bóng đá Nam Mỹ, cho dù ở 2 khu vực này đầy rẫy các ngôi sao của bóng đá thế giới?
Nếu châu Âu có ngôi sao lừng danh Ronaldo (Bồ Đào Nha) thì Nam Mỹ có Mesi (Agentina) hay Neymar (Brazil) và đối đầu giữa các đội bóng hàng đầu 2 châu lục này luôn được xếp vào hàng kinh điển. Lần này hoàn toàn khác trước, Messi chơi vô cùng xuất sắc ở đội tuyển Argentia, còn Neymar, nếu có cầu thủ này trong đội hình xuất phát thì Brazil chơi với đội hình nào cũng thắng! Các trận đấu ở EURO thường diễn ra vào giờ khuya đối với người Việt thì Copa America lại diễn ra vào sáng sớm, rất phù hợp, sao cả báo chí lẫn người hâm mộ đều ít quan tâm theo dõi những vũ điệu Samba?
Messi ăn mừng sau khi ghi bàn từ cú sút phạt tuyệt đẹp. Ảnh: Reuters |
Có phải truyền thông về bóng đá châu Mỹ và Copa America, từ các giải đấu trong nước đến giải khu vực quá nhạt nhòa nên không tạo được sức hút đối với khán giả? Trong khi đó, bóng đá châu Âu được coi là nơi sản sinh ra môn vua và là nơi luôn biết cách “khắc chế” lối đá của trường phái bóng đá thêu hoa dệt gấm của người Nam Mỹ vốn đã hấp dẫn từ xưa nay đi kèm với truyền thông liên tục, rộng khắp đã khiến người hâm mộ quen biết, thân thiết như… người nhà?
Bóng đá Nam Mỹ mà đỉnh cao là Brazil và Argentina đều phát triển trên cơ sở bóng đá đường phố, phô diễn tài năng cá nhân trong một tập thể thăng hoa, lan tỏa. Trong khi đó, bóng đá châu Âu sản sinh ra những tài năng trên cơ sở đào tạo, huấn luyện bài bản, khoa học, dùng trí tuệ để bóp nghẹt sáng tạo của đối thủ. Người châu Âu thực hành bóng đá tổng lực trên 50 năm nay, bắt đầu từ Hà Lan tỏa ra các đội tuyển khác với mỗi nơi một vẻ sinh động, hiệu quả. Người châu Âu khi triển khai triết lý bóng đá của mình, bằng lối chơi tiki-taka đầy biến ảo và thú vị thay học trò xuất sắc hàng đầu của các thầy dạy bóng đá châu Âu lại là một người Nam Mỹ sang châu Âu đào tạo bóng đá từ nhỏ, đó là Messi!
Hơn nữa, trong nhiều năm liên tục, bóng đá Nam Mỹ vẫn chỉ xoay chung quanh các anh tài Brazli hay Argentina, thi thoảng là Urugoay hay Paraguay. Trong khi đó, bóng đá châu Âu cho thấy sự đổi ngôi liên tục: Không chỉ Italia hay Đức mà còn là Pháp, Tây Ban Nha, cũng không thể coi thường Bồ Đào Nha, Anh hay Croatia, Đan Mạch vì họ có thể “vùng lên” bất cứ lúc nào và khiến đội xếp trên bẽ mặt.
Nếu xem kỹ các trận đấu của bóng đá châu Âu, có thể nhận ra nhiều nét thú vị về chiến thuật, về vai trò của huấn luyện viên mà người trong cuộc sẽ học hỏi được nhiều điều. Chẳng hạn, tại EURO 2020 này, đội tuyển Italia trình diễn một bộ mặt khác hẳn so với truyền thống là lối phòng ngự bê-tông cổ điển, phá lối chơi, bóp nghẹt đối thủ như cách hậu vệ Gentile kèm “chết” Maradona tại Espana 1982.
Đội tuyển Italia hiện nay bố trí 3 trung vệ và hàng tiền vệ 5 hoặc 4 người, chủ động ngăn chặn đối phương từ giữa sân và hoạt động năng nổ, đầy sáng tạo của tiền vệ tổ chức như Verati. Các mũi nhọn Italia đều có thể ghi bàn. Thật thú vị khi xem cách người Italia tổ chức đá phạt hàng rào: Một nhóm 3 cầu thủ đứng trước hàng rào của đối thủ, nhóm khác 3 người đứng sau hàng rào đó và khi đồng đội chuẩn bị sút phạt thì ngay lập tức cả 2 hàng rào ảo chạy chiến thuật làm rối loạn sự phán đoán của thủ môn đối phương.
Chưa hết, Verati đá phạt hàng rào chếch bên cánh bằng một cú chuyền ngắn ra trước mặt hậu vệ làm hàng rào ngoài cùng, để tiền đạo chạy cắt mặt đá nối vào góc xa cầu môn ghi bàn để lại sự trầm trồ thán phục của nhiều người. Cái hay của “bài” này là ở chỗ biết đó, đề phòng đó nhưng không chống lại nổi và ai ai cũng có thể học cách đá phạt này nhưng thực hiện được hay không lại là chuyện khác…
Ở Việt Nam, hình ảnh ngôi sao Công Vinh (CV9) mỗi khi chuẩn bị sút phạt thường “tạo dáng” rất đẹp và mỗi khi ghi bàn thường làm động tác ăn mừng độc đáo có lẽ là học được từ ngôi sao châu Âu và thế giới Ronaldo (CR7). Và chắc chắn, các HLV, cầu thủ nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam còn học được rất nhiều điều hay từ bóng đá thế giới.
Tại kỳ EURO này là tinh thần chiến đấu đến cùng của người Hungari, Thụy Sỹ; người Italia hay mọi nhẽ nhưng người Áo cũng không vừa và sẽ tìm ra cách khiến đối thủ khốn khổ; người Pháp đang có lứa cầu thủ tuyệt vời nhưng kiêu ngạo sẽ là liều thuốc đắng; đừng coi thường những người vào được vòng trong nhờ vé vớt như Đan Mạch, Ucraina vì khi trải qua kỳ “chết đi, sống lại” thì họ sẽ “sống rất dai”…
Có thể còn nhiều điều thú vị khác chưa nói hết, nhưng phải chăng những điều đó đã khiến mọi sự chú ý liên tục dồn vào bóng đá châu Âu thực sự lắm bất ngờ và hấp dẫn đến phút giây cuối cùng?