Nghệ An: Nhiều nguy cơ cháy rừng khi nắng nóng gay gắt trở lại

Văn Trường 15/07/2021 10:29

(Baonghean.vn) - Dịch dã, nhựa thông giá rẻ, người dân không còn mặn mà chăm sóc rừng nên dẫn tới nhiều diện tích rừng chưa được xử lý thực bì. Đây là một trong những nguy cơ cao cháy rừng khi nắng nóng tiếp tục diễn ra.

Liên tiếp xảy ra cháy rừng

Tư đầu mùa nắng nóng đến nay, địa bàn tỉnh Nghệ An đã liên tiếp xảy ra cháy rừng. Hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, người dân, cơ quan, ban, ngành phải “gồng mình” để kịp thời dập lửa rừng.

Điển hình là mới đây, tại địa bàn xóm 8, xã Diễn Lộc (Diễn Châu) đã xảy ra vụ cháy rừng thông. Sau khi phát hiện đám cháy, lực lượng chức năng bao gồm Kiểm lâm, Công an huyện Diễn Châu, UBND xã, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên... cùng đông đảo người dân các xóm đã có mặt kịp thời để khống chế ngọn lửa.

Trước đó, ngày 28/6, tại khu vực núi Đại Huệ ở xóm Phúc Điền, xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) đã xảy ra 1 đám cháy rừng thông hơn 20 năm tuổi.

Chữa cháy rừng tại xã Diễn Lộc (Diễn Châu). Ảnh: Văn Trường

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, do nắng nóng kéo dài nên trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng. Tính từ ngày 30/5 đến nay, trên địa bàn Nghệ An xảy ra 12 vụ cháy rừng, gây thiệt hại trên 15 ha rừng. Sau đợt mưa vừa qua, nắng nóng trở lại gay gắt, làm tăng nguy cơ cháy rừng, đặc biệt là ở các huyện có rừng thông như Nam Đàn, Đô Lương, thị xã Hoàng Mai, Yên Thành…

Trong công tác PCCCR Nghệ An vẫn còn bộc lộ nhiều những khó khăn, hạn chế. Như hiện nay nhiều diện tích rừng thông chưa được xử lý thực bì, nguy cơ cháy rừng là rất cao. Như tại địa bàn xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) có trên 200 ha rừng thông nhưng hiện có trên 150 ha rừng thông chưa được xử lý thực bì.

Đối với địa bàn thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu hiện có trên 5.000 ha rừng thông, nhưng hiện chỉ mới xử lý thực bì được khoảng trên 500 ha, còn lại chưa được xử lý thực bì.

Thực bì tại nhiều diện tích rừng thông ở xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) dày đặc, nguy cơ cháy rừng cao. Ảnh: Văn Trường

Đại diện Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu - thị xã Hoàng Mai cho biết: Nguyên nhân nhiều diện tích ở 2 địa phương này chưa được xử lý thực bì là do mấy năm nay giá nhựa thông quá rẻ, dẫn đến tình trạng người nhận khoán không mặn mà chăm sóc rừng thông. Công tác giao khoán bảo vệ rừng, tổ chức khai thác nhựa thông vẫn còn nhiều bất cập, chưa cân đối hài hòa lợi ích, vẫn còn tiềm ẩn mâu thuẫn, dẫn đến việc đốt rừng cố ý tại một số địa phương như tại các xã Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai).

Chưa kể trang thiết bị chữa cháy rừng vẫn còn thiếu, trang bị cho lực lượng chữa cháy cơ sở còn thiếu, như cả huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai các xã chỉ mới có 4 máy thổi lửa. Địa bàn huyện Quỳnh Lưu,thị xã Hoàng Mai còn hàng chục km đường băng cản lửa vẫn chưa được duy tu, cải tạo.

Bổi thực bì tại xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) khô rom, chỉ cần một tàn lửa là gây cháy rừng. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Quốc Minh - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết: Trong công tác chữa cháy rừng đang còn những khó khăn, như các khu vực cháy nằm ở vị trí núi cao hiểm trở, huy động được xe chữa cháy nhưng không có đường vào. Vì vậy, công tác chữa cháy rừng chủ yếu thực hiện bằng phương pháp thủ công, hiệu quả chữa cháy chưa cao. Chưa kể do dịch Covid-19 bùng phát nên công tác huy động nhân dân tại địa bàn chữa cháy rừng rất khó khăn.

Hiện nay trang thiết bị chữa cháy rừng vẫn còn thiếu cho lực lượng chữa cháy tăng cường của các đơn vị quân sự, lực lượng dân quân tự vệ. Ranh giới vùng rừng giáp ranh các huyện liền kề vẫn chưa được xây dựng đường băng trắng ngăn cách, nên cháy rừng giáp ranh vẫn nguy cơ cao. Nhất là địa bàn giáp ranh các huyện Nam Đàn với huyện Thanh Chương và huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh); địa bàn huyện Nghi Lộc với huyện Nam Đàn và huyện Diễn Châu.

Chòi canh lửa xã Xuân Thành (Yên Thành) bị hư hỏng, khó khăn cho công tác canh lửa rừng. Ảnh: Văn Trường

Một số chủ rừng, cá nhân vẫn còn thiếu sự đầu tư cần thiết cho công tác PCCCR. Cấp ủy Đảng ở một số địa phương cấp xã, chưa thực sự vào cuộc quyết liệt để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PCCCR. Công tác PCCCR vẫn chưa đảm bảo vững chắc, nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy lớn vẫn còn rất cao.

Tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR

Để chủ động các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa cháy rừng trong mùa nắng nóng, mới đây Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng Nghệ An đề nghị các huyện, thành, thị; lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng tập trung cao nhất, chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng.

Kiểm tra máy thổi lửa tại xã Xuân Thành (Yên Thành). Ảnh: Văn Trường

Cụ thể là, thực hiện tốt công tác cảnh báo, dự báo cấp cháy rừng đến người dân, cắt cử, phân công lực lượng thường trực 24/24h. Các huyện có nguy cơ cháy rừng cao phải lập chốt kiểm soát người ra, vào rừng, bố trí lực lượng tuần tra, canh gác để ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng xảy ra.

Đặc biệt, khi cháy rừng xảy ra, yêu cầu Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, thành, thị có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy chữa cháy theo phương án đã được phê duyệt. Đối với các khu rừng gần với khu dân cư, kho tàng, khi xảy ra cháy, phải chủ động có phương án di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và các lực lượng khi tham gia chữa cháy rừng...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu: Cần chủ động các biện pháp phòng chống cháy rừng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu: Cần chủ động các biện pháp phòng chống cháy rừng

(Baonghean.vn) - "Ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại rừng, chủ động các biện pháp phòng chống cháy rừng" - đó là chỉ đạo của đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác lâm nghiệp năm 2020, triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021 diễn ra sáng nay (13/4).

Bổ sung thêm phương tiện chữa cháy đối với những địa phương hay xảy ra cháy rừng

Bổ sung thêm phương tiện chữa cháy đối với những địa phương hay xảy ra cháy rừng

(Baonghean.vn) - Đó là ý kiến của đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp để nghe và cho ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ thường xuyên cho chức danh Đội trưởng, Phó đội trưởng Đội Dân phòng và trang bị phương tiện PCCC cho Đội Dân phòng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025 diễn ra vào chiều 17/9.

.

Văn Trường