Nhiều nước hứng kỷ lục buồn về mức độ lây lan và chết chóc do dịch Covid-19
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm gần 472.000 người nhiễm Covid-19 và hơn 7.000 ca tử vong. Một loạt nước hứng kỷ lục buồn về mức độ lây lan và chết chóc của dịch bệnh.
Theo cập nhật của trang thống kê toàn cầu Worldometers, tính đến 6h sáng 14/7, tổng cộng có 188,5 triệu người đã nhiễm virus và hơn 4,06 triệu người tử vong khi đại dịch hoành hành ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mỹ vẫn đứng đầu danh sách về số ca nhiễm (khoảng 34,8 triệu) và số ca tử vong (623.400) nhưng tình hình dịch bệnh của nước này đã giảm bớt nhờ chiến dịch tiêm chủng đại trà nhanh chóng và hiệu quả.
Ấn Độ đứng thứ 2 với khoảng 31 triệu người dương tính, tăng hơn 40.000 ca trong 24 giờ qua, và 411.400 người tử vong, tăng 623 trường hợp.
Brazil đứng thứ 3 khi ghi nhận hơn 19,1 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 45.000 ca trong ngày 13/7. Nước này đứng đầu thế giới về số ca tử vong mới, thêm 1.527 trường hợp vào tổng 535.800 nạn nhân xấu số của Covid-19.
Chôn cất thi thể người nhiễm Covid-19 ở Bekasi, ngoại ô Jakarta. Ảnh: Reuters |
Kỷ lục buồn ở Indonesia và Malaysia
Indonesia, ngày 13/7, ghi nhận thêm 47.899 người nhiễm Covid-19, vượt xa kỷ lục 38.124 ca mới được thiết lập 24 giờ trước đó. Số 869 bệnh nhân Covid-19 tử vong ở đảo quốc trong cùng khoảng thời gian là mức cao thứ 3 kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này hồi tháng 3 năm ngoái.
Theo các chuyên gia, tình hình dịch bệnh ở Indonesia trở nên khó kiểm soát là hệ quả từ kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr hồi tháng 5 và các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta.
Số người nhiễm tăng quá nhanh khiến các bệnh viện ở Indonesia rơi vào tình trạng quá tải. Hàng nghìn ca nhiễm phải tự chữa trị tại nhà trong khi lực lượng y tế chịu sức ép lớn vì họ phải chăm sóc lượng bệnh nhân khổng lồ.
Đến nay, Indonesia có khoảng 2,6 triệu ca nhiễm và hơn 68.200 ca tử vong.
Cùng ngày, Malaysia ghi nhận 11.079 ca nhiễm mới – lần đầu tiên có số ca lây nhiễm ở mức 5 con số trong vòng một ngày đơn lẻ. Kỷ lục trước đó là 9.353 ca vào ngày 10/7.
Với tổng cộng 855.949 ca nhiễm đến nay, Malaysia là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm tính theo đầu người cao nhất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, nước này cũng đi đầu về tỷ lệ tiêm chủng, với 25% trong tổng số 32 triệu dân đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin Covid-19.
Thái Lan quyết kết hợp 2 vắc-xin Covid-19
Ngày 13/7, Thái Lan đưa ra quan điểm bảo vệ việc sử dụng kết hợp 2 loại vắc-xin khác nhau để kiểm soát Covid-19, bất chấp khuyến cáo của một nhà khoa học hàng đầu thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng đây là "một xu hướng nguy hiểm" chưa được chứng minh.
Nhà chức trách Thái Lan cho biết sẽ kết hợp 2 loại vắc-xin của hãng AstraZeneca và hãng Sinovac, trong đó dùng vắc-xin của hãng Sinovac để tiêm mũi 1, còn vắc-xin của hãng AstraZeneca tiêm mũi 2.
Nhà virus học Yong Poovorawan của Thái Lan khẳng định sự kết hợp này đạt được hiệu quả miễn dịch trong vòng 6 tuần sau tiêm, thay vì 12 tuần như thường lệ. Ông nhấn mạnh Thái Lan không thể chờ tới 12 tuần để đạt hiệu quả miễn dịch trong lúc số ca nhiễm và tử vong tăng cao. Ông nói rằng trong tương lai có thể sẽ có giải pháp tốt hơn khi dịch bệnh giảm bớt và vắc-xin được cải tiến.
Trong một quyết định khác, Thái Lan cho phép các ca bệnh nhẹ cách ly ở nhà và tự xét nghiệm bằng các bộ kit nhằm giảm áp lực lên hệ thống y tế. Họ sẽ được hoàn trả chi phí y tế tối đa 1.100 Baht (33 USD) mỗi ngày và không quá 14 ngày. Đây cũng là mức hoàn trả tối đa cho chi phí sử dụng các thiết bị y tế tại nhà. Ngoài ra, họ còn được Chính phủ thanh toán lại các chi phí về thuốc men và xét nghiệm.
Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 353.700 ca nhiễm và 2.850 ca tử vong.
Ngày chết chóc ở Nga
Nga, ngày 13/7, ghi nhận thêm 780 người nhiễm Covid-19 tử vong, cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, và trên 24.700 ca mới. Đến nay, nước này có hơn 141.000 ca tử vong, còn số người nhiễm virus 5,8 triệu.
Biến thể Delta hoành hành và tốc độ tiêm chủng chậm chạp chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh tại Nga tăng mạnh. Nước này mới có khoảng 30 triệu người tiêm mũi vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên.
Ấn Độ sản xuất 300 triệu liều vắc-xin Sputnik V mỗi năm
Các nhà phát triển vắc-xin Nga cho biết, đã đạt một thỏa thuận với Viện Huyết thanh Ấn Độ để sản xuất 300 triệu liều vắc-xin Sputnik V tại nước này mỗi năm
"Các bên có kế hoạch mỗi năm sản xuất hơn 300 triệu liều vắc-xin tại Ấn Độ, với lô đầu tiên dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2021", Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) - đơn vị tài trợ cho việc phát triển vắc-xin Sputnik V – xác nhận.
Sputnik V được Nga đăng ký tháng 8/2020, là loại đầu tiên trong 4 vắc-xin được bào chế ở nước này và đã được cấp phép sử dụng tại 67 nước. Giám đốc Viện Huyết thanh Ấn Độ Adar Poonawalla khẳng định Sputnik V chứng tỏ hiệu quả cao và độ an toàn, nên cần để người dân Ấn Độ và thế giới được tiếp cận loại vắc-xin này.