Nghệ An ra công điện khẩn phòng, chống chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm
(Baonghean.vn) - Chủng cúm gia cầm A/H5N8 từng lây sang người ở Nga đã xuất hiện tại 3 tỉnh của Việt Nam.
UBND tỉnh Nghệ An vừa ra Công điện khẩn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao khác lây lan diện rộng.
Cán bộ thú y phun khử trùng, phòng ngừa dịch. Ảnh tư liệu P.V |
Theo thông tin của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO), từ năm 2014 đến nay, chủng vi rút cúm gia cầm (CGC) thể độc lực cao A/H5N8 đã xuất hiện, gây bệnh trên gia cầm (giai đoạn đầu chủ yếu xảy ra ở chim hoang dã), sau đó lây lan nhanh ở phạm vi rất rộng và gây dịch bệnh trên gia cầm nuôi. Tính đến tháng 6 năm 2021, tổng cộng đã có 64 nước, vùng lãnh thổ báo cáo phát hiện chủng vi rút này; từ đầu năm 2021 đến nay, trên thế giới có tổng cộng 2.757 ổ dịch do chủng vi rút CGC A/H5N8 gây ra, chiếm gần 70% trong tổng số các ổ dịch CGC do các chủng vi rút khác nhau gây ra (trong đó có các quốc gia chung biên giới với Việt Nam). Trong tháng 02 năm 2021, có 07 người tại Liên bang Nga được xác định nhiễm vi rút cúm A/H5N8 với các triệu chứng nhẹ (theo Tổ chức Y tế Thế giới, đến nay chưa có bằng chứng về vi rút CGC A/H5N8 lây từ người sang người).
Tại Việt Nam, theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT từ đầu tháng 6 năm 2021 đến nay đã phát hiện chủng vi rút CGC A/H5N8 tại 3 tỉnh: Hòa Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh.
Nhận định trong thời gian tới, nguy cơ dịch CGC A/H5N8 xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An rất cao do các nguyên nhân như: Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh lớn (trên 28 triệu con) chủ yếu chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, thả rông, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin CGC rất thấp; nguồn con giống gia cầm nuôi hầu hết được mua từ các tỉnh phía Bắc, lưu lượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm lớn, có nhiều chợ buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Nghệ An có đường biên giới với nước bạn Lào, các hoạt động giao lưu, thương mại, phương tiện, con người qua lại giữa 2 nước diễn ra thường xuyên; Chim hoang dã có thể nhiễm vi rút CGC A/H5N8 tiếp xúc trực tiếp gây bệnh cho gia cầm nuôi; Thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sức đề kháng của gia cầm.
Để chủ động ngăn chặn, hạn chế thấp nhất dịch bệnh CGC A/H5N8 xâm nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi gia cầm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan thực hiện nghiêm Công điện khẩn số 4154/CĐ-BNN-TY ngày 02/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh CGC A/H5N8 và các chủng vi rút CGC thể độc lực cao khác lây lan trên diện rộng, trong đó chú trọng các nội dung sau:
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp/Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, UBND cấp xã triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh CGC A/H5N8 và các chủng vi rút CGC theo quy định của Luật Thú y, Quyết định số 1116/QĐ-UBND ngày 09/4/2019 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh CGC trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2025. Chủ động giám sát dịch bệnh, kịp thời điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp gia cầm ốm, chết nghi ngờ mắc bệnh CGC; khi có kết quả dương tính với vi rút CGC: tiêu hủy ngay gia cầm mắc bệnh, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin CGC phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn; thường xuyên tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh, chưa được tiêm phòng và hết thời gian miễn dịch. Sử dụng các loại vắc-xin CGC phù hợp với chủng vi rút gây bệnh theo khuyến cáo của Cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.
Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng 2 đợt để tiêu diệt mầm bệnh theo Kế hoạch số 1964/KH-SNN.CNTY ngày 07/6/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; phát hiện, báo cáo kịp thời đầy đủ về tình hình dịch bệnh cho chính quyền, cơ quan thú y; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa xử lý ra môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ kiểm dịch, nhập lậu qua biên giới, giết mổ gia cầm không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y an toàn thực phẩm.
Địa phương nào chủ quan, lơ là không quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch để dịch lây lan ra diện rộng... thì chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh...