Xung quanh quy định về xét nghiệm PCR bắt buộc với các cơ sở kinh doanh tại TP. Vinh
(Baonghean.vn) - Xung quanh quy định: “Chủ cơ sở trực tiếp quản lý và nhân viên, người lao động của cơ sở phải tổ chức xét nghiệm PCR 1 tuần /1 lần” của UBND thành phố Vinh, người dân vẫn còn nhiều băn khoăn.
Ý kiến của các chủ cơ sở kinh doanh xung quang quy định xét nghiệm PCR. Video: Thanh Phúc, Kỹ thuật: Lâm Tùng |
Mở cửa đón khách trở lại sau gần 2 tháng chỉ bán hàng mang về, quán phở ở Nghi Phú (TP.Vinh) khá đông người đến ăn sáng. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, quán đã bố trí đầy đủ các biện pháp như: Sắp xếp bàn ghế giãn cách; chuẩn bị nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang cho khách; 100% nhân viên đeo khẩu trang, đeo kính bảo hộ và giữ khoảng cách với thực khách; sát khuẩn bàn ghế, vật dụng sau khi khách rời cửa hàng. Đặc biệt, quán đã đăng ký quét mã QR đối với khách hàng khi đến quán.
Theo danh mục những dịch vụ tiếp tục dừng hoạt động và những dịch vụ được phép kinh doanh khi áp dụng Chỉ thị 19 trên địa bàn từ 0h ngày 19/7 do UBND thành phố Vinh ban hành thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán ăn, cà phê):
- Chủ cơ sở trực tiếp quản lý và nhân viên, người lao động của cơ sở phải tổ chức xét nghiệm PCR 1 tuần /1 lần.
- Bố trí chỗ ngồi cho khách ăn, uống đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu 1,5 mét.
- Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm an toàn giãn cách khi tiếp xúc.
- Tiến hành vệ sinh, khử khuẩn bề mặt bàn, ghế ngồi ngay sau khi mỗi lượt khách rời đi.
Để đảm bảo vệ sinh, nhân viên quán phở này thường xuyên sát khuẩn mặt bàn sau khi thực khách rời đi. Ảnh: Thanh Phúc |
Anh Hoàng Hiệp, chủ quán phở trên đường V.I Lê Nin cho biết: “Được mở cửa kinh doanh trở lại rất phấn khởi. Mặc dù tuân thủ các điều kiện kèm theo mà UBND thành phố Vinh quy định: Thực hiện 5K; Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm an toàn giãn cách khi tiếp xúc; Tiến hành vệ sinh, khử khuẩn bề mặt bàn, ghế ngồi ngay sau khi mỗi lượt khách rời đi; Hoạt động không quá 22 giờ 00 phút hàng ngày… Tuy nhiên, với quy định “Chủ cơ sở trực tiếp quản lý và nhân viên, người lao động của cơ sở phải tổ chức xét nghiệm PCR 1 tuần /1 lần” thì tôi thấy khá bất cập”.
Theo phân tích của anh Hiệp thì điều bất cập thứ nhất là chi phí xét nghiệm quá lớn (dao động từ 1,6-2 triệu đồng/mẫu gộp 10 người/tuần) trong bối cảnh dịch bệnh, kinh doanh rất khó khăn. Thứ hai, việc lấy mẫu sẽ mất thời gian, nếu tập trung đông người thì vấn đề thì nguy cơ lây nhiễm càng cao. Thứ ba, kết quả xét nghiệm có hiệu lực trong vòng 1 tuần thì trong 1 tuần đó, nhân viên đã tiếp xúc với rất nhiều người thì liệu kết quả đó có giá trị hay không?.
Ứng dụng quét mã QR để quản lý thông tin thực khách đến quán, tiện cho việc theo dõi, truy vết khi cần. Ảnh: Thanh Phúc |
Bên cạnh niềm phấn khởi khi được quay lại hoạt động sau 1,5 tháng đóng cửa, anh Hồ Tuấn Anh, chủ một quán cà phê trên đường An Dương Vương (phường Trường Thi, TP.Vinh) lại có những băn khoăn riêng. Đó là nếu thực hiện quy định xét nghiệm PCR 1 lần/tuần thì quán của anh có 5 người, như vậy, chi phí bỏ ra gần 800.000 đồng/người/tuần, còn nếu làm gộp sẽ hết 1.500.000 đồng/5 người/tuần.
“Số tiền này khá lớn đối với một hộ kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi trong điều kiện hiện nay. Dịch bệnh, kinh doanh ế ẩm, đóng cửa trong một thời gian dài, nay quay lại kinh doanh chưa biết sẽ thế nào mà còn phải trang trải thêm chi phí này thì quả là một gánh nặng. Mong các cấp, ngành liên quan điều chỉnh quy định hợp lý hơn, sát thực tế hơn”, anh Tuấn Anh bày tỏ.
Một quán cà phê bố trí bàn ghế giãn cách, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1,5m. Ảnh: Thanh Phúc |
Kinh doanh mặt hàng ăn uống, theo chị Hồ Thị Diệu Linh, chủ một quán chè trên đường Hà Huy Tập (phường Hà Huy Tập, TP.Vinh) thì điều kiện kèm theo khi cho phép mở cửa trở lại của thành phố là cần thiết trong việc phòng chống dịch. Và có thể chấp nhận được nếu nó mang tính tạm thời trong vòng 1-2 tuần, còn nếu kéo dài thì các hộ kinh doanh nhỏ lẻ rất khó khăn về kinh phí.
“Nhân viên làm tại quán, mức lương dao động 3-4 triệu đồng/tháng, nếu buộc phải xét nghiệm PCR thì mỗi tháng họ phải bỏ ra 1/2 số tiền lương, còn nếu chủ quán chi trả thì chi phí quá lớn. Bất đắc dĩ, chúng tôi đành chuyển hướng là chỉ bán mang về và ship tận nơi thay cho mở cửa phục vụ tại chỗ. Mong thành phố cân nhắc để có phương án hợp lý ”.
Theo phản ánh của các hộ kinh doanh, đến nay, họ chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào về việc xét nghiệm PRC theo quy định của thành phố. Điều mà họ mong muốn thành phố có những chia sẻ, đồng hành với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong việc tạo điều kiện như: Công khai danh sách các cơ sở y tế xét nghiệm PCR và mức giá cụ thể; Phối hợp, chỉ đạo các cơ sở có chức năng xét nghiệm PCR để hạ giá, giảm chi phí cho đối tượng là chủ cơ sở kinh doanh và nhân viên.
Nhiều chủ quán ăn cho biết, nếu không thể chi trả thêm chi phí cho việc xét nghiệm PCR thì buộc họ từ chối phục vụ thực khách tại chỗ mà chỉ thực hiện bán mang về. Ảnh: Thanh Phúc |
Nhiều ý kiến đề xuất, thành phố nên ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, truy xuất, truy vết Covid-19 như quét mã QR, ứng dụng Bluozone… thay cho giấy chứng nhận xét nghiệm PCR. Hoặc thay vì bắt buộc xét nghiệm toàn bộ nhân viên cửa hàng thì chỉ cần xét nghiệm 1 người trong quán/lần/tuần như thành phố đã áp dụng trong việc xét nghiệm cộng đồng những đợt gần đây để giảm gánh nặng chi phí…
Trước diễnbiến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, khi dừng giãn cách theo Chỉ thị 15 sang thực hiện Chỉ thị 19, thành phố Vinh đã ban hành các hạng mục được phép mở cửa kinh doanh trở lại kèm phụ lục điều kiện đi kèm, trong đó có quy định “Chủ cơ sở trực tiếp quản lý và nhân viên, người lao động của cơ sở phải tổ chức xét nghiệm PCR 1 tuần /1 lần”.
Rõ ràng đây chỉ là quy định bắt buộc tạm thời trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế, nảy sinh nhiều bất cập như đã phản ánh ở trên. Do đó, thành phố cần có hướng dẫn cụ thể đến các hộ kinh doanh; cân nhắc để có những điều chỉnh hợp lý, hợp tình.
Theo khảo sát, hiện nay, giá xét nghiệm PCR: Gộp 5 người có giá 300.000 đồng/người, gộp 10 người có giá 238.000 đồng/người. Còn nếu làm riêng lẻ có giá 734.000 đồng/người.
Xét nghiệm PCR có kết quả sau 1 ngày, giấy chứng nhận hiệu lực 5-7 ngày.