Bóng đá đẹp và 'nghệ thuật hắc ám'
(Baonghean.vn) - Trong bóng đá, bên cạnh cái đẹp mà nhiều người luôn luôn hướng tới, cũng có những điều ngược lại, tức những điều chưa hay, chưa đẹp luôn tồn tại, song hành đây đó.
Đa số người hâm mộ và nhiều người làm bóng đá luôn mong mỏi được thưởng thức bóng đá đẹp, nhưng thiện chí đó luôn bị ngăn trở bởi cái gọi là sự hiệu quả, đẹp mà thua thì trở nên vô nghĩa, không đẹp mà thắng thì ít nhất cũng có chỗ, có cớ để mà dựa dẫm, an ủi. Vậy nên trong bóng đá, bên cạnh cái đẹp mà nhiều người luôn luôn hướng tới, cũng có những điều ngược lại, tức những điều chưa hay, chưa đẹp luôn tồn tại, song hành đây đó.
Hậu vệ Italia nhiều người lừng danh sân cỏ thế giới, đẹp người, đẹp mã, thi đấu dũng mãnh vô song. Ảnh: Báo Nhân dân |
Lịch sử hàng trăm năm bóng đá để lại nhiều câu chuyện bi hài, nhiều bài học không thể “học” hết được. Chỉ biết rằng, ngay cả những đội bóng chơi thứ bóng đá tấn công tuyệt hảo nhất, đẹp hơn cả mong đợi, thì trong đội hình đó, trong một con người đó, không phải lúc nào cũng vô tư chơi đẹp và chỉ đẹp mà thôi.
Trái lại, khi cần thiết, khi luật lệ cho phép, sẽ ngay lập tức xuất hiện một tình huống…không đẹp từ một cầu thủ vốn được coi là “lung linh” trong mắt mọi người. Ngoài việc thi thoảng lại xảy ra nạn phân biệt chủng tộc luôn bị xử lý rất nặng, trên sân cỏ quả vậy không thiếu câu chuyện về “nghệ thuật hắc ám” và tính hiệu quả, từ những ngôi sao nổi bật nhất, những đội bóng thành công nhất
Bóng đá Brazil lâu nay đi liền với mỹ từ “các vũ công sam-ba” hay “nghệ sỹ sân cỏ”. Nhưng không lâu sau khi nghe rất ngọt tai về các từ đẹp đẽ đó, các HLV Brazil buộc phải đưa vào đội hình những lực sỹ, những chiến binh để làm xương sống, làm trụ cột vận hành đội bóng. Những cái tên như Dunga, Casemiro…, nhận thẻ vàng trong mỗi trận đấu bình thường như cơm bữa, tiêu biểu cho sự thay đổi đó trong triết lý chơi bóng mới để đi tới thành công của người Brazil.
Đội tuyển Brazin luôn trình diễn một lối bóng đá đẹp. Ảnh: Báo Nhân Dân |
Tất nhiên sẽ có đội bóng tìm mọi cách để “khắc chế” lối chơi đẹp của Brazil và bất cứ đối thủ nào, bắt đầu từ Argentina, Uruguay hoặc Paraguay gần gũi và xa hơn là các ông lớn châu Âu. Để rồi, sau đó ai ai cũng biết người Argentina lừng lẫy với bàn thắng của thiên tài Maradona từ “bàn tay của Chúa” và vô số tiểu xảo bậc thầy từ các cầu thủ của đội bóng này. Rồi làm sao quên tiền đạo hàng đầu thế giới Suarez (thời kỳ Liverpool và đội tuyển Uruguay) với cú “cắn” kinh điển vào vai Chiellini ở World Cup 2014, vào tai Ivanovic (Chelsea) ở giải Ngoại hạng không chỉ một lần dù chịu phạt rất nặng và chịu cảnh chê bai, xa lánh sau đó.
Nhưng đó chỉ là những pha điển hình của “nghệ thuật hắc ám” mang tính cá nhân. Ví dụ, trước những đội bóng chơi tấn công, áp đặt, một đội bóng muốn không thua và sau đó giành chiến thắng tất yếu phải lo phòng ngự, thậm chí tới mức “phòng ngự hắc ám” mang tính tập thể. Đó là cách Atlectico Madrid của HLV Simone đã thi đấu và giành thắng lợi trước Liverpool của HLV Klop ở Champions League mùa giải năm trước. Một thắng lợi xấu xí trong mắt cổ động viên Liverpool nhưng lại đẹp mắt vì chiến thắng, cái đẹp ở đây là chiến thắng, trong mắt cổ động viên Atlectico là theo nghĩa đó?
Nếu nói về sự thực dụng, vận hành “nghệ thuật hắc ám” thì khó ai bằng Argentia hay Italia, dù những đội bóng này trong lịch sử luôn có vô số điều hay ho, thú vị về cả sự cống hiến lẫn… chơi bẩn! Maradona thời đỉnh cao ghi bàn cả chân lẫn… tay, chơi bóng “như một con thú” vẫn không sao thoát khỏi sự kèm cặp lì lợm của hậu vệ Italia Jentile ở World Cup 1990. Zidane hay là thế, tuyệt vời là thế nhưng chỉ trong chốc lát dính ngay đòn khiêu khích của hậu vệ Italia Materazzi để phải nhận thẻ đỏ trực tiếp và dẫn tới đội nhà thua trận trong trận chung kết World Cup 2006 giữa Italia và Pháp!
Mới đây thôi, trong trận chung kết EURO 2020 giữa Anh và Italia, trung vệ đội trưởng Chiellini vẫn sẵn sàng kéo áo Saka rất thô thiển khi bị qua người và nhận thấy nguy hiểm cho đội nhà. Trận bán kết trước đó, khi bắt đầu vào loạt sút luân lưu may rủi, người Italia cũng đã “bắt vía” ngay lập tức đối thủ từ khi bốc thăm, nghĩa là họ luôn thực hành đủ “mưu hèn, kế bẩn” mà không phạm luật, để giành ưu thế cho đội nhà!
Hậu vệ Italia nhiều người lừng danh sân cỏ thế giới, đẹp người, đẹp mã, thi đấu dũng mãnh vô song, luôn là nõi khiếp sợ của biết bao tiền đạo lừng danh của sân cỏ thế giới. Vậy mà vẫn có chuyện “thú vị” hết cỡ: trước trận đấu một hậu vệ Italia từng ăn rất nhiều… tỏi, nhằm lấy khí thế và luôn luôn cố tình thở mạnh vào… mặt tiền đạo theo kèm! Đây nữa, trung vệ Chielini gần đây viết hồi ký thừa nhận “sốc” đoạn nói về cú cắn của Suarez rằng “anh ấy không cần xin lỗi gì cả. Chúng tôi giống nhau và đều là những thằng khốn khi thi đấu và tôi tự hào về điều đó”!
Để đi tới chiến thắng trong bối cảnh đối phương rất mạnh và khát khao chiến thắng không kém bất kỳ ai, ngoài việc phát huy cao nhất thế mạnh của cá nhân, tập thể, tất yếu phải “đều là những thằng khốn khi thi đấu” như Chiellini thừa nhận. Cuối cùng thì ai ai cũng phải chấp nhận rằng, chiến thắng đẹp là điều mơ ước khôn nguôi, chính đáng của nhiều người và thực tế làm rõ ra mười mươi: chỉ chiến thắng cuối cùng mới thực sự là cái đẹp có thực, cầm được trên tay!