Nông dân Nghệ An thầu ruộng xấu, chăm cỏ dại nuôi bò
(Baonghean.vn) - Trong khi người ta thuê đất, diệt sạch cỏ để trồng cây thì nhiều nông dân ở xã Thanh Hà (Thanh Chương) làm chuyện “ngược đời” là thầu ruộng xấu, vây dây thép gai, nuôi cỏ dại.
Sau khi nhận ruộng khoán, anh Thực cho người dọn sạch những cây cỏ dại không có giá trị dinh dưỡng, trâu, bò không ăn như: Cỏ hôi, cỏ mực... chỉ trừ lại các loại cỏ như cỏ mật, cỏ mần trầu, cỏ sữa đất. Ảnh: Thanh Phúc |
Năm 2020, anh Hoàng Văn Thực (thôn 4, Thanh Hà) nhận khoán gần 1ha đất với mức giá 2 triệu đồng/năm. Khi anh nhận thầu vùng đất này, rất nhiều người trong gia đình ngăn cản vì đất này thực chất đây là đất cát bạc màu mà người dân địa phương gọi là “cát xót”, không thể canh tác được, chỉ có cỏ dại là sinh trưởng nhanh.
Và càng bất ngờ hơn vì sau khi nhận thầu, anh không cải tạo đất để trồng cây màu như ngô, bí, dưa, cà… mà là thuê máy, cày xới đất, vãi phân chuồng rồi để cỏ dại lên xanh. Khi cỏ lấm tấm phủ xanh ruộng, anh đổ cọc bê tông, kéo dây thép gai vây quanh để “nuôi cỏ”. “Tôi thuê khoán 15 sào đất và của gia đình có 15 sào nữa. Toàn bộ tôi đóng cọc, vây thép gai để nuôi cỏ dại. Đó là nguồn thức ăn chính cho 10 con bò sinh sản của gia đình tôi”, anh Thực cho biết.
Sau đó, thuê máy, cày xới đất, vãi phân chuồng và chờ cỏ dại lên xanh, làm thức ăn cho bò. Ảnh: Thanh Phúc |
Theo anh Thực, nuôi bò sinh sản hay vỗ béo đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là với vùng đất Thanh Hà, diện tích rộng, thuận lợi trong chăn thả tự nhiên. Tuy nhiên, do đặc thù hiện nay, lao động trẻ ở địa phương đi làm ăn xa là chủ yếu, lao động nông nghiệp không còn dồi dào như trước. Do đó, để phát triển chăn nuôi mà không cần đến nhân công là một “bài toán”. Giải bài toán đó, theo anh Thực có nhiều cách, nhưng cách hữu hiệu nhất là thuê ruộng xấu, chăm cỏ dại để nuôi bò.
Theo cách làm này, thì các loại cỏ như cỏ mật, cỏ đuôi hổ, cỏ trai, cỏ đồng tiền, cỏ cú, cỏ mần trầu, cỏ sữa đất… có sẵn sẽ tự sinh sôi, phát triển mà không cần đến sự chăm sóc nào. Vừa tiết kiệm được tiền giống cỏ, lại không mất công gieo trồng, chăm bón. Mặt khác, đây là những loại cỏ - thảo dược tự nhiên, giàu chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Người dân rào thép gai, khoanh vùng nuôi cỏ dại, đồng thời ngăn không cho gia súc ra ngoài phá hoại lúa, hoa màu. Ảnh: Thanh Phúc |
“Nếu như trồng cỏ voi thì phải làm đất, lên luống, chăm sóc và thu hoạch. Khi cắt cỏ voi về còn phải băm nhỏ rồi mới cho trâu, bò ăn nên cần có nhân công, ít nhất, phải có 2-3 lao động thường xuyên mới có thể nuôi được 10 con bò sinh sản. Ngược lại, cỏ dại tự sinh sôi, phát triển, cỏ tốt thì lùa trâu, bò vào đó, chúng tự gặm cỏ, sáng lùa bò ra, chiều tối lùa bò về, không cần người chăn thả. Với 1,5 ha cỏ tự nhiên, đàn bò tha hồ thức ăn xanh mà không cần phải bổ sung thêm nguồn nào khác.
Để bò có chỗ tránh nắng, phía xung quanh, tôi trồng một ít cây keo lá tràm, tạo bóng mát để trâu, bò “nghỉ trưa”. Khi bò sinh sản thì bổ sung thêm cám ngô, cám gạo, gạo nếp, muối khoáng để tăng chất lượng sữa, nuôi bê con”, anh Thực cho biết.
Bò được chăn thả trong khu vực đã được khoanh vùng. Theo hình thức này, nếu nuôi 10 con bò sinh sản chỉ cần 1 người sáng lùa bò ra đồng cỏ và tối lùa bò về chuồng. Ảnh: Thanh Phúc |
Còn anh Nguyễn Văn Đàm, thôn 5 (Thanh Hà) lại tận dụng 10ha đất đồi tự nhiên của gia đình để nuôi 20 con bò sinh sản. Anh Đàm cũng để một diện tích lớn để cỏ mọc, trâu, bò ăn hết lứa cỏ này thì anh bón thêm lân, đạm, ka-li để cỏ mọc tiếp lứa cỏ khác. Không mất tiền mua thức ăn xanh cho trâu, bò, không mất tiền thuê nhân công chăn thả, cắt cỏ, chăm sóc nên theo anh Đàm, đây là cách làm “có lãi” nhất.
Trồng cỏ sữa, cỏ voi nuôi nhốt sẽ tốn công gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch cỏ và băm cỏ... Ảnh: Thanh Phúc |
Với đặc thù “chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt” nên hầu hết đồng đất Thanh Hà chỉ làm được mỗi năm 1 vụ nhưng năng suất thấp, nông dân đành bỏ hoang vụ còn lại. Việc một số hộ dân mạnh dạn nhận khoán những thửa ruộng xấu, nuôi cỏ dại để phát triển chăn nuôi đại gia súc đang được xem là hướng đi đúng của bà con nơi đây, phù hợp với thực trạng thiếu nhân lực trong lao động nông thôn hiện nay.
Hiện, theo thống kê, tổng đàn đại gia súc toàn xã là 2.071 con, hộ nhiều nhất là 22 con, hộ ít nhất 1 con. Theo tính toán, trung bình nếu 1 hộ chăn nuôi 10 con bò sinh sản, tận dụng thức ăn tự nhiên từ cỏ dại (chỉ bổ sung thức ăn tinh khi cần), mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.