Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An khóa XV tham gia phiên thảo luận tổ
(Baonghean.vn) - Chiều 22/7, Đoàn ĐBQH 3 tỉnh Cao Bằng, Lâm Đồng và Nghệ An thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021- 2025.
Đồng chí Lại Xuân Môn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng được phân công làm Tổ trưởng chủ trì phiên thảo luận. Ảnh: Phan Hậu |
Qua thảo luận, các vị đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, nhấn mạnh thêm về những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của Nhân dân.
Theo đó, bám sát nội dung thảo luận Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An có 3 ý kiến. Đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội khóa XIV về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; đồng thời tiếp tục quan tâm thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia cho tỉnh Nghệ An. Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 115 thôn bản vùng khó khăn và Đảo Mắt chưa có điện lưới quốc gia.
Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu |
Đại biểu đến từ đoàn Nghệ An cũng đề nghị có giải pháp căn cơ để thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ đạt hiệu quả cao hơn, để đối tượng được thụ hưởng, được tiếp cận chính sách một cách nhanh nhất, kịp thời nhất; sớm khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.
Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về hướng phát triển chiến lược xây dựng hạ tầng trong 5 năm tới để xác định trọng tâm của chiến lược và định hướng cơ chế đầu tư phù hợp; tập trung giải quyết các dự án treo, các vấn đề còn tồn đọng trước khi tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu |
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội đánh giá: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra phương châm rất rõ ràng trong việc phát triển kinh tế-xã hội là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 vẫn đang thể hiện theo phương thức cũ, chưa thể hiện rõ những nội dung nhằm đánh giá tiêu chí người dân được thụ hưởng, chẳng hạn như các tiêu chí về thụ hưởng sự phát triển về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế…
Vì vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị cần nhấn mạnh và làm rõ hơn về những tiêu chí phát triển, nâng cao sự thụ hưởng của người dân trong dự thảo, góp phần đánh giá việc triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đại biểu Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu |
Đại biểu Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phân tích, giai đoạn trước mắt sẽ ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch bệnh, giãn cách xã hội nhưng đồng thời phải có biện pháp để chuyển dần sang mục tiêu phát triển song hành cùng với Covid -19; đây sẽ là những biện pháp dài hơi để nền kinh tế có thể chung sống với Covid-19.
Bên cạnh đó, hiện nay trong công tác phòng, chống dịch Covid -19, bên cạnh các biện pháp về y tế thì các biện pháp về an sinh cần phải hết sức chú trọng theo hướng cụ thể hơn; đẩy nhanh hơn nữa cung ứng vắc - xin phòng, chống dịch.
Liên quan đến nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Vân Chi cho rằng, giai đoạn tới cần nhấn mạnh công tác quản lý thuế, chính sách thuế theo được xu thế chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nhất là đối với kinh doanh thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh dựa trên nền tảng số để có thể tận dụng được những cái dư địa về số nguồn thu.
(Baonghean.vn) - Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An thống nhất phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định như cơ cấu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có 22 cơ quan, gồm 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ.Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An thống nhất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV