Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách ở mức cao nhất, trách nhiệm nhất để tri ân sâu sắc với người có công và gia đình chính sách

Hà Văn 25/07/2021 07:09

Phát biểu tại buổi gặp mặt đầy xúc động với đại diện người có công cả nước, đại diện một số thương binh… nhân dịp 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm trong phạm vi thẩm quyền ở mức cao nhất, trách nhiệm nhất, bằng tấm lòng và sự tri ân sâu sắc với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng, các gia đình chính sách.

Chiều ngày 24/7, tại trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính tổ chức gặp mặt 50 đại biểu là người có công tiêu biểu đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công trên cả nước nhân dịp 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021). Cùng dự buổi gặp mặt có Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Ngay trước buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, các cơ chế, chính sách, mức ưu đãi với người có công được nâng cao hơn so với trước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu và các thương binh dự buổi gặp mặt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đã xúc động nghe các thương binh, bệnh binh đại diện người có công cả nước phát biểu, chia sẻ những tâm tư, tình cảm với đất nước, nhân dân, với Đảng, với Bác Hồ, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, 74 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công ngày càng hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh 02 năm 2020 về ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021 với nhiều điểm mới hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng. Gần đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 1142/QĐ-CTN về việc tặng quà nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Theo Bộ trưởng, các phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng. Chỉ tính riêng từ năm 2016-2020, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được hơn 16,8 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.600 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.650 sổ với tổng kinh phí gần 103,5 tỷ đồng. Xây dựng mới gần 39.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 24.650 nhà tình nghĩa trị giá hơn 2.265 tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta coi trọng, nâng niu, quan tâm trong điều kiện tốt nhất có thể với các mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người có công, các gia đình liệt sĩ, thương binh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng bào và Tổ quốc sẽ mãi khắc ghi

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động được gặp mặt, trò chuyện với đại biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ nhân kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng sự tri ân và biết ơn sâu sắc nhất.

“Không chỉ trong ngày hôm nay, sự biết ơn gắn với trách nhiệm luôn là nỗi trăn trở trong suy nghĩ và hành động của các cấp lãnh đạo, trong nhân dân và đây cũng là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Chúng ta đã, đang và sẽ làm gì để vơi nỗi đau chiến tranh, để lan tỏa lòng yêu nước, để viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, để truyền cảm hứng vượt qua khó khăn và thách thức?”, Thủ tướng xúc động chia sẻ.

Theo Thủ tướng, chiến tranh đã lùi xa chúng ta nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu. Hàng triệu người con gửi lại tuổi thanh xuân, gửi lại ước mơ, gửi lại khát vọng dưới lòng đất. Nhắc tới những ca từ của nhạc sĩ Xuân Hồng: “Nước mắt mẹ không còn vì khóc những đứa con, lần lượt ra đi, mãi mãi”, Thủ tướng cho rằng, những vần thơ, ý nhạc rất xúc động đó vẫn không miêu tả hết được những hy sinh, mất mát của các anh hùng, liệt sĩ, người có công, những thế hệ đi trước, biết bao người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha, biết bao nhiêu người đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường…

Thủ tướng chia sẻ, những thương binh, bệnh binh mà ông từng gặp tại những trung tâm chăm sóc ở Hà Nam, Bắc Ninh… và nhiều đồng chí tại buổi gặp mặt đều có những vết thương vẫn đau nhức mỗi khi “trái nắng, trở trời”. Nhiều đồng chí, đồng đội đã hy sinh, thậm chí nhiều người đến nay chưa xác định được tên hoặc chưa tìm thấy hài cốt. Nhiều đồng chí trở về nhưng di chứng chất độc da cam vẫn ảnh hưởng đến các thế hệ sau. Kể cả trong thời bình, lực lượng vũ trang vẫn phải chứng kiến mất mát, đau thương, vẫn có những đồng chí hy sinh, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và vì sự bình yên, sự an ninh, an toàn của nhân dân.

“Bất kỳ nơi đâu trên mảnh đất Việt Nam này cũng khắc ghi sự hy sinh cao cả vì nền độc lập của dân tộc và thống nhất đất nước. Mỗi khi đến các nghĩa trang liệt sĩ, chúng ta nhìn lên danh sách dài những tên tuổi các liệt sĩ, quê quán, cộng trừ năm sinh năm mất và chúng ta lặng đi vì nhiều người tuổi đời mới chỉ trên dưới đôi mươi… Chúng ta ngậm ngùi khi nhìn theo những chuyến xe chở hài cốt liệt sĩ được phủ cờ đỏ sao vàng trở về quê hương”, Thủ tướng phát biểu.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đất nước thống nhất, độc lập, hòa bình được xây đắp bằng những sự hy sinh cao cả đó. Chính vì vậy, sinh thời, Bác Hồ đã khẳng định: “Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”. Đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất tinh thần với người có công luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Chúng ta coi trọng, nâng niu, quan tâm trong điều kiện tốt nhất có thể với các mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người có công, các gia đình liệt sĩ, thương binh. Chính sách luôn được hoàn thiện và ưu tiên bố trí nguồn lực để quan tâm cụ thể, chăm lo đến người có công. Hiện nay, hơn 9,2 triệu người có công (chiếm khoảng 10% dân số) được hưởng chính sách ưu đãi. Hàng nghìn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng. Mức sống của gia đình người có công được đảm bảo bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú, trong điều kiện còn khó khăn chung của đất nước.

Phong trào đền ơn đáp nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền, sự đồng hành của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội đã lan tỏa rộng khắp cả nước với nhiều chương trình thiết thực và ý nghĩa, huy động sự đóng góp của toàn dân cho “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” lên tới hàng nghìn tỷ đồng, chương trình tặng nhà tình nghĩa, các món quà cho thương binh hay tặng học bổng cho con em gia đình chính sách…

Đảng và Chính phủ không chỉ quan tâm đến ngày 27/7 mà chính sách đối với người có công là vấn đề luôn được quan tâm thường xuyên, nhất quán, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức có hiệu quả chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính phủ đã triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công và gia đình chính sách.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Truyền cảm hứng cho các thế hệ sau

“Chính phủ sẽ kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của các nhiệm kỳ trước. Chính phủ luôn quan tâm bằng giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ở mức cao nhất, trách nhiệm nhất, thể hiện tấm lòng và sự tri ân sâu sắc với người có công và gia đình chính sách. Những vấn đề vượt thẩm quyền, Chính phủ sẽ rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết”, Thủ tướng nêu rõ.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục khẩn trương hoàn thiện những chính sách đang xây dựng để ban hành sớm nhất có thể. Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát toàn diện các chính sách liên quan đến người có công, gia đình chính sách và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhanh và hiệu quả nhất, phù hợp tình hình đất nước. Tinh thần là quan tâm rà soát, không bỏ sót các đối tượng chính sách. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục có hình thức giáo dục thế hệ trẻ về sự hy sinh của các thế hệ đi trước vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì sự bình yên của nhân dân. Đồng thời, yêu cầu các địa phương phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, tôn tạo chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ.

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan huy động nguồn lực xã hội để tìm kiếm, quy tập, ứng dụng công nghệ và khoa học để lưu trữ, giám định ADN hài cốt liệt sĩ…

“Các đồng chí đại biểu tham dự hôm nay là đại diện tiêu biểu cho những người có công cả nước, là những người truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Tôi biết nhiều đồng chí mang trong mình thương tật của chiến tranh. Nhưng với bản lĩnh anh bộ đội Cụ Hồ, các đồng chí nói riêng và toàn thể các thương bệnh binh trên cả nước nói chung luôn nỗ lực không ngừng để tiếp tục cống hiến, đóng góp cho quê hương, đất nước, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Dù thương tật, dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn một ý chí, một tấm lòng hướng về đất nước”, Thủ tướng bày tỏ.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, đất nước chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19 với những biến thể mới rất nguy hiểm, khó lường và khó dự báo. Nhiều tấm gương về nghị lực kiên cường, lòng yêu nước, sự sẻ chia, tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn thách thức là nguồn cảm hứng đến từng người dân, truyền cảm hứng cho thế hệ sau để chúng ta phát huy các thành tựu của các thế hệ đi trước, cùng nhau chiến thắng đại dịch. Vừa chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế - xã hội nhưng quan trọng nhất hiện nay là tập trung chống dịch trên phạm vi cả nước, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Gần đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhận định này được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định và đa số nhân dân đồng tình, ủng hộ. Kết quả đó là sự kết tinh tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước và sự cố gắng của cả dân tộc ta, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự đóng góp của các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh và gia đình có công với cách mạng.

Theo Thủ tướng, cảm xúc về những ngày tháng 7 mãi sẽ lắng đọng trong mỗi chúng ta về sự hy sinh của các thế hệ, để xây dựng đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác Hồ sinh thời hằng mong muốn.

Hà Văn