Sôi động hướng liên kết sản xuất từ chuỗi vườn mẫu ở Thanh Chương

Thanh Phúc 06/08/2021 10:50

(Baonghean.vn) - Xây dựng chuỗi vườn mẫu nông dân, vườn chuẩn nông thôn mới, từ đó tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, hình thành vùng hàng hóa từ kinh tế vườn là hướng đi mà nhiều địa phương ở Thanh Chương (Nghệ An) lựa chọn.

NHỮNG MẢNH VƯỜN BẠC TRIỆU

Vườn bưởi Diễn 4 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Ngọc Liễu (xóm Mỹ Sơn, Thanh Mỹ). Ảnh: Thanh Phúc
Vườn bưởi Diễn 4 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Ngọc Liễu (xóm Mỹ Sơn, Thanh Mỹ). Ảnh: Thanh Phúc

Năm 2018, hai vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Liễu, 65 tuổi ở xóm Mỹ Sơn (xã Thanh Mỹ) bắt tay chỉnh trang lại vườn tạp. Theo đó, trên diện tích vườn gần 1.000m2, ông quy hoạch thành ô thửa với các loại cây trồng thích hợp: 1 ô trồng các loại rau màu và rau gia vị; 1 ô trồng các cây thuốc nam; trồng 60 gốc bưởi, 20 gốc na, dọc mép tường rào trồng mít, bơ, thanh long và một góc trong vườn ông đào ao nhỏ, vừa nuôi cá trê vừa lấy nước tưới vườn. Dọc lối ra vào ông làm cổng vòm, bắc giàn cho hoa thiên lý, nho leo.

Nhiều địa phương do diện tích vườn không đủ rộng, đã có sáng kiến gom đất ruộng kém hiệu quả để xây dựng vườn mẫu với các loại cây hàng hóa như: bí xanh, bí đỏ, ngô, dưa lê, lạc, đậu... xen cây ăn quả lâu năm. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Liễu cho biết: “Hai ông bà có tuổi rồi, không có sức cày ruộng nữa mà chỉ đầu tư chăm vườn rau, ao cá, đàn gà. Sau 3 năm cải tạo vườn, ngoài các loại rau cho thu nhập hàng ngày 70-100.000 đồng thì các loại cây ăn quả cũng bắt đầu cho thu hoạch. Ước tính, sang năm thứ 4, khi vườn cây ăn quả cho lứa đầu thì thu nhập từ vườn cũng đạt khoảng 50-70 triệu đồng/năm. Làm vườn vừa có tiền tiêu vừa vui thú tuổi già, lao động thay cho thể dục”.

Ở Hạnh Lâm (Thanh Chương), trước đây, những vườn đồi rộng bát ngát để hoang hoặc vườn tạp với đủ loại cây như cau, dừa, nhãn, xoài… mọc tự nhiên, không chăm sóc, không có giá trị kinh tế. Từ năm 2018 đến nay, thực hiện phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn chuẩn, các vườn đồi “thay da đổi thịt”, tạo thành những vườn cây ăn trái trù phú, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Nếu như trồng cây ăn quả cho thu nhập dài hơi thì những vườn rau dinh dưỡng ở Hạnh Lâm lại cho mang lại nguồn thu hàng ngày cho nông dân. Ảnh: Thanh Phúc
Nếu như trồng cây ăn quả cho thu nhập dài hơi thì những vườn rau dinh dưỡng ở Hạnh Lâm lại cho mang lại nguồn thu hàng ngày cho nông dân. Ảnh: Thanh Phúc

Điển hình như vườn của hộ ông Lê Đình Chanh, xóm 7, trên diện tích 1500 m2 trồng: Bưởi da xanh, ổi, táo; vườn rau dinh dưỡng các loại, nuôi 200 con gà, 12 lợn nái, 30 con lợn thịt… trừ chi phí, mỗi năm cho thu nhập 80-120 triệu đồng; Hay vườn của hộ ông Nguyễn Đình Hòa, trên diện tích 1.200 m2 đất vườn, ông trồng: Bưởi da xanh, vườn rau dinh dưỡng các loại, nuôi 300 con gà cho thu nhập 50 triệu đồng/năm…

HÌNH THÀNH VÙNG HÀNG HÓA TỪ CHUỖI VƯỜN CHUẨN

Với thế mạnh vùng đất đồi, Thanh Chương đang xây dựng chuỗi vườn mẫu nông dân, vườn chuẩn NTM thành vùng hàng hóa cây ăn quả đặc sản, tạo đầu ra ổn định
Với thế mạnh vùng đất đồi, Thanh Chương đang xây dựng chuỗi vườn mẫu nông dân, vườn chuẩn NTM thành vùng hàng hóa cây ăn quả đặc sản, tạo đầu ra ổn định. Ảnh Thanh Phúc

Theo nhẩm tính của ông Nguyễn Thành Luân, Chủ tịch Nông dân xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) hiện toàn xã có 14 vườn chuẩn NTM và 7 vườn mẫu nông dân, hiện các vườn đều cho thu nhập từ 10-150 triệu đồng/năm, đặc biệt, hiện 80% các hộ cải tạo vườn tạp, trồng rau, trồng cây ăn quả, cung cấp thực phẩm sạch hàng ngày cho gia đình.

Ông Nguyễn Thành Luân cho biết: “Sắp tới, để tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm từ vườn, chúng tôi sẽ liên kết các hộ làm vườn chuẩn, vườn mẫu nông dân lại với nhau, thành lập Tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp “Xây dựng vườn mẫu và trồng cây ăn quả” trên địa bàn xã. Từ đó, hình thành vùng hàng hóa từ các chuỗi vườn chuẩn, hướng đến các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, kết nối với các chợ đầu mối, các cửa hàng, siêu thị tạo thị trường tiêu thụ cho sản phẩm”.

Các hộ gia đình liên kết với nhau thành các chuỗi, cụm vườn hộ sẽ tạo nên vùng hàng hóa chủ lực, dễ tìm kiếm đầu ra. Ảnh: Thanh Phúc
Các hộ gia đình liên kết với nhau thành các chuỗi, cụm vườn hộ sẽ tạo nên vùng hàng hóa chủ lực, dễ tìm kiếm đầu ra. Ảnh: Thanh Phúc

Đây cũng là hướng đi mà xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) lựa chọn trong việc phát triển kinh tế vườn của địa phương. Ông Hoàng Tiến Thọ, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho biết: “Trong năm 2021, chúng tôi lựa chọn thôn Mỹ Sơn để triển khai điểm về mô hình chuỗi vườn chuẩn NTM. Theo đó, 15 hộ sẽ được chọn để phát triển kinh tế vườn, lấy cây bưởi làm chủ lực, trồng theo hướng VietGAP, đăng ký truy xuất nguồn gốc, có tem, nhãn, chỉ dẫn địa lý… Từ đó, tạo thành một vùng trồng bưởi hàng hóa, có đầu ra ổn định.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đã vào cuộc rà soát những vườn đảm bảo điều kiện, vận động người dân đăng ký xây dựng vườn mẫu, hướng dẫn các gia đình quy hoạch lại vườn. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhiều diện tích đất kém hiệu quả đang được chuyển đổi thành những vườn mẫu tập trung, chuyên canh, quy mô lớn”.

Để tạo dựng thương hiệu, các mô hình vườn hộ áp dụng chăm sóc hướng hữu cơ, chuẩn VietGAP. Trong ảnh: Nông dân Thanh Mai ủ phân hữu cơ bón cho cam. Ảnh: Thanh Phúc
Để tạo dựng thương hiệu, các mô hình vườn hộ áp dụng chăm sóc hướng hữu cơ, chuẩn VietGAP. Trong ảnh: Nông dân Thanh Mai ủ phân hữu cơ bón cho cam. Ảnh: Thanh Phúc

Cách làm này của các địa phương ở Thanh Chương đang mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế vườn, đưa phong trào xây dựng vườn chuẩn NTM vào thực chất, mang ý nghĩa thiết thực. Đó là không chỉ tạo sự đổi thay ở diện mạo mà còn là việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Để đạt được mục tiêu đó, ngoài sự hỗ trợ về quy hoạch thì các chủ vườn mong muốn địa phương cũng như các cấp, ngành liên quan quan tâm, hỗ trợ việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại, kết nối đầu ra cho các sản phẩm từ vườn.

Bên cạnh xây dựng các mô hình vườn mẫu, cụm, chuỗi vườn mẫu thì việc kết nối, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm vườn hộ được các địa phương quan tâm. Ảnh: Thanh Phúc
Bên cạnh xây dựng các mô hình vườn mẫu, cụm, chuỗi vườn mẫu thì việc kết nối, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm vườn hộ được các địa phương quan tâm. Ảnh: Thanh Phúc

“Sắp tới, ở mỗi khu dân cư, mỗi thôn xóm lựa chọn 10-15 hộ có diện tích vườn đủ rộng để quy hoạch cây, con phù hợp; thành lập các tổ liên kết xây dựng vườn hộ, các nhóm hội cùng sở thích làm vườn, tạo mối liên kết từ chọn giống, chăm sóc đến khâu tiêu thụ. Từ đó, tạo vùng hàng hóa với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương, xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương, tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm vườn hộ”.

Ông Nguyễn Xuân Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân Thanh Chương

Thanh Phúc