Đề xuất giải pháp tạo việc làm cho lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Thanh Lê 12/08/2021 19:04

(Baonghean.vn) - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An Đoàn Hồng Vũ đề xuất 6 giải pháp tạo việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XVIII, đại biểu Lô Thị Kim Ngân (đơn vị huyện Thanh Chương) nêu ý kiến: Trong tình hình ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19, số lượng lao động người Nghệ An ở các địa phương trong cả nước hồi hương với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống tại các địa phương, nhất là vùng miền núi còn nhiều khó khăn.

“Đề nghị tỉnh cần bổ sung kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021 chính sách về việc làm, tạo sinh kế đối với lao động hồi hương, nhất là lao động vùng đồng bào dân tộc để đảm bảo mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế” - đại biểu Lô Thị Kim Ngân đề xuất.

Đại biểu Lô Thị Kim Ngân đề nghị cần có giải pháp tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid -19. Ảnh: Thành Cường

Giải trình làm rõ ý kiến đại biểu và cử tri quan tâm về giải pháp giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ khẳng định: Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giải quyết việc làm cho lao động.

Sau khi Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 88 về phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đã chủ động nghiên cứu ban hành đề án giai đoạn 2021-2025, trong đó đề xuất các chính sách về sinh kế, tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ việc làm, xuất khẩu lao động…

Theo rà soát thống kê của các huyện từ 27/4-5/8 số dân tự do về quê là 72.000 người, trong đó số lượng lao động có trên 9.000 người.

Theo thống kê 6 tháng đầu năm toàn tỉnh có gần 10.000 nghìn người mất việc làm hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền 140 tỷ đồng; số người bị ảnh hưởng phải ngừng việc, thiếu việc làm, giảm việc tăng cao.

Để giải quyết việc làm cho người lao động, ngành đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường các giải pháp để tăng số lượng lao động nội tỉnh lên. Theo đề án 5 năm tới, tỉnh sẽ tăng lao động nội tỉnh từ 37% lên 66%, giảm lao động ngoại tỉnh; xuất khẩu lao động giảm một phần, tăng cường giải quyết việc làm tại chỗ.

Giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho lao động ảnh hưởng do dịch Covid-19 được đại biểu HĐND tỉnh đề xuất tại phiên thảo luận tổ.
Giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho lao động ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Lê

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất 6 giải pháp tạo việc làm cho người lao động:

Một là,thông tin tăng cường kết nối cung cầu lao động.

Thứ hai, nâng cao chất lượng lao động từ đó tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho lao động kể cả lao động nông thôn, miền núi, dự kiến sẽ tăng năng suất lao động khoảng 15%.

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thanh niên, sinh viên lập nghiệp.

Thứ tư, quan tâm các mô hình sinh kế nhất là các dự án của Nhà nước có định hướng phát triển kinh tế.

Thứ năm, hỗ trợ vốn, chính sách, chế độ như học nghề, chi phí xuất khẩu lao động.

Thứ sáu, tăng cường các giải pháp lãnh đạo chỉ đạo.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu và cử tri đề xuất giải pháp tạo việc làm cho người lao động. Ảnh: Thành Cường

TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KỊP THỜI

Triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 63 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sau khi có Quyết định 23 của Thủ tướng ngày 7/7/2021, UBND tỉnh đã Kế hoạch 386 ngày 15/7/2021; Quyết định 22 ngày 9/8/2021 về việc giải quyết 9 nhóm lao động được hưởng hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid -19. Theo đó, tỉnh đã phân công, phân cấp rõ nhiệm vụ, trách nhiệm từ tỉnh đến thôn, xóm, bản.

Giám đốc Sở Lao động, TB&XH bày tỏ mong muốn thời gian tới, các cấp, các ngành cần tăng cường phổ biến tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp, các đối tượng thuộc diện hỗ trợ.

Đồng thời, việc kê khai, xét duyệt phải nhanh gọn, chi trả kịp thời. Đi cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời, đúng đối tượng; báo cáo kịp thời việc triển khai./.

Thanh Lê