Covid-19 đảo ngược thập kỷ thành quả kinh tế của Philippines
(Baonghean.vn) - Mô hình tăng trưởng của Philippines được xây dựng quanh khả năng di chuyển, đi lại dễ dàng, tự do của người dân. Đó chính là điều khiến quốc gia này dễ bị ảnh hưởng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Cảnh sát kiểm tra người điều khiển mô tô tại trạm kiểm soát ở thành phố Marikina, Philippines hôm 6/8. Ảnh: AP |
Đại dịch chấm dứt chuỗi tăng trưởng
Theo bài viết trên trang Channel News Asia của Giáo sư Ronald U Mendoza, hiện đang giữ chức vụ trưởng khoa tại Trường Chính phủ Anteneo, Đại học Ateneo de Manila, năm 2019, Philippines là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Khi đó, họ rốt cuộc đã rũ bỏ được danh xưng chẳng mấy hay ho “con bệnh của châu Á” bị gán lấy trong giai đoạn kinh tế sụp đổ cuối chế độ Ferdinand Marcos vào giữa những năm 1980. Sau nhiều thập niên vừa miệt mài cải cách, vừa trả các khoản nợ phát sinh dưới chế độ cũ, thì sự phục hưng kinh tế của nước này bắt đầu diễn ra trong thập niên trước khi đại dịch xuất hiện.
Theo tính toán từ số liệu về tốc độ tăng trưởng GDP theo giá cố định năm 2018 của Cơ quan Thống kê Philippines, trong giai đoạn 2010-2019, nước này ghi nhận mức tăng trưởng trung bình hàng năm trên 6%. Nền kinh tế này được ca ngợi là một trong những con hổ mới của châu Á. Nhưng đó là những gì diễn ra trước khi xuất hiện Covid-19.
Đại dịch đã khiến người ta nhận ra rằng, một mô hình tăng trưởng dựa trên dịch vụ và kiều hối không thể hoạt động tốt trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh trên quy mô toàn cầu.
Tăng trưởng kinh tế của Philippines chững lại trong năm 2020, lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ năm 1999, và nước này đã trải qua một trong những cơn suy thoái sâu nhất trong số các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm ngoái.
Và trong lúc chính phủ dự báo khả năng phục hồi nhẹ trong năm 2021, thì một số chuyên gia phân tích hiện đang tỏ mối quan ngại về sự phục hồi thiếu chắc chắn và yếu ớt, xuất phát từ việc nước này áp lệnh phong tỏa trong thời gian dài và không có khả năng chuyển sang một chiến lược kiềm chế dịch hiệu quả hơn.
Thay vào đó, Philippines đã và đang phụ thuộc vào các quy định hạn chế đi lại vô cùng nghiêm ngặt trên khắp các khu vực rộng lớn của các thành phố trọng điểm cũng như các trung tâm tăng trưởng của đất nước mỗi khi dịch Covid-19 bùng phát và đe dọa áp đảo hệ thống y tế của họ.
Người dân khám sàng lọc trước khi tiêm vắc- xin Covid-19 tại một điểm tiêm ở trường học, Manila, Philippines hôm 10/8. Ảnh: Reuters |
Vấn đề nằm ở đâu?
Dư luận đặt câu hỏi, làm thế nào mà một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á chững lại như vậy? Nếu đổ lỗi toàn bộ điều này cho đại dịch thì có lẽ mọi chuyện đã quá đơn giản. Trước hết, có thể nói rằng, bản thân mô hình kinh tế của Philippines có vẻ như cũng dễ bị ảnh hưởng hơn trước sự bùng phát của dịch bệnh. Nó được xây dựng dựa trên sự di chuyển, đi lại dễ dàng và tự do của người dân, nhưng tăng trưởng dựa vào du lịch, dịch vụ và kiều hối đều dễ bị ảnh hưởng trước các quy định phong tỏa để phòng. chống dịch, cũng như sự suy giảm lòng tin của người tiêu dùng.
Hoạt động đi lại quốc tế giảm mạnh, du lịch đình trệ, các lệnh phong tỏa trong nước cùng các quy định hạn chế di chuyển đã khiến các lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng và khách sạn bị tê liệt. May mắn là lĩnh vực thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO) của nước này vẫn đang chứng tỏ đôi chút khả năng phục hồi - tuy nhiên, các thị trường chính lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, buộc lĩnh vực này phải nhanh chóng bổ sung kỹ năng cũng như điều chỉnh thích ứng với các cơ hội đang nổi lên trong bối cảnh bình thường mới.
Thứ hai, cách Philippines ứng phó với đại dịch cũng còn nhiều vấn đề cần bàn. Phong tỏa là hợp lý và hữu ích trong trường hợp một quốc gia cần thời gian để củng cố các hệ thống y tế và hệ thống xét nghiệm - truy vết - điều trị. Đây là những cơ sở cần xây dựng để có thể kiềm chế dịch hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, nếu không tăng cường, củng cố được những hệ thống này, thì quốc gia đó chỉ lãng phí thời gian đánh đổi bằng lệnh phong tỏa. Dường như đây là trường hợp đang diễn ra với Philippines, cái tên xuất hiện trên nhiều đầu báo toàn cầu vì thực hiện một trong những đợt phong tỏa dài nhất thế giới, nhưng lại không “làm phẳng” được đường cong Covid-19.
Ở thời điểm hiện nay, Philippines một lần nữa chuẩn bị thực hiện thêm một lệnh phong tỏa cứng và nước này hiện vẫn đang cố gắng đưa ra được một chiến lược kiềm chế dịch hiệu quả hơn, trong bối cảnh dấy lên nhiều quan ngại về biến thể Delta, vốn dĩ đã và đang lan nhanh khắp khu vực Đông Nam Á. Một số ý kiến cho rằng, có vẻ như quốc gia này đang mắc kẹt trong các đợt áp - dỡ phong tỏa, gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế, và có thể sẽ tạo ra những kỳ vọng tiêu cực về các đợt bùng phát Covid-19 trong tương lai.
Nếu xem Delta và các biến thể có thể có khác là mối đe dọa trong ngắn hạn, thì việc kiềm chế dịch thiếu hiệu quả có khả năng sẽ buộc quốc gia này phải quay trở lại áp dụng “cứu cánh” là các quy định hạn chế đi lại nghiêm ngặt.
Trong khi đó, trong 16 tháng phong tỏa tính đến giữa năm 2021, chính quyền trung ương Philippines chỉ mới cấp trợ cấp xã hội được 2 tháng. Toàn bộ điều này gây sức ép lớn hơn lên dân số vốn dĩ đã mệt mỏi khi quay cuồng trong cơn suy thoái sâu, mất việc làm, và những rủi ro dài hạn đối với sự phát triển của con người. Trợ cấp xã hội thấp giữa lúc thất nghiệp và nạn đói gia tăng cũng có khả năng làm giảm sự tuân thủ các chính sách hạn chế đi lại.
Thứ ba, Philippines bị chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng, ban đầu là do gặp khó khăn trong các vấn đề về nguồn cung và triển khai, và sau đó bị ảnh hưởng bởi sự lưỡng lự, chần chừ tiêm vắc- xin. Đây là những điều có khả năng làm trì hoãn thêm sự phục hồi của quốc gia này.
Kiểm soát phương tiện qua lại chốt phòng dịch Covid-19 tại thành phố Quezon, Philippines hôm 2/8. Ảnh: Reuters |
Bài học rút ra
Với Philippines, đây là lúc rút ra nhiều bài học rõ ràng từ kinh nghiệm của họ cũng như từ những kinh nghiệm tốt nhất của cộng đồng quốc tế. Để có thể có được sự phục hồi kinh tế thành công hơn, các nhà phân tích cho rằng, Philippines cần giải quyết những vấn đề chính sách then chốt. Thứ nhất, nước này cần xây dựng một chiến lược kiềm chế dịch hiệu quả hơn, nhất là trước mối đe dọa có thể có từ các biến thể mới, chủ yếu là thông qua củng cố hệ thống xét nghiệm - truy vết - điều trị.
Dựa trên những bài học của các nước khác, các hệ thống trên thường bao gồm các chiến lược xét nghiệm hàng loạt, toàn diện, để thông tin tốt hơn đến các khu vực công và tư về tình trạng thực tế của các ca nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu tích hợp về di chuyển cũng hỗ trợ khả năng truy vết hiệu quả và kịp thời hơn. Loại dữ liệu chi tiết và kịp thời này cho phép chính phủ và khu vực tư phối hợp tốt hơn trong các chiến lược kiềm chế tại các khu vực và cộng đồng cần trợ giúp do nguy cơ bùng phát dịch. Khác với phong tỏa toàn bộ, chiến lược có mục tiêu và thông tin dữ liệu này có thể tạo điều kiện cho các khu vực khác của nền kinh tế vẫn hoạt động đều đặn hơn so với các cách khác.
Thứ hai, chính phủ Philippines cần tăng cường sự đầy đủ và minh bạch của hoạt động bảo trợ xã hội trực tiếp, nhằm giúp đỡ ngay cho các hộ nghèo và thu nhập thấp, vốn hiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cách ứng phó chưa chuẩn với đại dịch. Giới chuyên gia cho rằng, việc này đòi hỏi cân đối lại ngân sách theo hướng thiên về chi cho giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội, thay vì quá chú trọng vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy hệ thống bảo trợ xã hội tạo ra mạng lưới an sinh bao phủ không chỉ người nghèo mà cả người có thu nhập thấp, trung bình thấp. Quan ngại chính ở đây sẽ là đưa ra những đổi mới về bảo trợ xã hội để ngăn người Philippines thuộc nhóm thu nhập trung bình khỏi trượt vào nghèo đói trong đại dịch hay khủng hoảng khác.
Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque trong buổi họp báo tại Thủ đô Manila hồi tháng 2/2021. Ảnh: Reuters |
Thứ ba, Philippines cần đẩy nhanh tiêm chủng để bao phủ ít nhất 70% dân số càng sớm càng tốt, và tranh thủ sự hỗ trợ hơn nữa từ nhiều phía để cải thiện chiến dịch tiêm vắc-xin. Cần phát động chiến dịch truyền thông hiệu quả để thay đổi thái độ do dự tiêm vắc-xin, dựa trên các thể chế đáng tin cậy để bảo vệ tốt hơn cho người dân trước mối đe dọa của Delta và các biến thể khác đang tấn công Philippines. Cũng sẽ hữu ích nếu chính phủ có thể ngăn được nỗi sợ vắc- xin xuất phát từ động cơ chính trị, như điều từng xảy ra với vắc-xin sốt xuất huyết.
Thứ tư, Chính phủ Philippines nên tạo ra một chiến lược tái thiết hiệu quả hơn gắn với chăm sóc sức khỏe toàn dân và toàn diện…
Như phần lớn khu vực ASEAN đang chao đảo vì sự lây lan của biến thể Delta, việc cần thiết là Philippines thực hiện những bước trên để giúp xoa dịu những lo ngại về khả năng sẵn sàng ứng phó với các biến thể mới xuất hiện tại nước này, trong lúc điều chỉnh các kỳ vọng nhằm phục hồi kinh tế. Chỉ có như thế thì họ mới tránh được việc một lần nữa trở thành “con bệnh của châu Á”, và quay trở lại với sự tăng trưởng nhanh chóng, ổn định trong thập kỷ trước đại dịch.