Bảo vật quốc gia và mong mỏi ở Tháp Nhạn
(Baonghean.vn) - Thông tin về câu chuyện phát hiện ra hộp đựng xá lị ở Tháp Nhạn thuộc xã Hồng Long, huyện Nam Đàn đã cuốn hút chúng tôi từ lâu. Hôm nay có dịp đến mảnh đất này mới cảm nhận được ẩn sau vẻ bình dị một làng quê xứ Nghệ bên dòng sông Lam là cả kho tàng lịch sử, văn hóa đồ sộ đáng ngưỡng mộ. Song xen lẫn đó là cảm giác tiếc nuối khi những giá trị đặc sắc này vẫn ngủ quên dưới lớp bụi thời gian.
Chứng tích buổi đầu Phật giáo ở Nghệ An
Tọa lạc trong khuôn viên đền Hồng Long, một di tích lịch sử cấp quốc gia và là địa điểm rất linh thiêng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân địa phương là dấu tích của Tháp Nhạn. Cùng Chủ tịch UBND xã Hồng Long Phạm Hồng Sơn bước đi trên nền đất cổ, trực tiếp chạm tay vào viên gạch đã ố màu theo tháng năm, nghe câu chuyện mà người dân địa phương bao đời truyền nhau về công trình Phật giáo có niên đại cách đây 14 thế kỷ, chúng tôi thực sự bị mê hoặc về những điều bí ẩn quanh ngôi tháp. Bao nhiêu câu hỏi về công trình của tiền nhân còn sót lại dù chỉ là phế tích cứ mãi vương vấn.
Dấu tích móng Tháp Nhạn ở Hồng Long, Nam Đàn được xây giật cấp. Ảnh: Thành Duy |
Từ những năm 30 của thế kỷ XX, các học giả người Pháp đã đến nghiên cứu nhưng cho đến năm 1985, những bí ẩn trong lòng đất Hồng Long mới thực sự được phát lộ khi các nhà khảo cổ học Việt Nam cùng ngành Văn hóa tỉnh tổ chức khai quật chân móng Tháp Nhạn. Phía sau những lớp cỏ cây chỉ còn móng Tháp Nhạn sâu 0,95m, được xây giật cấp. Điều kỳ lạ là các hàng gạch được xếp không trùng mạch, không có chất kết dính. Ở đây, các nhà nghiên cứu đã thu thập được 318 hiện vật gồm các loại ngói, gạch có nhiều kích thước và hoa văn khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Toản - thủ từ đền Hồng Long chỉ cho tôi xem một viên gạch có phù điêu tượng Phật ngồi trên đài sen được cho là dùng để ốp trang trí tường tháp. Một điểm đáng chú ý là người ta đã tìm thấy được viên gạch có chữ “Trinh quán lục niên”, tức là viên gạch được làm từ năm Trinh Quán thứ 6 (năm 623) dưới thời nhà Đường (Trung Quốc). Từ manh mối này, có nhận định Tháp Nhạn được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ VII.
Nhưng đó chưa phải là điều đặc sắc, cuốn hút nhất của Tháp Nhạn, mà trong quá trình khai quật chân tháp, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hộp đựng xá lị. Báo cáo khai quật ghi rõ: “Có lẽ đây là lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam một dạng hộp như vậy. Hộp bằng vàng ròng được người thợ kim hoàn chế tạo từ phương pháp tán dập nguội, kiểu hộp này rất gần gũi với hộp đựng xá lị bằng sơn mài tìm thấy ở Miến Điện”.
Ông Nguyễn Văn Toản - thủ từ Đền Hồng Long giới thiệu về viên gạch từ Tháp Nhạn có hình tượng Phật ngồi trên đài sen. Ảnh: Nhật Lệ |
Hộp đựng xá lị được chia làm 2 phần: Nắp hộp và thân hộp. Nắp hộp hình chữ nhật, ở bốn rìa cạnh của nắp hơi hõm xuống, nhìn tựa như rìa mái nhà, trên đỉnh nắp có băng trang trí hoa văn hoa cúc tròn 6 cánh nhỏ. Phần thân hộp hình chữ nhật, ở các mép cạnh được gò với kỹ thuật tinh xảo. Xung quanh thân hộp trang trí bằng dải băng hoa văn hoa sen cách điệu. Theo các nhà nghiên cứu, niên đại xây dựng tháp và niên đại chôn hộp xá lị là một, đồng thời qua phát hiện này cũng hé lộ cho hậu thế biết được phần nào diện mạo Phật giáo buổi đầu ở xứ Nghệ.
Hộp xá lị tìm thấy ở Tháp Nhạn là 1 trong 3 hiện vật phát hiện tại Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia.
Trăn trở của hậu thế
Di tích Tháp Nhạn tọa lạc bên tả ngạn dòng sông Lam mang nhiều nét kiến trúc độc đáo, có bề dày lịch sử và kiến trúc nghệ thuật tinh xảo, hiếm nơi nào có được. Nhưng điều tiếc nuối là đến nay, di tích này vẫn chưa được đánh thức. Ông Phạm Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Hồng Long là một người con địa phương, từng công tác nhiều năm trong lĩnh vực văn hóa ở xã. Trong câu chuyện về Tháp Nhạn, vị Chủ tịch xã luôn đau đáu một ngày di tích này sẽ được phục dựng và phát huy được những giá trị hiếm có của Tháp Nhạn.
Chủ tịch UBND xã Hồng Long Phạm Hồng Sơn (trái) giới thiệu về di tích Tháp Nhạn. Ảnh: Nhật Lệ |
Từ năm 2012, UBND xã Hồng Long đã làm Tờ trình đề nghị UBND huyện Nam Đàn, các cấp, các ngành cho ý kiến về việc phục dựng lại Tháp Nhạn. Sau đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa - Thể thao, cùng huyện Nam Đàn đã có nhiều động thái để triển khai các bước cần thiết nhằm bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử đền Hồng Long và phục dựng Tháp Nhạn. Quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử đền Hồng Long và phục dựng Tháp Nhạn cũng đã được công bố cách đây mấy năm tại con đường trục chính ở xóm Nhạn Tháp, ngay trước con đường dẫn vào di tích.
Nhưng cho đến nay, dù bản quy hoạch đã phai màu theo nắng mưa song công trình vẫn đang còn trên giấy. Ông Phạm Hồng Sơn cho biết: Từ năm 2015, các cơ quan liên quan, cùng xã và 11 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 4 hộ phải di dời đã làm biên bản thu hồi đất. Người dân cũng đã đồng thuận ký vào biên bản nhưng đến nay công trình vẫn chưa được thực hiện.
Được biết, tháng 5 vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An đã tổ chức cuộc họp duyệt thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích này với sự tham gia của Hội đồng khoa học ngành, đại diện UBND huyện Nam Đàn và đơn vị tư vấn. Sau cuộc họp, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cũng đã có thông báo kết luận rõ các nội dung cần thực hiện trước khi trình phê duyệt thiết kế.
Quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Đền Hồng Long và phục dựng Tháp Nhạn được công bố đã ố màu thời gian. Ảnh: Thành Duy |
Tháp Nhạn và những bí mật trong lòng tháp được phát hiện mang lại cho những thế hệ hậu bối kho tàng kiến thức rất quý giá, giúp chúng ta hình dung được phần nào một giai đoạn phát triển của đất và người xứ Nghệ trong dòng chảy của thời gian. Vì lẽ đó, phục dựng, bảo tồn Tháp Nhạn một cách kịp thời đâu chỉ là mong mỏi của riêng người dân mảnh đất Hồng Long (Nam Đàn). Điều này là hết sức cần thiết để quản lý, bảo vệ di tích một cách chuyên nghiệp hơn, tránh được những tác động khách quan, chủ quan làm hao mòn di tích, nhằm trả lời cho những câu hỏi của hậu thế…