Đảm bảo không khan hàng, sốt giá trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp
(Baonghean.vn) - Ngày 18/8, sau khi TP. Vinh ban hành quyết định thực hiện phân chia tần suất đi chợ bằng cách phát thẻ cho các hộ gia đình thì sức mua tại các chợ dân sinh tăng mạnh.
Rau xanh khan hàng cục bộ
Rau xanh tại các chợ khan hàng, giá bị đẩy lên cao. Ảnh: Thanh Phúc |
Sau khi TP. Vinh đẩy mạnh việc kiểm soát người ra đường và bắt đầu từ ngày 19/8 thực hiện cấp thẻ đi chợ cho người dân, trong 2 ngày 17&18/8, nhiều người dân đã chủ động đi chợ để mua hàng dự trữ. Nhu cầu thực phẩm, nhất là mặt hàng rau xanh bị đẩy lên cao, cùng với đó, chợ đầu mối bị tạm ngừng hoạt động, các huyện phụ cận như Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Cửa Lò… đều đang thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến nguồn cung rau củ quả bị gián đoạn, đẩy giá mặt hàng rau củ các loại tại các chợ và nhiều cửa hàng bán lẻ tăng (trừ siêu thị lớn), có loại tăng gấp đôi, gấp ba.
Nhiều chợ trong sáng 18/8, rau xanh "cháy hàng" dù giá tăng cao. Ảnh: Thanh Phúc |
Một số thời điểm khan hàng cục bộ, đặc biệt trong ngày 17/8, các mặt hàng rau, củ ở các cửa hàng, siêu thị và cả chợ dân sinh đều hết sớm.
Không còn rau ăn lá, nhiều người tìm mua các loại củ quả để dự trữ được lâu như: Bí xanh, bí đỏ, cà rốt, khoai tây, chuối xanh… nhưng giá các mặt hàng này cũng đã bị đẩy lên cao. Cụ thể, trước đó, giá mướp xanh chỉ khoảng 12.000-15.000 đồng/kg thì nay có giá 40.000-45.000 đồng/kg; bí xanh 30.000 đồng/kg (cao gấp 3 lần), bí đỏ 40.000 đồng/kg (cao gấp đôi); hoa thiên lý 100.000 đồng/kg (cao gấp 3 lần); khoai lang 30.000 đồng/kg (cao gấp đôi)…
Tại chợ Vinh Tân (phường Vinh Tân, TP. Vinh), sáng 18/8, nhiều quầy thịt bò, lợn hết hàng sớm, rau xanh “cháy hàng”. Chị Nguyễn Bích Hà (chung cư Tràng An) cho biết: “Tranh thủ đi chợ trước khi phát thẻ, mua lần nhiều để dùng cho cả tuần. Các loại thực phẩm khác giá bình thường, chỉ rau xanh tăng giá mạnh”.
Rau xanh tại các siêu thị dồi dào, giá cả ổn định, lượng người mua tăng 300% so với trước. Ảnh: Thanh Phúc |
Còn tại một siêu thị lớn ở Bến Thủy, lượng khách tăng đột biến, chủ yếu là khách lẻ tăng 300%, tập trung mua các mặt hàng nhu yếu phẩm như rau củ quả, thịt, cá... "Mặt hàng thực phẩm, nhất là rau xanh sức tiêu thụ mạnh nhất. Tại siêu thị của chúng tôi, hàng hóa đang rất dồi dào và giá cả bình ổn. Tuy nhiên, trong thời gian này, để phòng chống dịch, người dân nên mua hàng trực tuyến như mua hàng qua điện thoại, Zalo, Facebook, chúng tôi sẽ phục vụ tận nơi, với nhiều ưu đãi, giá cả ổn định”, ông Nguyễn Công Việt - Giám đốc siêu thị này cho biết.
Theo các tiểu thương, giá mặt hàng rau xanh trong vài ngày tới sẽ ổn định trở lại khi họ kết nối được nguồn cung, các nhà cung cấp ngoại tỉnh cũng như nội tỉnh sẽ hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ liên quan đến thông hành để giao hàng tại các điểm chốt. Giá rau có thể sẽ tăng so với trước đó do chi phí vận chuyển nhưng sẽ không đội giá quá cao.
Điều tiết cung - cầu, đảm bảo không khan hàng, sốt giá
Trước diễn biến phức tạp của dịch, ngành chức năng đã sẵn sàng các phương án điều tiết cung - cầu, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Ảnh: Thanh Phúc |
Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: “Sở đã trực tiếp làm việc với các nhà phân phối, các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị. Lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ lên gấp 4-5 lần so với bình thường, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50 - 100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã đề xuất UBND TP. Vinh chấp thuận cho phép xe của các doanh nghiệp được hoạt động 24/7 cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân, bình ổn thị trường và công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Vài ngày tới, với sự điều tiết thị trường, giá rau xanh sẽ bình ổn trở lại. Ảnh: Thanh Phúc |
Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an TP. Vinh tạo điều kiện cho xe ô tô chở hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông trên địa bàn TP. Vinh, qua các chốt, trạm kiểm dịch theo quy định để kịp thời cung cấp hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu.
Cùng với đó, phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, tổ chức việc tuyên truyền, ký cam kết với các tổ chức, cá nhân không đầu cơ găm hàng tăng giá bất hợp lý đối với các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn…