Ukraine: Dòng chảy phương Bắc 2 là ‘vũ khí địa chính trị nguy hiểm’

Hoàng Bách 23/08/2021 16:24

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Đức đã gặp Tổng thống Ukraine trong bối cảnh đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sắp sửa hoàn thành, làm phức tạp thêm mối quan hệ song phương. Ukraine hiện thu hàng tỷ USD nhờ việc cho phép khí đốt của Nga trung chuyển qua nước này.

Ukraine phản đối đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 chạy từ Nga sang Đức. Ảnh: AP
Ukraine phản đối đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 chạy từ Nga sang Đức. Ảnh: AP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 22/8 gọi đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 nối Nga và Đức sắp sửa hoàn thành là “một vũ khí địa chính trị nguy hiểm”.

Phát biểu này được ông Zelensky đưa ra trong buổi họp báo chung ở Kiev với Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhân vật dẫn dắt dự án đường ống vốn bị các láng giềng của Nga là Ukraine, Ba Lan và các nước Baltic phản đối dữ dội.

“Chúng tôi nhìn riêng dự án này dưới lăng kính an ninh và xem nó là một vũ khí địa chính trị nguy hiểm của Điện Kremlin”, ông Zelensky nói.

Nhà lãnh đạo này nói thêm rằng, những nguy cơ chính sẽ “do Ukraine gánh chịu”, nhưng đường ống dẫn cũng sẽ nguy hiểm “đối với toàn bộ châu Âu” vì nó sẽ “chính xác là điều mà Liên bang Nga mong muốn”.

Theo DW, dự án đường ống trị giá 12 tỷ USD chạy dưới biển Baltic dự kiến sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên của Nga tới Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, nó lại tránh lãnh thổ Ukraine, khiến Kiev mất đi khoản thu từ phí trung chuyển khí đốt thiết yếu.

Bà Merkel hiện đang có chuyến thăm cuối cùng tới thủ đô Ukraine trước khi kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng vào tháng tới. Chuyến công du tới Kiev của nữ lãnh đạo diễn ra chỉ 2 ngày sau khi bà gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bà Merkel khẳng định, Berlin nhất trí với Washington rằng “khí đốt không được phép sử dụng làm vũ khí địa chính trị”.

“Quan trọng nhất là việc có hay không sự gia hạn hợp đồng trung chuyển qua Ukraine - càng sớm càng tốt”, bà nói.

Thủ tướng Merkel cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán mở rộng thỏa thuận trung chuyển khí đốt hiện đang diễn ra.

Bà kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mới giữa Đức, Ukraine, Nga và Pháp.

Thỏa thuận hiện hành của Moskva với Kiev sẽ hết hiệu lực vào năm 2024 và việc thiếu đi khoản phí trung chuyển có thể sẽ gây ra những vấn đề kinh tế lớn cho Ukraine.

Đức đã cam kết ủng hộ Ukraine làm mới lại hỗn hợp năng lượng và sẽ hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo với tổng trị giá 1,2 tỷ USD thông qua các dự án song phương.

Hoàng Bách