Nghệ An: Máy tính cũ 'hút khách' đầu năm học
(Baonghean.vn) - Dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, các cơ quan, doanh nghiệp phải làm việc Online và 850.000 học sinh các cấp ở Nghệ An sẽ học trực tuyến tại nhà. Vì vậy, nhu cầu máy tính, laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh và phụ kiện bán rất chạy vào dịp này.
Nhu cầu tăng cao
Năm học này, các cấp học đều học online tại nhà, do đó, có những gia đình phải sắm 2 máy tính hoặc 2 máy điện thoại thông minh. Ảnh: Thanh Phúc |
Chị Hoàng Thị Phương (xã Thái Sơn, huyện Đô Lương) là giáo viên tiểu học, có 2 con đều là học sinh THCS. Bước vào năm học mới 2021-2022, cả 3 mẹ con đều dạy – học trực tuyến, theo đó, cần đến 3 chiếc máy tính để sử dụng.
Chị Phương cho biết: “Cả nhà trước nay chỉ có 1 máy tính để mẹ soạn bài, thi thoảng 2 con dùng chung để tham khảo một số chương trình trên mạng internet. Giờ học trực tuyến, cả 3 mẹ con đều cần đến phương tiện này để học, làm việc. Trước mắt, đã nhờ người quen tìm mua 1 máy tính cũ giá 4 triệu đồng để học tạm, 1 cháu nữa vẫn phải dùng điện thoại thông minh để học”.
Có những gia đình có đến 4-5 cháu học cùng cấp học, do học cùng một thời điểm nên cần đến 5 máy tính để học. Bà Nguyễn Thị Trúc (Hưng Đông, TP.Vinh) cho biết: “5 đứa cháu nội, ngoại, bố mẹ làm ăn xa, gửi ở nhà cho ông bà chăm nom. Năm học này, theo thông báo của nhà trường là học trực tuyến, phải mua máy tính để học. Tham khảo thì thấy máy mới quá tầm tài chính nên đang tìm mua máy cũ. Theo báo giá thì mỗi máy cũng khoảng 4-5 triệu đồng, chưa kể tiền mua tai nghe, còn web cam, lắp đặt mạng…”, bà Trúc cho biết.
Laptop, máy tính bảng, điện thoại di động là phương tiện để dạy - học online, làm việc online. Ảnh: Thanh Phúc |
Do dịch bệnh kéo dài nên hầu hết các công ty, doanh nghiệp, cơ quan chuyển sang làm việc online, nhu cầu mặt hàng laptop, máy tính bảng để phục vụ công việc tăng cao. Chị Nguyễn Thu Hiên, nhân viên kho của một công ty ở KCN Bắc Vinh cho biết: “Bình thường em làm việc ở công ty, dùng máy tính bàn của công ty để nhập dữ liệu. Nay, một số bộ phận không trực tiếp tham gia dây chuyền sản xuất được bố trí làm việc tại nhà. Công việc nhập dữ liệu này đòi hỏi phải có máy tính nên đợt này tôi phải mua máy tính để làm việc”.
Máy tính cũ khan hàng
Các dòng máy tính cũ được nhiều người tìm mua vì phù hợp với thu nhập của phần đông khách hàng. Ảnh: Thanh Phúc |
Nhu cầu tăng cao nên thị trường máy tính sôi động hẳn, nhất là dòng máy cũ. Theo chủ một cửa hàng chuyên máy tính cũ tại đường Đốc Thiết (TP. Vinh), hiện các dòng máy cũ đang được tìm mua rất nhiều, khách đặt và chốt đơn liên tục, có khi khan hàng. Yêu cầu của khách là giá rẻ, pin bền, không cần cấu hình cao. Hiện, giá các loại máy tính cũ dao động từ 3,2 đến 6 triệu đồng/máy. Khách hàng phần lớn là phụ huynh các huyện, đã đặt hàng từ trước.
“Máy cũ, đời thấp, cấu hình thấp nên cũng có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, loại máy này phù hợp với tài chính của phần đông khách hàng nên được nhiều người tìm mua. Khi mua máy tính cũ, người mua nên tìm hiểu kỹ, tìm đến các cửa hàng uy tín, tránh mua phải máy quá cũ nát…”, anh Hoàng Đình Kiều, chủ một cửa hàng máy tính cũ ở Vinh cho biết.
Giá máy tính cũ dao động từ 3,2 triệu đồng - 7 triệu đồng phân khúc tầm trung, song lượng hàng khá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu của khách. Ảnh: Thanh Phúc |
Trên các trang web về máy tính cũ ở Nghệ An, lượng khách vào tham khảo các dòng máy, giá cả và chốt đơn khá nhiều. Có nhiều dòng máy vừa mới được đăng lên rao bán, chưa đầy 1 tiếng sau đã có người mua và treo biển: Hết hàng!.
Thời điểm này TP. Vinh đang trong những ngày giãn cách xã hội, tất cả các cửa hàng máy tính đều tạm đóng cửa theo quy định để phòng dịch. Tuy nhiên, theo một số cửa hàng, đại lý thì lượng khách đặt hàng online tăng cao, thậm chí, một số dòng máy bán chạy, khách phải đặt cọc giữ hàng và một số loại thì phải chờ hàng. Các nhà bán lẻ còn thừa nhận một số mẫu laptop đang có nguy cơ thiếu hụt hàng do sức mua tăng, trong khi nguồn cung đang gặp trục trặc do dịch Covid-19.
Từ đầu tháng 8, lượng khách tìm mua máy tính tăng cao, khách hàng chủ yếu là công chức, học sinh. Ảnh: Thanh Phúc (chụp trước thời điểm giãn cách). |
Chị Nguyễn Khánh Chi, phụ trách kinh doanh của một hãng điện máy trên đường Lê Lợi (TP.Vinh) cho biết: “Từ đầu tháng 8, nhất là khi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chuyển sang làm việc online và ngành Giáo dục quyết định học trực tuyến thì khách đã đổ xô mua máy tính. Lượng mua tăng khoảng 50% so với trước và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Khách hàng chủ yếu là nhân viên văn phòng, sinh viên và phụ huynh có con đang học phổ thông. Hầu hết hỏi mua laptop tầm trung từ 8-10 triệu đồng”.
Ở các cửa hàng bán lẻ tại các huyện, rất đông phụ huynh tìm mua các phương tiện phục vụ học online. Ảnh: Thanh Phúc |
Cũng theo đại diện công ty này, do dịch bệnh nên khâu vận chuyển khó khăn, hàng lưu thông chậm hơn bình thường nên nhiều mẫu mã ở phân khúc giá tầm trung đang rơi vào tình trạng “cháy hàng”, không có để khách lấy ngay mà phải đặt hàng trước cả tuần.
Không chỉ laptop mà điện thoại, máy tính bảng cũng là mặt hàng bán chạy dịp này bởi với những khách hàng có tài chính eo hẹp hơn thì đây cũng là sự lựa chọn để phục vụ việc học tập của các con. “Các dòng máy tính bảng có giá từ 4 - 8 triệu đồng và điện thoại từ 3 – 5 triệu đồng/chiếc đợt này bán khá chạy. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng chốt đơn từ 10-15 máy tính bảng và hơn 10 chiếc điện thoại”.
Di động, máy tính bảng, tai nghe, webcam... cũng đắt khách dịp này. Ảnh: Thanh Phúc |
Để thu hút khách hàng dịp đầu năm học mới, các cửa hàng bán lẻ đang chạy chương trình khuyến mãi dành cho học sinh, sinh viên với các hình thức như: giảm giá tiền từ 5% - 20%, tặng phụ kiện, tặng phiếu mua hàng, trả góp 0%…/.