Nhiều trường ở Nghệ An vẫn được đón học sinh đến lớp học tập

Mỹ Hà 06/09/2021 12:58

(Baonghean.vn) - Ngày hôm nay (6/9), nhiều trường học trong tỉnh, học sinh đã được đến trường. Điều này sẽ giúp cho nhiều học sinh giải quyết bài toán khó về việc tổ chức dạy học trực tuyến, đặc biệt là ở vùng núi cao, khó khăn.

Học sinh vùng cao đi học

Xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) cho đến thời điểm này vẫn là địa bàn “sạch”, an toàn, chưa có bệnh nhân Covid – 19. Trước thời điểm năm học mới, nắm bắt những khó khăn trong việc triển khai dạy học trực tuyến nên Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 (Kỳ Sơn) đã xin dạy học theo phương án riêng, đó là dạy học tập trung nhưng vẫn đảm bảo khoảng cách, an toàn.

Sáng nay học sinh Trường Tiểu học bán trú Huồi Tụ đã đến trường. Ảnh:  PV
Sáng nay học sinh Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 đã đến trường. Ảnh: P.V

Theo phương án trên, sáng hôm nay, thay vì tập trung toàn bộ học sinh lớp 3, 4, 5 và một phần học sinh lớp 2 về điểm trường chính dạy học theo hình thức bán trú thì nay học sinh ở bản nào tập trung học ở điểm bản ấy. Nhà trường chưa tổ chức bán trú cho học sinh và để đủ học sinh, mỗi ngày các em sẽ học 2 ca (sáng, chiều). Ngoài ưu tiên cho bậc học đầu cấp là học sinh lớp 1 thì các lớp còn lại sẽ sắp xếp lớp ghép dành cho khối 2 và 3 thành 1 lớp và khối 4 và 5 thành 1 lớp.

Việc tổ chức học trực tiếp bước đầu về cơ bản đã giúp nhà trường thuận lợi hơn trong quá trình tổ chức dạy học trong thời điểm vẫn còn dịch bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại đang bộc lộ những khó khăn, bất cập.

Chia sẻ về điều này, thầy giáo Nguyễn Thế Vĩnh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khi chuyển về học điểm lẻ thì điều lo lắng nhất là thiếu giáo viên, bởi số lượng giáo viên phải tăng gấp 2 mới đủ đứng lớp. Hơn thế, cơ sở vật chất, bàn ghế cũng không đủ, nhiều lớp học học sinh phải ngồi tạm trên ghế không có bàn, nơi ăn, chốn nghỉ cho giáo viên cũng khó bố trí. Chất lượng học cũng không đảm bảo, việc bố trí giáo viên các môn đặc thù sẽ không thể thực hiện được vì thiếu giáo viên.

Trường Tiểu học Lạng Khê kiểm tra đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào học. Ảnh: PV
Trường Tiểu học Lạng Khê (Con Cuông) kiểm tra đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào học. Ảnh: P.V

Hiện nay, huyện Kỳ Sơn đã chuyển sang áp dụng các biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 19 nên về cơ bản hoạt động, sinh hoạt của người dân đã trở lại trạng thái bình thường mới (vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới). Trong bối cảnh đó, nhiều trường học đang mong muốn có hướng điều chỉnh để sớm ổn định lại việc dạy và học.

Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết: Việc các trường tổ chức dạy học ở các điểm trường lẻ chỉ là giải pháp tạm thời tại những địa bàn làm tốt công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, hiện dịch bệnh cơ bản được khống chế nhưng không vì thế mà chủ quan, nên dự kiến chiều nay, phòng sẽ làm việc với UBND huyện đưa ra phương án dạy học thích hợp theo tình hình mới.

Trước đó, qua tổng hợp huyện Kỳ Sơn vẫn đang còn 7 trường học đang được sử dụng để làm khu cách ly tập trung. Do đó, nếu việc học tập trung được triển khai trên quy mô toàn huyện thì huyện cũng cần sớm có phương án để trả lại cơ sở vật chất cho các nhà trường.

Còn tại Trường Tiểu học Lạng Khê (Con Cuông), sáng nay cũng đã đón học sinh trở lại đi học trực tiếp sau khi toàn huyện thực hiện Chỉ thị 19.

Học sinh Trường Tiểu học Thạch Ngàn - Con Cuông sáng nay đã tổ chức dạy học trực tiếp. Ảnh: PV
Học sinh Trường Tiểu học Thạch Ngàn (Con Cuông) sáng nay đã tổ chức dạy học trực tiếp. Ảnh: P.V

Trước khi vào cổng trường, học sinh được phân luồng, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Cô Trương Thị Xuân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạng Khê cho biết: Trước đó, mặc dù không tựu trường và tổ chức khai giảng tập trung, nhưng giáo viên và phụ huynh cũng đã chia nhau đến dọn dẹp, phát quang, vệ sinh khuôn viên, lớp học. Đồng thời phun khử khuẩn để phòng trừ nguy cơ các loại dịch bệnh cho trẻ trong thời điểm giao mùa. Nhà trường cũng đã chủ động đưa ra các phương án dạy học tùy theo tình hình thực tiễn của địa phương. Theo đó, nếu vẫn áp dụng Chỉ thị 15, thì dạy học trực tiếp nhưng chia ca để đảm bảo giãn cách. Tuy nhiên, từ 0h ngày 6/9, địa phương thực hiện Chỉ thị 19, theo đó, học sinh sẽ được đến trường bình thường. Dù vậy, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, nhà trường vẫn chia 2 ca (sáng – chiều) đối với trường chính. Còn 2 điểm trường lẻ ở bản Đồng Tiến và Yên Hòa do số lượng học sinh đều dưới 20 em/lớp nên sẽ học 1 ca.

Giáo viên huyện Con Cuônng dạy học bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: PV
Tuy nhiên, ở bậc THCS như Trường THCS Trà Lân vẫn thực hiện dạy học bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: M.H

Ông Lê Thanh An – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện, các trường học vừa thực hiện cả 2 phương thức: dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, từ 0h sáng nay (6/9) huyện đã thực hiện Chỉ thị 19, vì thế dự kiến đến thứ Năm, Phòng sẽ chỉ đạo tất cả trường Tiểu học, THCS trên địa bàn chuyển sang dạy học trực tiếp cho học sinh trên cơ sở thực hiện "5K" để phòng, chống dịch. Còn đối với bậc mầm non hiện đang chờ chỉ đạo, hướng dẫn của Sở: “Đây là thời gian vàng mà các nhà trường cần tận dụng để dạy học cho học sinh. Song song với đó, các trường cũng cần chuẩn bị các điều kiện để tập duyệt dạy học online. Bởi nếu như tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, địa phương quay về thực hiện Chỉ thị 15, chúng tôi cũng sẽ chủ động tiếp tục triển khai dạy học trực tiếp ở bậc tiểu học, chia ca, chia lớp đảm bảo giãn cách và dạy học trực tuyến đối với bậc THCS.

Còn nếu huyện áp dụng Chỉ thị 16, việc dạy học sẽ chuyển hoàn toàn sang dạy học trực tuyến và kết hợp hình thức giao bài cho học sinh vùng khó khăn, điểm trường ở bản lẻ”.

Linh hoạt trong giảng dạy trực tuyến

Chiều 5/9, Công văn số 08 – CV/BCĐ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid – 19 tỉnh ban hành đã thực sự “gỡ khó” cho nhiều địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ năm học, đặc biệt là ở 13 đơn vị đã chuyển sang thực hiện cách ly xã hội hoặc áp dụng các biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16. Tuy vậy, trong thời điểm hiện nay, việc triển khai sẽ chỉ được thực hiện khi các trường đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đường đến nhà để giao bài tập cho học sinh của giáo viên huyện Quế Phong. Ảnh: Chiến Thắng
Đường đến nhà để giao bài tập cho học sinh của giáo viên huyện Quế Phong. Ảnh: Chiến Thắng

Tại huyện Quỳnh Lưu, ông Trần Xuân Nhương – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Tối hôm qua sau khi có quyết định chuyển sang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, huyện cũng đã bàn bạc để chuyển sang phương án dạy học mới. Nhưng trước mắt vì các địa phương lân cận vẫn đang có bệnh nhân Covid – 19 nên chúng tôi vẫn sẽ triển khai dạy học trực tuyến cho tất cả các nhà trường. Hiện 100% các trường ở huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức dạy học trực tuyến và có khoảng 80% học sinh đủ điều kiện theo học.

Giáo viên Trường THCS Tiền Phong (Quế Phong) đến từng nhà giao bài cho học sinh. Ảnh: Chiến Thắng.
Giáo viên Trường THCS Tiền Phong (Quế Phong) đến từng nhà giao bài cho học sinh. Ảnh: Chiến Thắng.

Trong ngày học sáng nay, học sinh ở bậc THCS trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã bước vào buổi học trực tuyến đầu tiên thông qua hệ thống dạy học trực tuyến LMS của tỉnh. Qua đánh giá của các phòng giáo dục và đào tạo, sau nhiều ngày tập huấn và cho học sinh làm quen, trong buổi học đầu tiên học sinh đã cơ bản nắm được các thao tác. Nhưng việc nghẽn mạng cục bộ vẫn còn xảy ra do có thể có quá nhiều học sinh tập trung truy cập trong một thời điểm.

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Đàn cho biết: Chúng tôi có phòng điều hành để quản lý việc tổ chức dạy học trực tuyến của các nhà trường. Tuy vậy, trong sáng nay, vẫn có tình huống học sinh không vào học được do nghẽn mạng và giáo viên phải linh hoạt chuyển sang phòng học zoom. Vấn đề này chúng tôi cũng đã kịp thời phản ánh với đơn vị cung cấp để sớm có phương án khắc phục.

Học sinh thành phố Vinh học trực tuyến qua mạng trong ngày đầu tiên của năm học. Ảnh: MH
Học sinh thành phố Vinh học trực tuyến qua mạng trong ngày đầu tiên của năm học. Ảnh: M.H

Trên thực tế, đây cũng là những vấn đề mà ngành Giáo dục đã lường trước, bởi Nghệ An là địa phương có số lượng học sinh rất đông và lượng truy cập cùng thời điểm rất lớn. Trước đó, để khắc phục tình trạng này, ngành Giáo dục đã chủ trương dành 1 tuần học đầu tiên để học sinh và giáo viên làm quen với hình thức dạy học mới.

Phòng điều hành hệ thống dạy tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: MH
Phòng điều hành hệ thống dạy tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: M.H

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trong ngày đầu tiên, qua phản ánh của các địa phương, chúng tôi có nhận được một số trường hợp nghẽn mạng. Tuy nhiên, điều này có thể từng bước khắc phục. Cụ thể, trên hệ thống LMS hiện có 3 phòng học để sử dụng gồm Zoom, Google, Microsoft Team nhưng hiện nay đa phần giáo viên chỉ dùng phòng học zoom nên dẫn đến hiện tượng nghẽn mạng là không tránh khỏi. Vì thế, Sở đề nghị các giáo viên nên chuyển sang nền tảng phòng học khác để việc học diễn ra thuận lợi.

Ngoài ra, có thể nghẽn mạng vì đường truyền mạng wifi không ổn định. Vì thế, khuyến cáo các giáo viên nên dùng đường mạng trực tiếp để giữ ổn định, đảm bảo cho việc giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh.

Mỹ Hà