Những bông hoa trạng nguyên nơi núi rừng xứ Nghệ

Mỹ Hà 10/09/2021 16:30

(Baonghean.vn) - Trong danh sách những học sinh được tuyên dương trong năm học 2021 - 2022 có nhiều trường hợp là học sinh người dân tộc thiểu số. Đây cũng là những tấm gương về sự nỗ lực, cố gắng và luôn có ý thức vượt lên hoàn cảnh.

Học sinh trung bình vẫn có cơ hội để vươn lên

Cho đến thời điểm này, cô giáo Lê Thị Vinh – giáo viên chủ nhiệm lớp 12C2, Trường PT DTNT THPT số 2 vẫn nhớ rất rõ điểm đầu vào của từng học sinh khi các em mới trúng tuyển vào lớp 10. Trong danh sách đó, Lô Thị Hoàng Kim – 1 trong 2 nữ sinh người dân tộc thiểu số được UBND tỉnh tuyên dương đợt này có vị trí khá khiêm tốn khi tổng điểm 3 môn thi chỉ được 17,25 điểm. Dù xuất phát điểm thấp nhưng đến cuối năm lớp 12, Kim có sự bứt phá khi đạt 28,75 điểm khối C, trong đó, điểm môn Ngữ văn và Địa lý là 9,5 điểm và điểm môn Lịch sử là 9,75 điểm...

Nhà Kim tại bản Cừa, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp và nhiều năm nay vẫn thuộc gia đình cận nghèo bởi kinh tế thuần nông. Trong khi đó, nhà có đến 3 người con, hai ông bà đã nhiều tuổi và mẹ của Kim thì ốm yếu, bệnh tật. Lao động chính trong nhà chủ yếu do một tay bố Kim lo lắng. Dù hoàn cảnh khó khăn, vất vả nhưng từ khi còn rất nhỏ, Kim đã biết tâm niệm lớn nhất của bố mẹ Kim là mong con học hành đến nơi, đến chốn. Đây cũng là lý do dù những năm THCS mức học của Kim khá bình thường và chỉ học ở một trường trong xã nhưng em vẫn mạnh dạn đăng ký thi vào Trường PT DTNT THPT số 2.

Ảnh: PV
Lô Thị Hoàng Kim là nữ sinh có điểm thi khối C cao nhất của Trường PT DTNT THPT số 2. Ảnh: P.V

Thời điểm mới vào nhập học, dù thiên về xã hội nhưng Ngữ văn là môn Kim học yếu nhất. Cũng bởi lý do này nên những bài kiểm tra đầu tiên của em điểm khá thấp và có khá nhiều bài Văn được cô nhận xét “em chưa biết kỹ năng làm bài và em cần phải làm sổ tay văn học để ghi các dạng bài”... Sau này, nhớ lời dặn của cô, Kim đọc sách nhiều và thường xuyên lên thư viện để tham khảo những bài văn mẫu. Trong đó, có những câu văn nào hay em đều ghi lại và tự rút kinh nghiệm cho mình.

Một thuận lợi khác của Kim trong quá trình theo học ở trường là em có thời gian cả ngày được thầy, cô kèm cặp. Vì vậy, ngoài thời gian học chính khóa trên lớp buổi sáng, buổi chiều Kim tự luyện đề và mỗi khi hoàn thành một bài tập em đều nhờ cô kiểm tra và góp ý. Sự nỗ lực của Kim cuối cùng cũng đã được ghi nhận khi tại kỳ thi chọn học sinh giỏi của trường vào năm lớp 10, Kim “bứt phá” và giành được giải Nhất.

Đó cũng chính là bước ngoặt để sau này Kim càng ngày càng tự tin vào bản thân và tìm được sự đam mê và niềm vui trong học tập. Những năm sau đó, Kim luôn nằm trong tốp đầu của lớp và tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2021, Kim trở thành nữ sinh có điểm thi khối C cao nhất trường. Kể thêm về kỳ thi này, Kim cho biết: “Em khá tiếc nuối với môn Lịch sử bởi em sai vào một câu mà em dành khá nhiều thời gian suy nghĩ và tự tin vào đáp án của mình. Tuy nhiên, có thể em chưa nắm bắt được toàn diện câu hỏi nên nhầm lẫn khá đáng tiếc”.

Lô Thị Hoàng Kim sẽ đăng ký học ngành Hàn quốc học tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Ảnh: PV
Lô Thị Hoàng Kim sẽ đăng ký học ngành Hàn Quốc học tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Ảnh: P.V

Để có điểm gần tuyệt đối ở các môn thi, kinh nghiệm của Kim là học một cách khoa học và không học quá nhiều, có thời gian biểu hợp lý để không tạo áp lực cho học sinh. Trong quá trình ôn thi, cũng không nên học tủ, học một cách máy móc mà cần khái quát các vấn để theo hiểu biết của mình và vẽ sơ đồ tư duy, nhớ kỹ các luận điểm...

Với điểm thi khá cao, hiện Kim cũng tự tin đăng ký vào ngành Hàn Quốc học – một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (điểm chuẩn năm học trước là 30,5). Kim cũng cho biết, để vào được đại học với một học sinh có hoàn cảnh gia đình như em sẽ rất khó khăn nhưng em vẫn cố gắng thực hiện, bởi phía sau em luôn có gia đình động viên, khích lệ. Bản thân Kim cũng tự nhủ trong thời gian tới em sẽ trưởng thành hơn, chăm chỉ học tập, chăm chỉ làm việc để vừa có kết quả học tập tốt, vừa có thể hỗ trợ bố mẹ và thực hiện được ước mơ trở thành sinh viên đại học.

Không bao giờ từ bỏ ước mơ

Trong danh sách những học sinh người dân tộc thiểu số được tuyên dương trong năm học 2021 – 2022, Hoàng Thiện Nhật là học sinh duy nhất đến từ Trường THPT Quỳ Châu và em là 1 trong 6 thí sinh có điểm thi khối A1 cao nhất tỉnh. Trong đó, điểm môn Toán, Nhật đạt 9,2 điểm, Vật lý 8,25 điểm và Ngoại ngữ 9,8 điểm. Mức điểm này dù cao nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến quyết định chọn trường của Nhật, bởi trước khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Nhật đã được tuyển thẳng vào Khoa Kinh tế đối ngoại - Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Hoàng Thiên Nhật là học sinh người DTTS có điểm khối D cao nhất tỉnh. Ảnh: PV
Hoàng Thiên Nhật là học sinh người DTTS có điểm khối D cao nhất tỉnh. Ảnh: P.V

Ở Trường THPT Quỳ Châu, Hoàng Thiện Nhật là một nam sinh được nhiều bạn bè biết đến bởi ngoài có thành tích học tập tốt, Nhật còn là một học sinh khá đa tài khi có nhiều năng khiếu và tích cực tham gia các hoạt động của trường, của lớp. Cá nhân Nhật cũng nhận mình là một người hướng ngoại nên từ những năm THCS, Nhật đã ước mơ sẽ thi đậu vào Trường Đại học Ngoại thương để có thể phát huy được sở trường của mình. Đây cũng là lý do dù lớn lên và học tiểu học tại xã Châu Bình cách khá xa trung tâm huyện nhưng Nhật lại sớm làm quen với tiếng Anh và ham mê môn học này. Sự đam mê như được tiếp thêm khi lên THCS, Nhật chuyển lên thị trấn học và được cô giáo dạy ngoại ngữ khích lệ và tạo cho em cảm hứng khi tiếp cận với môn học.

Khó khăn nhất của Nhật trong những năm học phổ thông đó là vì ở một huyện miền núi nên điều kiện để học tiếng Anh không nhiều. Hơn nữa, em không có nhiều cơ hội để giao tiếp với bạn bè chứ không nói đến người bản xứ...

Bù lại những hạn chế trên, Nhật là một học trò nghị lực và luôn biết đặt mục tiêu cho mình. Đồng hành cùng với Nhật là bố mẹ của em, vốn là những giáo viên THCS dạy ở xã Châu Bình. Nhật cho biết: “Khi em vào lớp 10 và quyết định chọn thi khối A1, nhiều người thắc mắc vì đây là một khối khá lạ. Nhưng bố mẹ em luôn ủng hộ và tôn trọng vào quyết định của em”.


Quá trình học tiếng Anh của Nhật cũng khá vất vả và phần lớn là tự học. Trong đó, mỗi ngày Nhật đều đặt ra cho mình một thời khóa biểu và em luôn nỗ lực để hoàn thành toàn bộ các mục tiêu từ học thêm từ mới, viết thêm cấu trúc câu, phát âm và kỹ năng nghe qua mạng. Nhật cũng tự nhủ phải vào được đội tuyển học sinh giỏi tỉnh và đến năm lớp 12, Nhật đã xuất sắc khi giành được giải Nhì môn Ngoại ngữ.

Vì là giáo viên nên bố mẹ Nhật cũng không tạo áp lực cho con. Tuy vậy, Nhật lại tự tạo áp lực và luôn nỗ lực để đạt được kế hoạch đã đặt ra. Như tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nhật không phải đặt nặng về điểm số nhưng em vẫn cố gắng để có kết quả cao nhất “để không phụ ước mong của họ hàng và gia đình là có một người con được vinh danh tại lễ tuyên dương của tỉnh”. Hơn thế, Nhật cũng muốn mọi người hiểu rằng, dù có thể học sinh miền núi có những thua thiệt vì không được học trong điều kiện thuận lợi nhưng nếu quyết tâm, biết phát huy năng lực của bản thân thì vẫn sẽ thành công.

Dù đã được vào thẳng Đại học Ngoại thương nhưng Nhật vẫn nỗ lực để có điểm thi cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: PV
Dù đã được vào thẳng Đại học Ngoại thương nhưng Nhật vẫn nỗ lực để có điểm thi cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: P.V

Với suy nghĩ trên, hiện Nhật cũng đang rất hào hứng khi đã chính thức trở thành sinh viên Đại học Ngoại thương và trong những ngày đầu tiên làm quen với nhịp sống ở trường đại học. Ở môi trường mới này, Nhật cũng biết so với bạn bè mình còn nhiều hạn chế, nhưng tin rằng, bằng sự quyết tâm và sự tự tin, Nhật sẽ sớm thích nghi và sẽ là một sinh viên tốt để không phụ niềm tin của bố mẹ, thầy cô và bạn bè.

Mỹ Hà