Ứng cử viên sáng giá chức Thủ tướng Nhật Bản thứ 100

Chi Nguyễn 11/09/2021 09:01

(Baonghean.vn) - Đường đua đến vị trí Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản đang “nóng” dần lên. Trong số các ứng cử viên tiềm năng có cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida và nữ Bộ trưởng Sanae Takaichi. Nhưng Taro Kono - Bộ trưởng Cải cách hành chính Nhật Bản và là người được Thủ tướng Yoshihida Suga hậu thuẫn dường như đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của công chúng “đất nước Mặt trời mọc”.

Ông Taro Kono - Bộ trưởng cải cách hành chính Nhật Bản. Ảnh: Nikkei
Ông Taro Kono - Bộ trưởng cải cách hành chính Nhật Bản. Ảnh: Nikkei

Sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihida Suga tuyên bố sẽ không tham gia tranh cử chức Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền vào cuối tháng này, đồng nghĩa nhiệm kỳ thủ tướng của ông sẽ sớm kết thúc, cuộc đua tìm người kế nhiệm ông Suga bắt đầu “nóng” lên. Tên tuổi của các ứng cử viên tiềm năng cũng được quan tâm nhiều hơn, trong đó ông Taro Kono được xem là một gương mặt sáng giá nhất theo cuộc thăm dò do Kyodo tiến hành qua điện thoại trên khắp nước Nhật trong hai ngày 4 và 5/9. Ông nhận được 31,9% số người ủng hộ so với 26,6% và 18,8% dành cho cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida. Tính cách, thế giới quan và thiên hướng cải cách khiến ông Taro Kono trở nên khác biệt.

Chính trị gia nổi tiếng mạng xã hội

Taro Kono, 58 tuổi, là một chính trị gia “quen mặt” với công chúng khi ông từng đảm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ của Thủ tướng Shizo Abe từ năm 2017-2019. Sau khi Thủ tướng Suga kế nhiệm, ông Taro Kono được trao chức Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính. Gần đây ông nổi tiếng với chức danh “Bộ trưởng vaccine” do phụ trách chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở “xứ Phù Tang”. Nhiệm vụ này đã bước đầu thành công và trở thành một điểm sáng trong bối cảnh dịch Covid-19 ở Nhật Bản đang xấu đi. Kể từ khi tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 vào tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, Nhật Bản đã trải qua đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay. Hơn 15.000 ca nhiễm mỗi ngày được ghi nhận trong tuần qua, cao gần gấp ba lần số ca mà Nhật Bản ghi nhận trong các đợt trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong đã giảm, một phần nhờ 48% dân số Nhật Bản hiện đã được tiêm chủng đầy đủ, một trong những tỷ lệ tiêm chủng cao nhất ở châu Á. “Tôi biết rằng phải đặt mục tiêu và lao về phía trước mới là cách để hoàn thành công việc”, ông Kono chia sẻ với tờ Nikkei về chiến dịch tiêm chủng của Nhật Bản.

Ông Taro Kono (bên trái) là người được Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ủng hộ làm người kế nhiệm. Ảnh: Kyodo

Nhưng thành tích trong chiến dịch tiêm chủng không phải yếu tố duy nhất khiến ông Kono nhận được nhiều sự ủng hộ của công chúng. Trong một xã hội và nền chính trị khá truyền thống như Nhật Bản, ông Kono nổi lên là một chính trị gia theo xu hướng hiện đại, cởi mở. Ông là một trong những vị quan chức nổi tiếng nhất trên mạng xã hội của Nhật Bản. Hầu hết giới trẻ đều biết đến ông và dành sự ngưỡng mộ cho vị chính trị gia này - điều không nhiều quan chức tại Nhật Bản có được. Tài khoản Twitter tiếng Nhật của ông Kono đang có gần 2,4 triệu người theo dõi và đang tăng chóng mặt trong khoảng thời gian này. Ngay cả tài khoản tiếng Anh của ông cũng có gần 50.000 người đăng ký. Với việc hoạt động mạnh mẽ trên mạng xã hội, Bộ trưởng Kono có thể tiếp xúc với cử tri bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào, thậm chí có thể thực hiện họp báo vào đêm khuya. Đây là một lợi thế lớn của ông trong cuộc đua sắp tới. Atsuo Ito, một nhà phân tích chính trị và cựu quan chức đảng LDP cho rằng: “Với cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra, sẽ có xu hướng chọn một ứng cử viên có sức thu hút công chúng mạnh mẽ”.

Thế giới quan khác biệt

Với vẻ ngoài trầm tĩnh và có phần khó đoán, ông Kono được mô tả là một người giàu tham vọng và không ngừng cải cách. Mặc dù không vội vã xác nhận tranh cử cuộc đua bầu Chủ tịch đảng LDP vào cuối tháng 9 này, nhưng đây là vị trí ông theo đuổi từ lâu và được cho là đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng. “Đưa Nhật Bản tiến lên phía trước” là tiêu đề cuốn sách của ông Kono được xuất bản hôm 27/8, trong đó ông đưa ra những tầm nhìn về sự cải cách từ việc cắt giảm con dấu hành chính, thách thức sự trỗi dậy của Trung Quốc cho đến vai trò của Nhật Bản trong thế kỷ 21. Một nhà quan sát Nhật Bản nhận xét: “Rõ ràng ông ấy muốn báo hiệu ý định theo đuổi vị trí lãnh đạo. Nội dung của cuốn sách cho thấy, ông ấy sẽ chạy đua nếu có cơ hội”.

Ông Taro Kono khi là Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản hội đàm với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại APEC 2017. Ảnh: Báo Chính phủ

Không phải ngẫu nhiên ông Kono được giao trọng trách Bộ trưởng cải cách hành chính trong chính phủ của Thủ tướng Suga. Truyền thông Nhật Bản nhận định, ông Suga dường như nhận thấy ở ông Kono vai trò nhà cải cách tài ba có thể vượt qua các trở ngại hành chính, đặc biệt trong bối cảnh chống dịch Covid-19. Cũng bởi vậy, ngay sau khi công bố ý định không tranh cử, Thủ tướng Suga bày tỏ sẽ ủng hộ ông Taro Kono làm người kế nhiệm. Tuy nhiên, ông Kono cũng có những bất lợi khó lường.

Trái với sự nổi tiếng trên mạng xã hội, Taro Kono từ lâu được mô tả như một người đơn độc trên chính trường Nhật Bản mặc dù là đảng chính trị chính thống nhất ở Nhật Bản và xuất thân trong một gia đình “danh gia vọng tộc”. Ông cố của ông, Jihei Kono, từng là Chủ tịch Hội đồng tỉnh Kanagawa, phía Nam Tokyo. Ông nội Ichiro Kono, là thành viên Nghị viện, cơ quan lập pháp quốc gia của Nhật Bản, còn cha ông là Yohei Kono, từng là Chủ tịch LDP, và Phó Thủ tướng Nhật Bản từ năm 1994 đến 1995. Tuy nhiên, Kono tự đặt ra cho mình con đường tiến thân và đạt được thành công trên chính trường mà không nhờ sự can thiệp từ gia đình, một phần có thể là do ông được hưởng nền giáo dục Mỹ. Kono rời Nhật Bản, du học Mỹ vào năm 1982 ở tuổi 19. Ông theo học Đại học Georgetown chuyên ngành nghiên cứu chính trị so sánh. Trong những năm làm việc tại Georgetown, Kono làm việc cho Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Alan Cranston của bang California và Thượng nghị sĩ Richard Shelby của bang Alabama. Ông cũng từng du học tại Trường Kinh tế Warsaw ở Ba Lan.

Khi trở về Nhật Bản, ông từng làm cho các tập đoàn kinh tế trước giành được một ghế nghị sĩ vào năm 1996 tại tỉnh Kanagawa quê hương ông. Vào năm 2015, ông tham gia chính quyền của của Thủ tướng Abe với tư cách là Bộ trưởng Cải cách hành chính. Nhưng hơn cả kinh nghiệm làm việc trong chính phủ, ông đã tạo dựng được danh tiếng của mình là người thẳng thắn và bộc trực, sẵn sàng chỉ trích công khai, cũng như luôn đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề quan liêu vẫn còn tồn tại trong bộ máy chính quyền. Tuy nhiên điều này cũng khiến ông gặp nhiều rắc rối. “Bản chất thẳng thắn của Kono không phải lúc nào cũng được đánh giá cao trong giới chính trị Nhật Bản, đặc biệt là với đội ngũ chính trị gia bảo thủ của LDP”, Purnendra Jain, một chuyên gia chính trị Nhật Bản tại Đại học Adelaide nhận xét. Cũng theo chuyên gia này, ông Kono đang nắm trong tay nhiều lợi thế nhưng liệu ông có được bầu chọn và duy trì quyền lực trong tương lai hay không, phụ thuộc vào cách ông thu hút sự ủng hộ của tầng lớp chính trị cố hữu của Nhật Bản./.

Chi Nguyễn