Tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên

Mai Hoa 13/09/2021 06:26

(Baonghean.vn) - Hiện nay, cùng với triển khai nghị quyết đại hội Đảng các cấp, các cấp ủy cũng đang triển khai học tập Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị và với chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh toàn khóa một cách cụ thể, thiết thực nhằm phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, đưa quê hương phát triển.

Đột phá về tư tưởng

xã Thanh Liên (huyện Thanh Chương), khát vọng của Đảng bộ và Nhân dân trong nhiệm kỳ này là đưa địa phương phát triển nhanh, toàn diện; xã đạt nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2021 và nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024. Theo chia sẻ của đồng chí Phan Bá Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên, để biến khát vọng đó thành hiện thực, điều quan trọng là phải “chọc thủng” tư tưởng của hơn 1 vạn dân đồng thuận, bởi lực cản lớn nhất trong thực hiện khát vọng chính là tư tưởng sớm thỏa mãn và ngại va chạm, ngại khổ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Biện pháp để khắc phục tư tưởng đó là kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục gắn với chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm hiệu quả; đối với cán bộ, đảng viên sẽ được xem xét về ý thức chấp hành chủ trương, vai trò nêu gương…

Thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Thanh Liên đã hình thành được vùng chuyên canh cây ăn quả bười diễn, bười da xanh, mít, ổi. Ảnh: Mai Hoa
Thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Thanh Liên đã hình thành được vùng chuyên canh cây ăn quả bưởi diễn, bưởi da xanh, mít, ổi. Ảnh: Mai Hoa

Ở huyện Thanh Chương, với những xã chưa về đích nông thôn mới thì đặt ra khát vọng, quyết tâm khắc phục khó khăn về đích nông thôn mới; xã về đích thì xây dựng nông thôn mới nâng cao và tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Xét ở góc độ tổng thể, theo đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, khát vọng của Thanh Chương trong nhiệm kỳ này là phấn đấu trở thành huyện khá của tỉnh. Khát vọng này thông qua triển khai, học tập nghị quyết đã được cấp ủy các cấp chuyển tải đến tận cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đặc biệt, thông qua học tập chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, cấp ủy các cấp tiếp tục làm rõ yêu cầu cụ thể đối với cán bộ, công chức và người dân. Mỗi hộ dân cũng được tuyên truyền, vận động để thay đổi cuộc sống của mình bằng việc chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi mô hình kinh tế có giá trị cao hơn, triển khai các mô hình kinh tế mới.

Để tạo động lực đòi hỏi người lãnh đạo phải biết “truyền lửa”, nêu gương về tư duy đổi mới, khát vọng phát triển, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Ngoài vai trò của người đứng đầu thì các cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương cũng phải có cơ chế giao việc rõ ràng, lấy hiệu quả công việc để đánh giá cán bộ, thưởng - phạt phân minh.

Đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương

Cây chè mang lại nguồn lợi lớn cho nhiều hộ ở Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa
Cây chè mang lại nguồn lợi lớn cho nhiều hộ ở Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa

Với huyện Anh Sơn, khát vọng của Đảng bộ và Nhân dân là đưa huyện trở thành đơn vị tốp đầu các huyện miền núi tỉnh Nghệ An. Để đạt mục tiêu đó, theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Hữu Sáng - Bí thư Huyện ủy Anh Sơn, huyện đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó tạo động lực, cổ vũ các tầng lớp nhân dân cùng chuyển động.

Cùng với các giải pháp phát huy tính đầu tàu, gương mẫu, “cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, huyện Anh Sơn cũng tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, ách yếu, trong đó tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông qua thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài và phát huy tự lực, tự cường bằng nội lực, huy động sức dân.

Đối với Kỳ Sơn, để thực hiện khát vọng, sớm thoát khỏi huyện nghèo, Huyện ủy Kỳ Sơn xác định rõ các điểm nghẽn để tập trung khắc phục, như tư tưởng trông chờ, ỷ lại và cục bộ địa phương, dân tộc, dòng họ trong cán bộ, đảng viên và người dân; chất lượng đội ngũ ở một số cơ sở vừa thiếu và yếu; tư duy, trình độ sản xuất hạn chế, cộng thêm thiếu tư liệu sản xuất, đặc biệt là đất đai; các điều kiện về hạ tầng giao thông, điện, giáo dục, y tế, văn hóa còn thấp kém (huyện còn 78 bản chưa có điện lưới). Từ xác định rõ điểm nghẽn, huyện Kỳ Sơn cũng đồng thời xác định đó là các nội dung đột phá để cụ thể hóa bằng các nghị quyết, đề án, kế hoạch tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo động lực phát triển cho địa phương.

Đường lên Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Thực hiện Chỉ thị 05 gắn nhiệm vụ chính trị

Sau 35 năm đổi mới, đi cùng phát triển của đất nước, Nghệ An có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là bộ mặt từ đô thị đến nông thôn và đời sống nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, trước thực tiễn phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, công nghiệp 4.0, ở từng cấp đang tiếp tục đặt ra quyết tâm, khát vọng phát triển cao hơn, lớn hơn. Điều này được thể hiện rõ trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng và đại hội Đảng các cấp trong tỉnh; đặc biệt là chuyên đề toàn khóa về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đó chính là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Theo chia sẻ của đồng chí Võ Văn Dũng - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) và chuyên đề toàn khóa về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp ủy Đảng phải bám sát nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị để biến nó thành khát vọng vươn của từng tổ chức, cá nhân bằng các công việc cụ thể, thiết thực; tránh khát vọng mà chung chung thì rất khó thực hiện. Chính điều đó sẽ khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, cầm chừng, thỏa mãn trong cán bộ, đảng viên và người dân. Gắn với đó là có cơ chế phân cấp rõ ràng hơn, từ đó phát huy tính tự lực trong từng tổ chức, cá nhân; không thể muốn người ta tự lực mà cái gì cũng phải xin phép và nặng cơ chế “xin - cho”.

Khơi dậy tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên cho đòng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Mai Hoa
Khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Mai Hoa

Cũng theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Văn Dũng, các cấp, các địa phương, đơn vị cần bám và tập trung giải quyết tốt những khâu yếu, điểm nghẽn, nút thắt tồn tại lâu nay làm cản trở sự phát triển để tạo động lực phát triển, như cải cách hành chính, công tác cán bộ. Một yếu tố quan trọng để phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên trong các tầng lớp nhân dân thì trước hết phải đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải thực tâm, thực lòng vì người dân, vì doanh nghiệp, từ đó thay đổi phong cách, lề lối làm việc, tạo hiệu quả và sự đồng thuận cao trong xã hội. Ở từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị phải tăng cường kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, khuyến khích, động viên, nuôi dưỡng những nhân tố, điển hình tốt, tránh khuynh hướng có mô hình, điển hình tốt sẵn thì coi như thành quả của mình.

Mai Hoa