Nghệ An: Quy định mới đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ

Phạm Quang Sơn 18/09/2021 13:52

(Baonghean.vn) - Chi bộ là nền tảng của Đảng, là nơi Đảng liên hệ với quần chúng nhân dân và trực tiếp tổ chức triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là hạt nhân chính trị của Đảng ở cơ sở. Chất lượng sinh hoạt của chi bộ là một trong những yếu tố quyết định đến việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ ở cơ quan, đơn vị.

Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên BTV, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy dự sinh họa chi bộ tại huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu: Văn Sô

Quy định có 3 chương, 6 điều

Ngày 15/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TU về quy định đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đây là quy định có ý nghĩa hết sức quan trọng, sẽ giúp chi ủy, bí thư chi bộ có cơ sở để tổ chức sinh hoạt chi bộ đúng quy trình, đúng các bước theo quy định, từ đó tổ chức sinh hoạt chi bộ nghiêm túc hơn, khoa học hơn, bài bản hơn và chất lượng hơn. Thông qua đó giúp đánh giá được năng lực chỉ đạo, điều hành của chi ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ, chất lượng của đội ngũ đảng viên.

Được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ, ngay từ đầu năm 2021, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo tổ chức lấy ý kiến tất cả các tổ chức Đảng, các ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh, tổ chức khảo sát, tham khảo một số tỉnh để nắm bắt những nội dung cần rút kinh nghiệm sau thời gian đã thực hiện tại cơ sở. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã hoàn thiện trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.

Quy định số 08-QĐ/TU, ngày 15/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá chất lượng sinh hoạt gồm có có 3 chương, 6 điều.

Chương I: Những quy định chung, có 2 điều, gồm Điều 1: Phạm vi điều chỉnh; Điều 2: Nguyên tắc đánh giá chất lượng.

Chương II: Nội dung, phương pháp đánh giá, có 3 điều, gồm Điều 3:Về tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ; Điều 4: Phương pháp đánh giá; Điều 5: Sử dụng kết quả đánh giá.

Chương III: Điều khoản thi hành, có Điều 6: Tổ chức thực hiện. phần thứ hai là phần phụ lục Biểu tiêu chí chấm điểm chất lượng sinh hoạt chi bộ thường kỳ và kèm theo 4 phụ lục biểu tiêu chí chấm điểm sinh hoạt chuyên đề kèm theo.

Đối tượng áp dụng quy định nàycho cả sinh hoạt thường kỳ và sinh hoạt chuyên đề đối với chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng bộ bộ phận trong toàn Đảng bộ tỉnh Nghệ An. Nguyên tắc đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ phải được thực hiện nghiêm túc; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất, trung thực, khách quan, công khai, minh bạch.

Chi bộ bản Vinh Tiến, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong hội ý cấp ủy và sinh hoạt chi bộ. Ảnh tư liệu K.L

Đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ được thực hiện thường xuyên, theo quy định: Sinh hoạt thường kỳ mỗi tháng 1 kỳ, sinh hoạt chuyên đề mỗi quý 1 kỳ. Chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức Đảng, cấp ủy và đảng viên hằng năm.

Nội dung tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ (thường kỳ và chuyên đề), theo từng tiêu chí chấm điểm riêng, theo 5 nhóm tiêu chí, mỗi nhóm tiêu chí có số điểm tương ứng, điểm tối đa các tiêu chí là 100 điểm, cụ thể: (1) Công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ: 20 điểm; (2) Tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ: 10 điểm; (3) Tổ chức sinh hoạt chi bộ: 45 điểm; (4) Thực hiện nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt chi bộ: 15 điểm; (5) Chất lượng của các báo cáo và kết luận tại kỳ họp: 10 điểm.

Đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ theo 4 mức

Đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, bằng phương pháp chấm điểm và xếp loại theo 4 mức độ: Loại Tốt: Đạt từ 80 điểm trở lên; loại Khá: Đạt từ 70 đến dưới 80 điểm; loại Trung bình: Đạt từ 50 đến dưới 70 điểm; loại Kém: Dưới 50 điểm.

Cách chấm điểm sinh hoạt chi bộ, tuần tự như sau: Thứ nhất bí thư chi bộ (chủ trì kỳ họp) phân công 1 đồng chí trong chi ủy hoặc thư ký kỳ họp theo dõi diễn biến buổi sinh hoạt chi bộ để chấm điểm.

Thứ hai, sau khi thông qua biên bản sinh hoạt chi bộ, chi ủy thống nhất tổng số điểm được chấm, trao đổi kết quả với đồng chí cấp ủy viên hoặc cán bộ tổ công tác cấp trên (nếu có); chủ trì kỳ họp thông báo số điểm và tự xếp loại cho chi bộ biết; tiến hành biểu quyết thông qua chi bộ về kết quả đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ. Bí thư hoặc phó bí thư chi bộ ký xác nhận vào kết quả chấm điểm sinh hoạt chi bộ.

Thứ ba, sau kỳ sinh hoạt chi bộ, hằng tháng đối với sinh hoạt thường kỳ và hằng quý đối với sinh hoạt chuyên đề (chậm nhất là 5 ngày làm việc), chi bộ nộp 1 bản chấm điểm về đảng ủy cơ sở (riêng chi bộ cơ sở thì nộp về ban tổ chức cấp ủy cấp trên cơ sở), đồng thời lưu 1 bản tại chi bộ. Đảng ủy cơ sở hoặc ban tổ chức cấp ủy cấp trên cơ sở phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi chi bộ, trên cơ sở kết quả thẩm định của đồng chí cấp ủy viên hoặc cán bộ tổ công tác cấp trên (nếu có) tham dự sinh hoạt chi bộ (trong biểu chấm điểm sinh hoạt thường kỳ và sinh hoạt chuyên đề đã có cột thẩm định của cán bộ cấp trên) để tổng hợp kết quả đánh giá chất lượng sinh hoạt của từng chi bộ, cuối năm báo cáo cấp có thẩm quyền để làm căn cứ đánh giá, xếp loại chi bộ, cán bộ và đảng viên.

Kết quả đánh giá chất lượng sinh hoạt là một trong những tiêu chí quan trọng để tự đánh giá, xếp loại chi bộ, xếp loại đảng viên hằng năm.

Quy định mới về mốc thời gian sinh hoạt chi bộ

Mốc thời gian tính kỳ sinh hoạt thường kỳ từ kỳ thứ nhất đến kỳ sinh hoạt cuối cùng trong năm do cấp ủy cấp trên cơ sở quy định, để phù hợp với các loại hình chi bộ và tình hình thực tế của từng năm.

Lãnh đạo xã Hạnh Dịch và Chi bộ, Ban Quản lý bản Vinh Tiến thăm hỏi tình hình sản xuất, đời sống của người dân. Ảnh tư liệu: K.L

Đây là quy định mới chưa có tiền lệ về đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, chính vì thế có một số vấn đề cần quan tâm khi ban hành quy định như: Thêm một thủ tục hành chính đối với chi bộ và cấp ủy các cấp; mức độ trung thực của chi bộ, chi ủy trong việc tự chấm điểm... Đồng thời tham khảo một số tỉnh đã ban hành quy định để đánh giá những ưu điểm, nhược điểm những nội dung cần rút kinh nghiệm và cố gắng khắc phục những bất cập để sau khi ban hành quy định thì đảm bảo thực chất, thiết thực, thuyết phục, sát thực tế, dễ thực hiện ở chi bộ và cơ sở.

Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định, Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy định đến các cấp, hướng dẫn các đơn vị tổ chức quán triệt quy định đến tận chi bộ, đến tận đảng viên; xác định rõ đây là nội dung quan trọng trong sinh hoạt chi bộ mà tất cả các chi bộ phải thực hiện thường xuyên trở thành nền nếp sau mỗi buổi sinh hoạt.


Phạm Quang Sơn