Sáng y đức người thầy thuốc xứ Nghệ trên đất phương Nam

Thành Chung 20/09/2021 08:53

(Baonghean.vn) - Tự nguyện, xung phong đi vào tâm dịch các tỉnh miền Nam, các cán bộ y tế Nghệ An đã nêu gương sáng: vượt qua những khó khăn, vất vả, hiểm nguy, đoàn kết, tuân thủ tốt kỷ luật… hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đẩy lùi dịch Covid-19.

65 ngày đấu tranh cho sự sống

Với bác sĩ Nguyễn Đình Hiệp (công tác Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An; Trưởng đoàn y, bác sĩ chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chống dịch) thì 65 ngày tăng viện, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Trưng Vương là những ngày đấu tranh không ngừng nghỉ, giành giật lấy sự sống, không thể nào quên. Nó như một cuốn phim quay chậm, đầy đủ “sinh, tử”, “hỉ, nộ, ái, ố” và cả gam màu nóng, lạnh… rất nhân văn.

Bệnh viện Trưng Vương. Ảnh NĐH
Bệnh viện Trưng Vương thực hiện điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nặng và nguy kịch. Ảnh: NĐH

Bác sĩ Nguyễn Đình Hiệp kể lại “hành trình” 65 ngày của đoàn cán bộ y tế Nghệ An: Ngày 12/7, đoàn cán bộ y tế Nghệ An xuất phát vào TP.HCM chống dịch, gồm 60 y, bác sĩ – Đây là những cán bộ đã tình nguyện đăng ký, xung phong lên đường. Ai nấy đều hăng hái, quyết tâm cao. Sau khi vào đến nơi, đoàn đã được Sở Y tế TP.HCM phân công về công tác tại Bệnh viện Trưng Vương.

Bệnh viện Trưng Vương vốn là một bệnh viện đa khoa, sau khi dịch bùng phát tại TP.HCM, thì được chuyển đổi công năng để thực hiện điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nặng và nguy kịch. Ở thời điểm, đoàn vào nhân công tác thì bệnh viện có 1.000 giường bệnh, cùng 400 cán bộ y, bác sĩ. Bệnh viện nói chung và các y, bác sĩ luôn trong tình trạng quá tải. 60 cán bộ y tế Nghệ An được phân bổ về các khoa phòng. Tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh nhân và số y, bác sĩ được bố trí tương ứng.

Bệnh viện. Ảnh NĐH
Đoàn cán bộ y tế Nghệ An nhanh chóng nhập cuộc, làm việc theo ca kíp, tham gia điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Ảnh: NĐH

Đoàn cán bộ y tế Nghệ An nhanh chóng nhập cuộc, làm việc theo ca kíp, tham gia điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Bệnh nhân vào, trở nặng liên tục. Ai cũng như ai, các y, bác sĩ bị cuốn vào công việc, làm việc liên tục, cao độ, nỗ lực hết sức để cứu sống bệnh nhân. Một kíp trực gồm 2 bác sĩ, 4 -5 điều dưỡng phải chăm lo, điều trị cho từ 60-80 bệnh nhân… Gần như mọi người phải “vắt chân lên cổ” trong suốt ca trực của mình.

Những ngày đầu mới vào thực hiện nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân ở Bệnh viện Trưng Vương, các y, bác sĩ Nghệ An gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ trong công việc khi chưa quen với môi trường công tác cũng như với tính chất công việc. Cụ thể đó là việc phải mặc đồ bảo hộ suốt ngày hết sức khó chịu, gây tổn thương da, mất nước và điện giải, mất sức dẫn đến ngất xỉu. Tiếp đó, ở Bệnh viện, số lượng bệnh nhân nguy kịch, tử vong rất lớn.

Bệnh viện. Ảnh NĐH
Trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Trưng Vương nhiều nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo Covid-19. Ảnh: NĐH

Theo bác sĩ Hiệp: Chứng kiến bệnh nhân trở nặng, tử vong nhiều, trong đoàn ai cũng bị stress, sốc về mặt tâm lý. Mỗi người bị sốc ở một mức độ khác nhau. Có thành viên thay đổi cách nói năng, hành vi một cách “vô thức”. Có người đã bị trầm cảm - rất may, đoàn đã sớm nhận ra và giúp nhau thực hiện các liệu pháp tâm lý, tư tưởng để sớm trở lại công việc.

Trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Trưng Vương, sự rủi ro là điều không thể tránh khỏi. Đã có rất nhiều nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo Covid-19, trong đó có 4 y, bác sĩ Nghệ An. Trong cả quá trình điều trị của 4 y, bác sĩ, các thành viên đoàn và Sở Y tế thường xuyên quan tâm, động viên, chia sẻ, thăm hỏi nên ý chí quyết tâm chiến thắng dịch bệnh rất cao. Cả 4 y, bác sĩ đều hết sức kiên cường, tuân thủ tốt quá trình điều trị, hồi phục nhanh chóng và sớm quay lại “chiến tuyến” cùng các đồng đội của mình.

Các cán bộ y tế Nghệ An đã làm việc hết sức, cống hiến hết mình với tinh thần kỷ luật và hiệu quả công tác cao. Ảnh: NĐH
Các cán bộ y tế Nghệ An đã làm việc hết sức, cống hiến hết mình với tinh thần kỷ luật và hiệu quả công tác cao. Ảnh: NĐH

Một khó khăn khác còn là ăn uống không hợp khẩu vị nên những ngày đầu sức khỏe của các thành viên trong đoàn có giảm sút. Tuy nhiên, mọi người sớm vượt qua, thích nghi, hòa nhập, dần quen với công việc, để rồi làm việc hết sức, cống hiến hết mình với tinh thần kỷ luật và hiệu quả công tác cao. Điều này đã được lãnh đạo Bệnh viện Trưng Vương, Sở Y tế và Thành ủy TP.HCM hết sức ghi nhận, biểu dương.

Xác định rõ tâm thế là cán bộ y tế tình nguyện, tăng cường chống dịch trong 1 thời gian nhất định nên các y, bác sĩ Nghệ An đã xung phong làm việc liên tục không ngưng nghỉ. Sự làm việc liên tục đó nhằm “chia lửa” cho các y, bác sĩ là người địa phương có thêm thời gian nghỉ đệm (làm việc 4 tuần thì được nghỉ 2 tuần), đáp ứng yêu cầu chống dịch lâu dài ở TP.HCM.

Ngoài việc “chia lửa” cùng đồng nghiệp, các y, bác sĩ Nghệ An còn đồng hành với người dân thành phố Hồ Chí Minh phòng chống dịch Covid-19. Tận dụng 1-2 ngày nghỉ đêm quý giá, các y bác sĩ Nghệ An đã tranh thủ “cắt” thời gian rảnh rỗi của mình để đi hiến máu nhân đạo, đi về các quận. huyện để khám sức khỏe, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân, cũng như tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện khác.

Bệnh viện. Ảnh: NĐH
Đoàn cán bộ y tế Nghệ An đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đánh giá cao. Ảnh: NĐH

Sau 65 ngày, đêm cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Trưng Vương “chiến đấu” với dịch Covid-19, các y bác sĩ Nghệ An đã góp phần giúp cho nhiều bệnh nhân nặng khỏi bệnh, hồi phục sức khỏe; góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM từng bước khống chế, kiểm soát dịch Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Đình Hiệp cho biết: So với thời điểm mới vào, bây giờ tình hình dịch ở TP.HCM đã có sự khác biệt rất lớn. Số bệnh nhân giảm dần, bệnh viện cũng bớt phần quá tải.

Trở lại Nghệ An sau 65 ngày đáng nhớ ở TP.HCM, hiện nay 60 cán bộ y tế đang thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày, rồi tiếp tục cách ly tại nhà thêm 7 ngày. Khi mà sức khỏe ổn định, các chỉ số xét nghiệm an toàn, họ lại trở về đơn vị cũ tham gia điều trị cho bệnh nhân và chống dịch ở tỉnh nhà. Bác sĩ Hiệp cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục lên đường khi có yêu cầu, khi dịch Covid-19 đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân”.

Sớm ngày chiến thắng khải hoàn ca

Bệnh viện Dã chiến số 4 tỉnh Bình Dương đặt tại huyện Bầu Bàng. Ảnh NTT
Bệnh viện Dã chiến số 4 tỉnh Bình Dương đặt tại huyện Bầu Bàng. Ảnh: NTT

Tăng viện cho các địa phương trong cả nước chống dịch, tỉnh Nghệ An đã cử 270 cán bộ y tế tham gia các đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ. Ở thời điểm này, Nghệ An có 141 y, bác sĩ đang tiếp tục đồng hành cùng các tỉnh miền Nam chống dịch, trong đó có “tâm dịch” tỉnh Bình Dương…Đoàn cán bộ y tế Nghệ An tăng viện cho tỉnh Bình Dương gồm có 60 người, đến từ 20 đơn vị y tế trong tỉnh; xuất phát vào Bình Dương chống dịch vào ngày 28/7/2021.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Tuấn (công tác Trường Đại học Y khoa Vinh; Trưởng đoàn y, bác sĩ chi viện cho tỉnh Bình Dương chống dịch) cho biết: Ngay sau khi đến Bình Dương, đoàn đã được phân công về thực hiện nhiệm vụ điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 4 tỉnh Bình Dương đặt tại huyện Bầu Bàng từ cuối tháng 7/2021 cho đến nay. Cũng trong tình hình chung, công tác phòng chống Covid-19 ở đây gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng các y, bác sĩ đều quyết tâm cao, thực hiện tốt nhiệm vụ.

Có khoảng 3.000 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 4. Ảnh: NTT
Có khoảng 3.000 bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 4. Ảnh: NTT

Bệnh viện Dã chiến số 4 tỉnh Bình Dương đặt tại 01 nhà xưởng lớn của một công ty. Nhà xưởng này vừa được hoàn thành, chưa đưa vào hoạt động thì được dùng làm bệnh viện dã chiến. Số bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị ở Bệnh viện luôn dao động trên dưới 3.000 bệnh nhân. Trong đó có khá nhiều bệnh nhân diễn biến nặng, phải thở oxy. Tổng số y bác sĩ ở bệnh viện là 75 người (gồm 60 y bác sĩ Nghệ An và 15 y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Bầu Bàng); chia làm 3 ca, 4 kíp (mỗi kíp 15-20 người) điều trị cho bệnh nhân.

Phải nói rằng: Hoạt động điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 4 tỉnh Bình Dương hết sức khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế. Đơn cử như cả bệnh viện chỉ có 60-80 nhà vệ sinh, sử dụng chung cho cả 3.000 bệnh nhân, nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo. Do lượng bệnh nhân quá lớn nên nguồn nước sinh hoạt, nước uống cung ứng cũng rất khó khăn. Số lượng nhân viên y tế ít nên các y bác sĩ phải làm việc với công suất, cường độ rất lớn…

Lượng bệnh nhân lớn, các y bác sĩ hết sức vất vả thực hiện nhiệm vụ điều trị, giúp đỡ bệnh nhân. Ảnh: NTT
Lượng bệnh nhân lớn, các y bác sĩ hết sức vất vả thực hiện nhiệm vụ điều trị, giúp đỡ bệnh nhân. Ảnh: NTT

Điều kiện sinh hoạt của đoàn y bác sĩ Nghệ An ở huyện Bầu Bàng cũng rất vất vả. Khi Bầu Bàng là huyện mới thành lập, trên địa bàn không hề có một khách sạn, nhà nghỉ nào. Đoàn đã phải tạm trú tại một trường mầm non trên địa bàn… Ở thời điểm đoàn vào nhận nhiệm vụ, mỗi ngày Bình Dương ghi nhận từ 4.000 - 5.000 người nhiễm mới/ngày và ở đỉnh dịch ngay sau đó con số này lên tới 8.000 - 9.000 người nhiễm mới/ngày. Chứng kiến sự tàn khốc của dịch tác động tới đời sống xã hội, con người, nhiều y bác sĩ của đoàn cũng đã sốc, lo sợ bị lây nhiễm… nhất là những cán bộ nữ có con nhỏ.

Ở Bệnh viện, các cán bộ y tế Nghệ An là nhân lực chính thực hiện nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: NTT
Ở Bệnh viện, các cán bộ y tế Nghệ An là nhân lực chính thực hiện nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: NTT

Tiến sĩ, bác sĩ Tuấn chia sẻ: Giữa tính chất công việc vất vả, điều kiện sinh hoạt nhiều thiếu thốn, tâm lý “xao động, anh em trong đoàn đã cố gắng, không ngừng động viên nhau cố lên, khắc phục mọi khó khăn, điều trị tốt cho bệnh nhân. - “Anh em mình vào đây với tinh thần tình nguyện, chống dịch như chống giặc thì không có lý nào chùn bước, phải cố lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thức ăn khó ăn thì mình trao đổi với bệnh viện nhờ Sở Y tế Bình Dương, Nghệ An liên hệ quán của người Nghệ Tĩnh nấu giúp cho vừa khẩu vị; mua thêm thức ăn ngoài để tăng chất dinh dưỡng”.

Một cán bộ y tế Nghệ An tranh thủ chợp mắt giữa giờ nghỉ ngay tại Bệnh viện dã chiến. Ảnh: NTT
Một cán bộ y tế Nghệ An tranh thủ chợp mắt giữa giờ nghỉ ngay tại Bệnh viện dã chiến. Ảnh: NTT

“Thực hiện nhiệm vụ, chúng ta phải chú ý bảo vệ mình không được để lây nhiễm chéo. Cuộc sống bệnh nhân ở Bệnh viện Dã chiến còn khó khăn hơn chúng ta vậy nên chúng ta cần cố gắng làm tốt việc điều trị, giải thích, động viên họ cùng san sẻ, vượt qua đại dịch. Mỗi cán bộ cần làm việc nhiệt tình, năng nổ hơn; phải luôn ứng trực 24/24h kịp thời giúp đỡ, giải đáp thắc mắc. Chúng ta cần mềm mỏng, thông cảm, sẻ chia để bệnh nhân có thái độ tích cực, hợp tác…” – Đoàn đã thống nhất và quán triệt như vậy.

Sự quan tâm động viên kịp thời của Sở Y tế Nghệ An, các đơn vị y tế, cùng sự đoàn kết, giúp đỡ, yêu thương nhau của các cán bộ trong đoàn đã giúp cho mọi người lên tinh thần rất nhiều. Các cán bộ y tế Nghệ An đã vững tin, tràn đầy nhiệt huyết lao vào cuộc chiến với Covid-19 để điều trị tốt cho bệnh nhân, bảo vệ an toàn cho bản thân trước nguy cơ lây nhiễm chéo.

Hẹn ngày chiến thắng trở về. Ảnh: NTT
Hẹn ngày chiến thắng trở về. Ảnh: NTT

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Tuấn khẳng định: Theo thống kê, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 ở Bình Dương chỉ là 0,9% trên tổng số bệnh nhân, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung và các tỉnh khác. Điều này đã phần nào chứng minh hiệu quả điều trị, công tác của đoàn…Ngày (18/9) số bệnh nhân ở Bệnh viện Dã chiến số 4 khỏi bệnh là 600 người và ngày hôm nay cũng vậy. Số lượng bệnh nhân vào ít hơn số bệnh nhân khỏi bệnh đã cho thấy tình hình dịch ở Bình Dương bắt đầu được kiểm soát, đỉnh dịch đã qua. Ngày Bình Dương chiến thắng dịch đã cận kề, đoàn cán bộ y tế Nghệ An đang hết sức cố gắng vì mục tiêu đó. Ngày khải hoàn, chúng tôi sẽ trở về!

Thành Chung