Nghệ An đổi mới và sáng tạo trong hỗ trợ, xúc tiến đầu tư

Nguyễn Hải 21/09/2021 19:30

(Baonghean.vn) - Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động sâu sắc đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Trong bối cảnh đó, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An (NAPC) đã chủ động tiếp cận, đổi mới, sáng tạo để vừa hoàn thành khối lượng nhiệm vụ đề ra và từng bước thích ứng, chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới.

Khó khăn thách thức chưa có tiền lệ

Bước vào năm 2021 mặc dù xác định tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 sẽ còn nhưng không ai nghĩ đến tình hình ảnh hưởng nặng nề hơn thế.

"Trước đây, bình quân mỗi tháng Trung tâm thường tư vấn hỗ trợ cho 2-3 nhà đầu tư FDI và hàng chục dự án trong nước, nhưng bước sang năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế đều bị tạm hoãn hoặc chuyển hình thức hoạt động, không nhiều nhà đầu tư FDI đến được Việt Nam và Nghệ An nói riêng. Cơ hội để Nghệ An giới thiệu, tiếp thị các ngành nghề lợi thế, cần thu hút đầu tư ra thị trường và các đối tác bị giảm thiểu ở mức thấp nhất".

Ông Bùi Duy Đông - Giám đốc Trung tâm NAPC

Chủ động sản xuất 3 tại chỗ ở khu công nghiệp VSIP. Ảnh: Trân Châu
Chủ động sản xuất "3 tại chỗ" ở Khu công nghiệp VSIP. Ảnh: Trân Châu

Về phía các nhà đầu tư, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các nhà đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã phải thay đổi lại chiến lược sản xuất, kinh doanh. Thay vì tìm kiếm cơ hội tại các diễn đàn đầu tư lớn, các nhà đầu tư FDI tìm kiếm cơ hội đầu tư thông qua kênh trực tuyến hoặc các dự án, nhà đầu tư đến trước.

Tại diễn đàn thu hút đầu tư vào Nghệ An, các nhà đầu tư Đài Loan chia sẻ khó khăn lớn nhất hiện nay trong tìm kiếm địa điểm đầu tư là khó tiếp cận và thiếu thông tin thực địa, quy định phòng dịch của nước nào cũng nghiêm ngặt. Tại Việt Nam, do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin còn thấp nên càng khó hơn. Trong khi đó, các nhà đầu tư Đài Loan biết Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng về hạ tầng bất động sản và nhân lực lao động, tỉnh luôn cam kết đồng hành với nhà đầu tư nên nổi lên là một trong những địa chỉ ưu tiên lựa chọn.

Trên thực tế, từ giữa năm 2020, nhận thấy bối cảnh thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến mới, cạnh tranh trong thu hút đầu tư FDI ngày càng gay gắt nên tỉnh đã có những chỉ đạo để chuyển hướng linh hoạt hơn. Theo đó, cùng với thành lập Trung tâm NAPC, Nghệ An tận dụng công nghệ phần mềm và chuyển đổi số từng bước đổi mới NAPC từ tổ chức tiếp xúc theo chiều rộng là mở hội nghị, giới thiệu gặp mặt định kỳ sang xúc tiến theo chiều sâu, có trọng tâm chuyên đề hoặc đối tác; cam kết đồng hành với nhà đầu tư doanh nghiệp từ khi tiếp xúc hình thành ý tưởng/dự án đầu tư cho đến triển khai đầu tư, thuê đất, lắp đặt thiết bị nhà xưởng và cuối cùng là đi vào sản xuất, kinh doanh và đưa sản phẩm ra thị trường.

Khu công nghiệp VSip Hưng Nguyên đáp ứng tiêu chí xanh, sạch và hiện đại sẽ có sức hút lớn với doanh nghiệp đầu tư lớn. Ảnh: Nguyễn Hải
Khu công nghiệp VSIP Hưng Nguyên đáp ứng tiêu chí xanh, sạch và hiện đại sẽ có sức hút lớn với doanh nghiệp đầu tư lớn. Ảnh: Nguyễn Hải

Chủ động vượt khó, tạo đột phá

Đại dịch Covid-19 khiến các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tiếp quốc tế và trong nước tạm thời bị ngưng trệ, nhưng cũng xuất hiện một trạng thái mới là các sự kiện xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến ra đời. Khởi đầu là cuộc làm việc, trao đổi trực tuyến giữa tỉnh với các nhà đầu tư nội địa, vào giữa tháng 5, tỉnh Nghệ An và Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần đầu tiên tổ chức hội nghị trực tuyến về xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư Đài Loan vào Nghệ An. Tiếp đó, được sự kết nối của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quán, Nghệ An còn tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến với các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam và hội nghị trực tuyến kết nối, mời gọi các nhà đầu tư từ vùng Trung Đông vào Việt Nam.
Song song với đó, tỉnh cũng tiếp tục giữ liên lạc với các nhà đầu tư khác để hỗ trợ, hướng dẫn các đầu tư làm hồ sơ dự án, đảm bảo tiến độ đề ra, khi dịch được khống chế và chuyển sang trạng thái bình thường mới thì có thể triển khai ngay.

Ngoài các phần việc trên, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các nhà đầu tư mới khó vào khảo sát tìm hiểu nên Nghệ An ưu tiên giải pháp hỗ trợ tư vấn tại chỗ để các nhà đầu tư đã vào Nghệ An có kế hoạch mở rộng, nâng quy mô dự án. Lợi thế của tư vấn tại chỗ là nhà đầu tư thông thạo thủ tục nên việc điều chỉnh nâng công suất, mở rộng dự án đầu tư nhưng thủ tục vô cùng thuận lợi. Tiêu biểu là một số dự án lớn ở Nghệ An như Goertek Vina, sau khi hoàn thành thủ tục đầu giai đoạn 1 đã quyết định nâng công suất dự án đầu tư lên gấp đôi. Công ty Hoàng Thịnh Đạt sau khi hoàn thành cơ bản tiếp quản dự án hạ tầng KCN Hoàng Mai 1, đang xúc tiến đầu tư KCN Hoàng Mai 2.

Ông Bùi Duy Đông – Giám đốc NAPC

Mặt bằng KCN Hamejai Nghi Lộc giai đoạn 1 đã được đầu tư cơ bản và đang trông chờ Nhà đầu tư thứ cấp. Ảnh: Nguyễn Hải
Mặt bằng KCN Hemaraj Nghi Lộc giai đoạn 1 đã được đầu tư cơ bản và đang trông chờ nhà đầu tư thứ cấp. Ảnh: Nguyễn Hải

Từ năm 2020 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, số dự án mới không nhiều nhưng số các dự án mở rộng, điều chỉnh nâng quy mô vốn tăng nhanh. Ngoài thu hút được dự án đầu tư FDI 200 triệu USD của Tập đoàn Ju Teng (Đài Loan) và xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Hoàng Mai 1 (dự kiến cuối tháng 9 sẽ trao Chứng nhận đầu tư), 8 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã cấp mới cho 62 dự án, điều chỉnh 95 dự án với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 13.789,76 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2020, số lượng dự án tăng 19%, tổng mức đầu tư tăng 3,33 lần.

Bên cạnh thu hút đầu tư FDI, để tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại và du lịch, cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh làm việc và ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Airline giai đoạn 2021-2025 và dành cho nhau các ưu đãi, hỗ trợ nhau trong quảng bá, phát triển du lịch. Hiện nay, tỉnh đã làm việc với Ngân hàng Mitsui Sumitomo Nhật Bản; đồng thời kết nối, hỗ trợ các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn SunGroup, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang, Tập đoàn Zuru (New Zealand)… đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các thủ tục đầu tư vào Nghệ An như đã cam kết với tỉnh.

Từ đầu tháng 5 đến nay, do bị giãn cách xã hội nên tiến độ công việc, dự án không thể triển khai theo kế hoạch, Trung tâm NAPC chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp, làm việc với các huyện, thị xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về xúc tiến thu hút đầu tư cũng như thương mại, du lịch. Sở dĩ Trung tâm phải tranh thủ thời gian giãn cách để cập nhật, hoàn thiện hồ sơ, dữ liệu xúc tiến đầu tư là vì một trong những bất cập thu hút đầu tư của tỉnh ta là hồ sơ dự án mới dừng lại ở khâu tiếp cận các bản đồ quy hoạch và quy hoạch sử dụng đất chung do các sở, ngành cung cấp.

Sửa chữa ô tô tại Cụm công nghiệp Nghi Lộc. Ảnh: Nguyễn Hải
Sửa chữa ô tô tại Cụm công nghiệp Nghi Lộc. Ảnh: Nguyễn Hải

Để khắc phục các hạn chế trên, Trung tâm đang cố gắng phân công theo hướng mỗi cán bộ phụ trách dự án từ đầu đến cuối. Khi tiếp cận, xúc tiến đầu tư phải nắm vững thông tin, hồ sơ từng khu vực dự định mời gọi để nhà đầu tư hỏi đến đâu, cán bộ công chức phụ trách dự án có thể giải đáp ngay. Chẳng hạn nếu là nhà sản xuất các linh kiện, thiết bị cồng kềnh, siêu trường siêu trọng thì phải tư vấn chọn vị trí đầu tư gần cảng biển hoặc nơi có hạ tầng giao thông không bị giới hạn về trọng lượng, chiều cao. Ngược lại, nếu dự án cần nhiều nhân công thì phải giới thiệu địa điểm gần tiếp giáp với khu đông dân cư khu vực nông thôn; nếu nhà đầu tư muốn thuê nhân lực tại chỗ để xây dựng nhà xưởng thì hồ sơ tư vấn phải có đơn giá nhân công, giá nguyên nhiên vật liệu thi công chủ chốt để nhà đầu tư tham khảo trong quá trình lập dự án.

Ông Bùi Duy Đông - Giám đốc Trung tâm NAPC

Tin rằng, với cách thức chủ động tiếp cận, hỗ trợ nhà đầu tư như trên, chắc chắn nhà đầu tư sẽ hài lòng và Nghệ An sẽ ghi điểm để trở thành một trong những địa điểm ưu tiên lựa chọn đầu tư để quyết định đầu tư dự án.

Nguyễn Hải