'Lật tẩy' nhiều vụ thuê ô tô đem cầm cố ở Nghệ An

Đặng Nguyễn 29/09/2021 06:46

(Baonghean.vn) - Lợi dụng sự sơ hở của chủ các cơ sở kinh doanh cho thuê ô tô tự lái, nhiều đối tượng sau khi thuê đã mang đi cầm cố, thế chấp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Dù chiêu trò này không mới, song vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh bị “sập bẫy”.

Trong nhiều vụ án liên quan đến thuê xe ô tô rồi đem cầm cố xảy ra trên địa bàn tỉnh đã được Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử, có thể kể đến phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Anh Tuấn (SN 1985), trú xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” diễn ra ngày 27/7.

anh
Đặng Anh Tuấn tại phiên tòa. Ảnh tư liệu: Kim Long

Theo cáo trạng, ngày 10/2/2020, do cần phương tiện đi buôn gỗ nên Tuấn đến một công ty trên địa bàn TP. Vinh, gặp giám đốc tên L. thuê 1 chiếc xe ô tô bán tải nhãn hiệu Ford Ranger (được định giá 550 triệu đồng) để vào Đắk Nông. Hai bên làm hợp đồng thuê xe với nội dung: Thời gian thuê 20 ngày, với giá 800.000 đồng/ngày.

Ngày 29/2, hết thời hạn thuê xe, anh L. gọi điện cho Tuấn yêu cầu trả xe và thanh toán tiền xe. Do làm ăn thua lỗ, chưa có tiền thanh toán nên Tuấn xin gia hạn thêm 1 tháng và được chủ cho thuê xe đồng ý. Trong thời gian này, vì muốn có tiền mua gỗ để trả nợ nên Tuấn đã cầm cố chiếc xe trên cho một người tên A. với số tiền 129 triệu đồng, thời hạn 1 tháng.

Đến hẹn trả tiền cho anh A. và bị anh L. liên tục yêu cầu trả xe và tiền thuê xe nên Tuấn nảy sinh ý định cầm cố chiếc xe ô tô trên cho một người khác. Ngày 10/5, thông qua anh A. Đặng Anh Tuấn đã nói dối và cầm cố chiếc xe ô tô cho chị H. để lấy 150 triệu đồng. Số tiền có được Tuấn trả nợ cắm xe gần hết, số còn lại tiêu xài cá nhân. Đến lịch hẹn nhưng không có khả năng trả nợ nên Tuấn bỏ trốn. Anh L. sau đó đã làm đơn tố giác hành vi của Đặng Anh Tuấn đến cơ quan công an.

Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Tuấn khai vì buôn gỗ thua lỗ nên mới nảy sinh ý định cắm xe ô tô để lấy tiền chứ ban đầu thuê xe không có ý định đó. Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật và tuyên phạt bị cáo Đặng Anh Tuấn 8 năm tù.

anh
Một điểm cho thuê xe ô tô trên địa bàn TP.Vinh. Ảnh tư liệu: Quang An

Có thể thấy, xuất phát từ nhu cầu của người dân, các cơ sở cho thuê xe tự lái mọc lên ngày càng nhiều. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng TP. Vinh đã có trên 20 cơ sở kinh doanh cho thuê xe tự lái. Tuy nhiên, không ít cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này còn khá chủ quan, ít quan tâm đến lý lịch của khách, hình thức quản lý còn lỏng lẻo. Vì vậy, đã tạo ra những kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng thuê xe để cầm cố diễn ra ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi.

Theo chủ một cơ sở kinh doanh cho thuê xe ô tô, đối với khách quen thì thủ tục thuê xe đơn giản, còn với khách lạ, khi đến liên hệ thuê xe ô tô tự lái, người thuê thường để lại chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu, xe máy hoặc một số tiền để làm tin.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc này không ngăn được các rủi ro khi các loại giấy tờ trên có thể là giả, hoặc tài sản, số tiền để lại chẳng thấm vào đâu so với giá trị chiếc xe. Đáng nói, tiếp tay cho các đối tượng sau khi thuê xe mang đi cầm cố, thế chấp, đó là hiện nay tại nhiều tiệm cầm đồ, thủ tục thế chấp có phần dễ dãi, có khi không cần biết nguồn gốc tài sản mà chỉ thông qua tự định giá rồi cho vay...

anh
Giá cho thuê xe ô tô tự lái tại một cơ sở trên địa bàn TP.Vinh. Ảnh tư liệu: Quang An

Thượng tá Trần Đức Thân - Trưởng Phòng cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Nghệ An) cho biết: Việc thu hồi tài sản trong các vụ việc này không ít khó khăn, vì hầu hết các xe ô tô đã bị tháo định vị, đem đi cầm cố ở nhiều nơi hoặc bán.

Đơn cử như chuyên án bắt 4 đối tượng, thu giữ 6 chiếc xe ô tô, 12 loại giấy tờ giả gồm CMND, Đăng ký xe ô tô, Giấy phép lái xe ô tô… vào đầu tháng 9/2021.

Quá trình điều tra cho thấy, từ cuối tháng 4/2021, các đối tượng trên đã bàn bạc, thống nhất đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách lên mạng tìm mua các loại giấy tờ tùy thân giả để thuê xe ô tô tự lái. Chúng đóng giả làm giám đốc các doanh nghiệp xây dựng, sử dụng các loại giấy tờ giả gồm CMND, Giấy phép lái xe, rồi mang đến các cơ sở kinh doanh xe ô tô tự lái trên địa bàn TP. Vinh, huyện Quỳnh Lưu để làm hợp đồng thuê xe.

Sau khi thuê được xe, các đối tượng tiếp tục mua và sử dụng giấy tờ giả như Đăng ký xe ô tô, Giấy chứng nhận kiểm định, tất cả đều mang tên các đối tượng để đi cầm cắm và bán tại các tiệm cầm đồ và hộ dân ở các tỉnh Nghệ An, Lạng Sơn, Hải Dương, mỗi xe các đối tượng bán, cầm cố từ 200 triệu đồng đến 600 triệu đồng.

“Đây là ổ nhóm tội phạm hoạt động với thủ đoạn tinh vi, địa bàn rộng lớn, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, tuy nhiên, đơn vị đã tập trung lực lượng đấu tranh thành công chuyên án, hiện đã thu hồi 6 xe ô tô các loại, chứng minh các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 3 tỷ đồng”- Thượng tá Trần Đức Thân cho hay.

anh
Chuyên án bắt 4 đối tượng, thu giữ 6 chiếc xe ô tô, 12 loại giấy tờ giả gồm CMND, Đăng ký xe ô tô, Giấy phép lái xe ô tô… vào đầu tháng 9/2021. Ảnh tư liệu: Đức Vũ

Như vậy, có thể thấy việc thuê xe rồi đem cầm cố dù đây là chiêu trò không mới, song vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh bị “sập bẫy”. Bởi vậy, để không trở thành những nạn tiếp theo, các cơ sở kinh doanh cho thuê xe ô tô tự lái phải nêu cao tinh thần cảnh giác.

Trước tiên, cần phải xác định rõ lai lịch của người thuê xe cùng với đó là mục đích, phương án sử dụng, lịch trình, không nên giao xe cho đối tượng đáng nghi. Phương tiện cho thuê phải được đảm bảo bằng tài sản đặt cọc ngang giá, đi kèm với đó là các giấy tờ cần thiết, có hợp đồng ràng buộc quyền, nghĩa vụ giữa các bên theo quy định pháp luật.

Kỹ càng hơn, cần ký kết hợp đồng thuê tại cơ quan công chứng, nơi có nghiệp vụ kiểm tra giấy tờ nhân thân cũng như thể hiện sự xác nhận hai bên một cách rõ ràng trong nội dung hợp đồng. Đồng thời, cùng với việc gắn giám sát hành trình trên xe, trong quá trình cho thuê xe, chủ xe cần thường xuyên trao đổi thông tin với người thuê xe để biết được hiện trạng của xe. Nếu nghi ngờ có dấu hiệu gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, chủ xe kịp thời báo với cơ quan công an nơi gần nhất để ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tùy theo hành vi, tính chất, mức độ phạm tội mà người thực hiện hành vi thuê xe rồi mang cầm cố có thể bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174, Bộ luật Hình sự) hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 175, Bộ luật Hình sự). Thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của 2 tội này hoàn toàn khác nhau. Hình phạt quy định với tội lừa đảo nặng hơn so với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Đặng Nguyễn