Nghệ An tiến tới xây dựng trường mầm non cho con em công nhân

Nguyễn Thị Thu Nhi 01/10/2021 11:12

(Baonghean.vn) - Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An vừa có Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND thông qua chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập.

Đây là chính sách nhân văn, thiết thực đang nhận được nhiều sự quan tâm của tổ chức công đoàn, doanh nghiệp (DN) và đặc biệt là người lao động làm việc tại các khu công nghiệp.

CHÍNH SÁCH ĐƯỢC MONG CHỜ

Chị Thu Hà - công nhân Công ty CP May Minh Anh Kim Liên (Khu công nghiệp Bắc Vinh) cho hay, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập giảm khiến đời sống của gia đình chị gặp nhiều khó khăn. Vào đầu năm học, chị thường phải xoay xở để có tiền mua sách, vở, đồng phục và đóng tiền học phí cho con. Vì thế, khi nghe tin có chính sách hỗ trợ con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) trong thời điểm này, chị Thu Hà lại thấy càng thêm có ý nghĩa với người lao động trong các KCN. “Tôi mong rằng chính sách này sẽ sớm được thực hiện để công nhân được chia sẻ một phần chi phí gửi trẻ, giúp chúng tôi có cuộc sống ổn định hơn”, chị Thu Hà chia sẻ.

Nhu cầu gửi trẻ của công nhân lao động tại các khu công nghiệp là rất lớn. Ảnh: PV

Chị Nguyễn Thị Mai - công nhân Công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam (KCN Nam Cấm) cho biết: “Tôi có 2 con (cháu đầu học tiểu học và một cháu học trường mẫu giáo tư thục ở xã Khánh Hợp (Nghi Lộc) với mức học phí gần 1,5 triệu đồng/tháng/cháu. Hiện mức lương bình quân của tôi 5 triệu đồng/tháng, chồng làm nghề tự do, thu nhập không cố định, vì thế cuộc sống của gia đình tôi cũng “bấp bênh”. Nay có chính sách hỗ trợ cho con công nhân, chúng tôi rất phấn khởi vì những khó khăn của người lao động đã được Đảng và Nhà nước “san sẻ”, hỗ trợ một phần học phí hàng tháng cho con. Tôi mong muốn, tổ chức công đoàn, doanh nghiệp cũng như địa phương hỗ trợ chúng tôi làm thủ tục, để con công nhân nhanh chóng được hưởng chính sách này”.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH VietGlory (Diễn Châu) Trương Thị Thanh cho biết: “Doanh nghiệp hiện có 300 lao động, trong đó, lao động nữ chiếm 90%. Chính sách hỗ trợ con công nhân, người lao động (NLĐ) 160.000 đồng/trẻ/tháng rất thiết thực, đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng và nhu cầu của NLĐ. Khi biết được thông tin này, đa số lao động nữ có con nhỏ và sắp lập gia đình đều rất phấn khởi. Cùng với sự quan tâm của tổ chức công đoàn, DN và các cấp, các ngành, tôi mong rằng con em công nhân sẽ được đến trường đi học, được nuôi dạy trong môi trường tốt; đời sống NLĐ sẽ ngày càng được cải thiện và nâng cao”.

Công ty TNHH VietGlory (Diễn Châu) phấn khởi trước chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập cho con công nhân lao động. Ảnh: PV

Ông Phạm Hồng Vinh - Giám đốc Công ty CP ICEM (KCN VSIP) cho biết: “Đời sống của NLĐ hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là thời điểm dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân công, khiến thu nhập của người lao động bị giảm sút, do vậy, chính sách này là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, tác động rất lớn đến mặt tinh thần của NLĐ. Từ đó, NLĐ sẽ có thêm động lực để làm việc tốt, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất”.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kha Văn Tám trò chuyện, chia sẻ với những thiếu thốn của công nhân tại nhà trọ
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kha Văn Tám trò chuyện, chia sẻ với những thiếu thốn của công nhân tại nhà trọ. Ảnh: PV

Theo Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam Trần Thị Nguyệt, thời gian qua, Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình để chăm lo con công nhân lao động như: Tổ chức Tết Trung thu, ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), trại hè cho con CNLĐ, khen thưởng con công nhân có thành tích cao trong học tập. Các hoạt động tặng sách, quà… vừa động viên, hỗ trợ trong việc học tập, rèn luyện cũng như chia sẻ với NLĐ để chăm lo tốt cho các cháu. Ở nhiều công đoàn cơ sở đã thương lượng thành công với DN có chính sách hỗ trợ lao động nữ nuôi con nhỏ mỗi tháng có thêm khoản phụ cấp từ 50.000-150.000 đồng/tháng/trẻ.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của NLĐ trong KCN là chưa có doanh nghiệp, đơn vị nào đầu tư xây dựng trường mầm non để nuôi dạy, giáo dục con công nhân lao động với mức học phí thấp. Nguyên nhân là do không có quỹ đất, kinh phí hạn hẹp, khi quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp thường không dành quỹ đất cho xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân lao động.

CẦN MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG

Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó có chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, NLĐ làm việc tại khu công nghiệp. Đối tượng hưởng chính sách là trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là CN, NLĐ đang làm việc tại các KCN được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định. Trẻ em thuộc đối tượng trên được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn đến với con em người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: PV
Có thể nói, đây là một chính sách nhân văn, hỗ trợ kịp thời cho con công nhân, người lao động, đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, nhiều anh, chị em công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp thì băn khoăn “Cũng là con công nhân lao động, nhưng con em của họ chưa được hưởng?”.

Ông Nguyễn Thanh Xuân - Giám đốc Công ty CP Môi trường tổng hợp Hà Nội (Nghi Lộc) cho rằng: Cùng là con công nhân, người lao động nhưng chỉ có trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp được thụ hưởng chính sách này thì chúng tôi e ngại rằng con em của công nhân làm việc ở ngoài khu công nghiệp sẽ có nhiều thiệt thòi, chưa công bằng.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu Phạm Đức Cường cho hay, trong bối cảnh đời sống NLĐ còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc hỗ trợ cho con em công nhân là rất cần thiết, giúp họ giải quyết nhu cầu gửi con, yên tâm làm việc. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ con công nhân nên được nhân rộng cho cả con công nhân, NLĐ làm việc trong doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp để họ được hưởng những phúc lợi tốt từ chính sách này. Hiện trên địa bàn huyện Diễn Châu có khoảng 450 DN lớn, nhỏ và vừa hoạt động, nhưng số lượng DN nằm ngoài KCN, cụm công nghiệp chiếm khoảng 80%. Vì vậy, nhiều lao động làm việc ngoài KCN cũng đang trông chờ vào chính sách hỗ trợ này.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Chí Công bày tỏ sự đồng thuận, chính sách hỗ trợ con công nhân; NLĐ và giáo viên mầm non làm việc trong các cơ sở dân lập, tư thục đang trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm lớp có từ 30% trẻ em là con CNLĐ làm việc tại khu công nghiệp của tỉnh Nghệ An, thực hiện trong thời điểm này mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm hỗ trợ kịp thời cho con công nhân, NLĐ, đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thực tế, hiện thu nhập của NLĐ vẫn còn thấp, bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, đời sống còn nhiều khó khăn. Thu nhập hằng tháng phải chi nhiều khoản để trang trải, trong đó có chi phí chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục con cái. Vì vậy, chính sách nhân văn này là giải pháp kịp thời, cần thiết nhằm chia sẻ khó khăn với NLĐ làm việc tại các KCN. Thế nhưng, việc hỗ trợ chỉ tập trung vào một số đối tượng nhất định là con công nhân, người lao động làm việc ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, chưa đáp ứng được mong muốn trong thực tiễn. Hy vong thời gian tới con công nhân lao động làm việc ở các doanh nghiệp đều được hưởng chính sách ưu việt này.

Công đoàn Nghệ An đặc biệt quan tâm đến các chính sách hỗ trợ người lao động. Ảnh: PV

Tính đến tháng 12/2020, có 102.914 trẻ đang học mầm non tại 8 huyện, thành, thị có khu công nghiệp, cụm công nghiệp (Hưng Nguyên, Nam Đàn, Tân Kỳ, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hoàng Mai, Cửa Lò và thành phố Vinh). Trong đó, số trẻ học tại các trường mầm non công lập là 84.075 trẻ, tư thục là 18.542 trẻ và dân lập là 317 trẻ. Số trẻ đủ điều kiện đề nghị hưởng chính sách quy định tại Khoản 1, Điều 8, Nghị định 105 là 597 cháu, tỷ lệ 3,22%.

Nguyễn Thị Thu Nhi