Động lực cho sự phát triển rừng bền vững ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Được sự chỉ đạo và ủng hộ của các cấp, các ngành liên quan, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) đã thực hiện chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng một cách đồng bộ và đạt kết quả tốt, đáp ứng kịp thời việc xã hội hóa phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng của Nghệ An.
Đảm bảo đúng, đủ, kịp thời
Thời gian qua, mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid - 19 và thời tiết diễn biến phức tạp, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của Quỹ BVPTR Nghệ An, đã thường xuyên bám sát kế hoạch, nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội đồng quản lý Quỹ, Sở Nông nghiệp & PTNT và thường xuyên đôn đốc các đơn vị đã ký hợp đồng ủy thác kê khai, nộp tiền DVMTR, nên Quỹ thực hiện tốt nhiệm vụ thực thi Chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Người dân nhận tiền chi trả DVMTR. Ảnh tư liệu: Nguyễn Nhung |
Quỹ BVPTR đã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá, thường xuyên cập nhật tình hình thực hiện chi trả tiền DVMTR thông qua chế độ báo cáo định kỳ, công tác kiểm tra thực tế hiện trường và kết hợp cập nhật dữ liệu vào hệ thống khung giám sát đánh giá (do Quỹ tỉnh đã xây dựng).
Thường xuyên đôn đốc các chủ rừng là tổ chức, Tổ chức chi trả cấp huyện thực hiện tốt các nội dung liên quan đến chính sách chi trả DVMTR như: Công tác tuyên truyền, chi trả tiền DVMTR đúng, đủ, kịp thời đến các đối tượng được thụ hưởng (từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ đã chi trả cho các chủ rừng và các hoạt động BVPTR hơn 82 tỷ đồng); tăng cường công tác tuần tra BVR, PCCCR; hướng dẫn chủ rừng sử dụng tiền DVMTR đúng mục đích, có hiệu quả.
Quỹ đã thực hiện nghiêm công tác xác định số lượng, chất lượng rừng cung ứng DVMTR.Thời gian qua, Quỹ đã tổ chức 16 đợt kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác trồng rừng thay thế, công tác bảo vệ rừng, chi trả tiền DVMTR tại một số dự án, chủ rừng là tổ chức, Tổ chức chi trả cấp huyện. Kiểm tra kết quả trồng, chăm sóc rừng trồng thay thế của các dự án được hỗ trợ, đầu tư từ nguồn kinh phí chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Xác định diện tích rừng chi trả DVMTR ở Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Nguyễn Nhung |
Qua kiểm tra thực địa và cập nhật thông tin nhiều chiều, Quỹ đã phát hiện, báo cáo và loại bỏ một số khối lượng thực hiện chưa đảm bảo như: khai thác trái phép tại xã Mai Sơn, huyện Tương Dương; sai trạng thái rừng so với nghiệm thu cơ sở tại huyện Tương Dương, Con Cuông, cần điều chỉnh bản đồ chi trả do điều chỉnh địa giới hành chính tại xã Thạch Giám, huyện Tương Dương; xã Quế Sơn, Mường Nọc, huyện Quế Phong…
Cùng với việc tiếp tục duy trì, vận hành hệ thống giám sát đánh giá DVMTR, Ban Điều hành Quỹ còn phối với Ban Kiểm soát Quỹ thực hiện việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các chủ rừng là tổ chức, tổ chức chi trả cấp huyện (Hạt Kiểm lâm huyện) đối với thực hiện chính sách chi trả DVMTR.
Quá trình thực thi chính sách chi trả DVMTR luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An, Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ, các Sở ngành liên quan, Sở Nông nghiệp & PTNT và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, các chủ rừng, sự đồng thuận cao của người dân làm cho Chính sách chi trả DVMTR thực sự đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả
Hoàn thiện bản đồ chi trả DVMTR
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian qua là triển khai xây dựng bản đồ chi trả DVMTR (theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018), được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành, đơn vị liên quan Quỹ đã và đang tập trung việc triển khai xây dựng bản đồ chi trả DVMTR.
Họp trực tuyến đánh giá hiện trạng việc thực hiện hoạt động giám sát đánh giá và xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Nhung |
Tuy nhiên do triển khai trên địa bàn rộng, địa hình phức tạp, khối lượng công việc nhiều và nguồn kinh phí quản lý của Quỹ tỉnh hạn chế, nên chưa thể trong thời gian 1 năm bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện đồng bộ cùng lúc trên địa bàn toàn tỉnh, do đó, Quỹ bố trí kinh phí thực hiện theo tiến độ hàng năm (đã được UBND tỉnh phê duyệt).
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay Quỹ đã hoàn thiện việc xây dựng bản đồ chi trả DVMTR cho các chủ rừng nhóm I (hộ gia đình, cộng đồng thôn/bản, UBND xã) với diện tích 230.000 ha. Hiện tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đang phối hợp với các bên liên quan để xây dựng bản đồ chi trả DVMTR đối với phần diện tích còn lại của các chủ rừng nhóm II (chủ rừng là tổ chức), dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2021.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 và thực hiện giãn cách xã hội, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách chi trả DVMTR gặp khó khăn. Mặc dù vậy, Quỹ đã thực hiện đa dạng hóa các phương thức truyền thông nhằm phù hợp với tình hình thực tế như xây dựng phóng sự, tuyên truyền trực tuyến, tuyên truyền qua tác phẩm âm nhạc.
Ảnh chụp từ vệ tinh một lô rừng xác đinh do phát rẫy. |
Nhằm nâng cao năng lực, chất lượng công tác kiểm tra giám sát, vừa qua Ban quản lý dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC)” phối hợp Ban quản lý các dự án lâm nghiệp tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm đánh giá hiện trạng việc thực hiện hoạt động giám sát đánh giá và xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Nghệ An.
Ông Dương Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cho hay: “Cuộc họp trực tuyến có sự tham gia của: Đại diện Ban quản dự án Trung ương; Đại diện cán bộ nhà thầu dự án; Đại diện Ban quản lý dự án tỉnh; Đại diện lãnh đạo và cán bộ liên quan Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng rừng tỉnh; Đại diện lãnh đạo và cán bộ liên quan Chi cục Kiểm lâm. Tại cuộc họp, Lãnh đạo và cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã trao đổi về hoạt động Giám sát đánh giá và xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh. Ban quản lý dự án cũng xác định các nhu hỗ trợ Quỹ tỉnh liên quan đến chi trả DVMTR nhằm xây dựng phương án, kế hoạch hoạt động trong thời gian tới”.