Tuân thủ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

KL 05/10/2021 08:45

(Baonghean.vn) - Lợi dụng tự do ngôn luận, thời gian gần đây, một số cá nhân đã có hành vi đăng tải, tán phát tin, bài, hình ảnh có nội dung vu khống, bịa đặt, bôi nhọ danh dự, uy tín người khác, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cán bộ, chính quyền trên mạng xã hội

Nhiều trường hợp vi phạm

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thời gian qua đã có một bộ phận không nhỏ “cư dân mạng”, nhất là giới trẻ do thiếu kiến thức, nhận thức pháp luật nên đã có hành vi nói xấu, bôi nhọ, đưa tin sai sự thật gây tổn hại nghiêm trọng uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, không ít trường hợp cố tình chia sẻ những thông tin mang tính chất vu khống, bịa đặt, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác với ý đồ cá nhân.

N.V.H trú tại xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn bị công an triệu tập làm việc liên quan đến việc đăng tải bình luận kích động, đe dọa, xúc phạm danh dự cán bộ lên mạng xã hội Facebook. Ảnh tư liệu cẩm phu
N.V.H trú tại xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn bị công an triệu tập làm việc liên quan đến việc đăng tải bình luận kích động, đe dọa, xúc phạm danh dự cán bộ lên mạng xã hội Facebook. Ảnh tư liệu: Cẩm Phú

Mới đây ngày 23/9/2021, Công an xã Thạch Sơn (Anh Sơn) đã tiến hành triệu tập, làm việc với trường hợp N.V.H (SN 1972), trú tại địa phương liên quan đến việc đăng tải bình luận kích động, đe dọa, xúc phạm danh dự cán bộ lên mạng xã hội Facebook.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an xã Thạch Sơn phát hiện tài khoản Facebook có tên “Hong Nguyen” đăng tải bình luận nội dung xúc phạm, đe dọa cán bộ xã Thạch Sơn. N.V.H khai nhận: Do nhận thức về việc sáp nhập trường học không đầy đủ, bị kích động nên đã đăng tải bình luận với nội dung trên. Sau khi làm việc với cơ quan Công an, N.V.H đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, đăng bài xin lỗi và cam kết không tái phạm.

Tương tự ngày 31/7/2021, ông H.Đ.Q (SN 1952, trú tại xóm Trường An, xã Nghi Trường, Nghi Lộc) đã sử dụng Facebook cá nhân H. H đăng tải thông tin sai sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của 01 cán bộ UBND huyện. Sau khi bị Công an huyện Nghi Lộc triệu tập lên làm việc về hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook đưa thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Ông H.Đ.Q thừa nhận hành vi sai phạm, cam kết không tái phạm, gỡ bài đăng, đồng thời xin lỗi cá nhân bị bôi nhọ, xúc phạm.

Ông H.Đ.Q trú tại huyện nghi lộc viết cam kết không tái phạm hành vi dùng facebook để bôi nhọ, xúc phạm cán bộ huyện. Ảnh tư liêu CANL
Ông H.Đ.Q trú tại huyện nghi lộc viết cam kết không tái phạm hành vi dùng Facebook để bôi nhọ, xúc phạm cán bộ huyện. Ảnh tư liêu: CANL

Trước đó, ngày 27/10/2020, Công an huyện Đô Lương công bố quyết định của Giám đốc Công an tỉnh xử phạt hành chính đối với Lê Anh Thắng trú tại xã Giang Sơn Tây 7,5 triệu đồng vì hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức trên mạng xã hội”.

Trước đó, vào lúc 22h ngày 15/10/2020, tài khoản Facebook có tên Le Thang leanhthang có đăng tải một số thông tin phản ánh sai sự thật, vu khống xúc phạm uy tín của lực lượng Công an nhân dân. Sau đó, Lê Anh Thắng thừa nhận tài khoản Facebook nêu trên là của mình và bản thân trực tiếp đăng tải nội dung sai sự thật bằng điện thoại di động cá nhân.

Thực tế, không chỉ trên Facebook cá nhân mà truy cập vào các trang hội nhóm cũng không khó để bắt gặp những hình ảnh, thông tin bôi nhọ, đấu tố, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức.

Chưa rõ thực hư thế nào nhưng những nội dung này lại thu hút rất nhiều lượt chia sẻ và bình luận. Chị N.T.H một công chức trên địa bàn thành phố Vinh từng rơi vào tình huống “dở khóc, dở cười” khi phát hiện trên trang một hội chợ có status tố chị nợ tiền chưa trả. Ảnh trong status được lấy từ Facebook cá nhân của chị, vì người đăng dùng nick ảo nên chị H chỉ còn cách chụp lại chia sẻ bịa đặt đó và đăng trên trang cá nhân của mình để bảo vệ bản thân.

Khoản 1, Điều 20, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm…”. Điều 34, Bộ luật Dân sự 2015 cũng khẳng định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là quyền nhân thân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

Mọi hành vi “nói xấu”, bôi nhọ người khác trên trang mạng xã hội mang tính chất bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác là vi phạm pháp luật và cần được xử lý nghiêm.

Xử lý nghiêm

Luật An ninh mạng năm 2018 đã quy định rất rõ các hành vi bị cấm về an ninh mạng. Trong đó có việc cấm thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Trong đó, yêu cầu các tổ chức, cá nhân chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Những hành vi lợi dụng mạng xã hội nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân, tùy theo mức độ vi phạm, tính chất của hành vi sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì cá nhân lợi dụng MXH để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (Điểm a, Khoản 1, Điều 101) và cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác (Điểm g, Khoản 3, Điều 102) bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Ngoài ra, tại Điểm a, Khoản 3, Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập MXH quy định: phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Về trách nhiệm hình sự, việc sử dụng mạng xã hội được coi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội làm nhục người khác và có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm được quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

Còn hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt không đúng sự thật, bằng nhiều hình thức khác nhau như: Sao chép làm nhiều bản gửi đi cho nhiều người qua message (tin nhắn), đăng status (trạng thái), comment (lời bình) trên Facebook... có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" theo Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Phiên tòa xét về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Phiên tòa xét xử Phan Công Hải về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ảnh nhóm PV

Riêng hành vi xúc phạm, bôi nhọ cán bộ trên MXH, ngoài xử lý hình sự về tội làm nhục người khác còn có thể bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ (theo Điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015) bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 7 năm.

Hành vi lợi dụng mạng xã hội xúc phạm, bôi nhọ chính quyền cũng có thể bị xử lý hình sự theo các tội như: làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 117) bị phạt tù từ 5-20 năm; tội phá rối an ninh (Điều 118) bị phạt tù từ 5-15 năm; tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331) bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm…

Đối tượng Nguyễn Duy Hướng trú tại huyện Yên Thành sử dụng tài khoản facebook có tên “Bảo kiếm” để đăng tải nhiều nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân. Ảnh tư liệu Đức Vũ
Đối tượng Nguyễn Duy Hướng trú tại huyện Yên Thành sử dụng tài khoản Facebook có tên “Bảo kiếm” đăng tải nhiều nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân. Ảnh tư liệu: Đức Vũ

Trên thực tế thời gian qua, ở Nghệ An đã có một số đối tượng thường sử dụng không gian mạng để đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, chống phá, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương.

Hoặc lợi dụng những sự kiện nhạy cảm để viết bài, đăng tải, chia sẻ hình ảnh, bài viết có nội dung nói xấu chính quyền, bôi nhọ, xúc phạm hoạt động của cơ quan công quyền, xúc phạm người thực thi nhiệm vụ bị xử lý. Điển hình như Nguyễn Duy Hướng, SN 1987, trú tại huyện Yên Thành; Nguyễn Văn Lâm, SN 1970, trú tại phường Đông Vĩnh, TP. Vinh; Phan Công Hải, SN 1996, trú tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc; Trần Đức Thạch, SN 1952, trú tại xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu; Nguyễn Quang Vinh, SN 1981, trú tại phường Hưng Bình, TP. Vinh…

Bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng trong triển khai các biện pháp theo dõi, quản lý chặt thông tin trên internet, không gian mạng; kịp thời phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Mỗi tổ chức, công dân cần tuân thủ bộ quy tắc, hình thành thói quen ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội. Đồng thời, nắm chắc các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị người khác bôi nhọ danh dự, uy tín trên mạng xã hội.

Theo Khoản 4, Điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

KL