Nghệ An: Hàng chục hộ dân sống dưới ‘miệng tử thần’ mòn mỏi chờ tái định cư

Tiến Hùng - Mỹ Hà 09/10/2021 08:45

(Baonghean.vn) - Bị ảnh hưởng bởi sạt lở núi từ 1 năm trước, hàng chục hộ dân ở xã Châu Khê (Con Cuông) đến nay vẫn chưa thể đến nơi ở mới. Cứ mỗi lần mưa lớn, cán bộ xã lại phải đến từng nhà vận động đi sơ tán.

Vết nứt bí ẩn

Ngày đầu tháng 10, sau khi nghe dự báo thời tiết có mưa lớn diện rộng, một đoàn cán bộ xã Châu Khê (Con Cuông), lại vội vã chạy vào bản Bủng Xát cách trụ sở chừng 5km. Họ chia nhau đến từng nhà để vận động người dân đi sơ tán, trước nguy cơ quả núi sạt xuống, vùi lấp hàng chục căn nhà. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng hợp tác. “Bởi vì họ cũng quá mệt mỏi rồi. Vì mỗi lần sơ tán không phải chuyện đơn giản”, một cán bộ xã Châu Khê thường xuyên đi vận động người dân sơ tán nói.

Vết nứt đang ngày càng lớn sau 1 năm. Ảnh: Tiến Hùng
Vết nứt đang ngày càng lớn sau 1 năm. Ảnh: Tiến Hùng

Bản Bủng Xát là bản người Thái sinh sống lâu đời bên dòng khe Choăng. Những năm gần đây, họ bị kẹt giữa 2 đập thủy điện. Xuôi về hạ du chừng 8 km là đập Thủy điện Chi Khê, còn ngược lên phía trên tầm 5 km là Thủy điện Suối Choăng. Sau khi có thủy điện, mực nước khe Choăng dâng cao, hàng loạt hộ dân sống ở phía dưới đã phải di dời đến khu tái định cư mới.

Mọi chuyện vẫn yên bình với các hộ dân ở lại, cho tới một ngày cuối tháng 10/2020. Sau những tiếng nổ lớn, đất đá từ trên núi đổ xuống ào ào. Bà con trong bản chỉ biết hô hoán nhau tháo chạy trong đêm mưa. Tất cả, không ai kịp mang theo chút tài sản nào. Họ phải sang tá túc nhà người thân gần đó. Đến sáng hôm sau, khi trời đã tạnh, người dân trở về kiểm tra mới hốt hoảng vì vết nứt bí ẩn treo lơ lửng trên đầu hàng chục hộ dân.

17 nhà dân nằm ngay phía dưới sẽ bị vùi lấp nếu quả núi không may đổ sập xuống. Ảnh: Mỹ Hà
17 nhà dân nằm ngay phía dưới đứng trước nguy cơ bị vùi lấp nếu quả núi không may đổ sập xuống. Ảnh: Mỹ Hà

Vết nứt nhiều đoạn sâu khoảng 2m, rộng 1m chạy theo hình vòng cung dài hơn 200m, xé toạc triền núi, nguy cơ đổ ào xuống bản, làng phía dưới bất cứ lúc nào. Khu vực này vốn là cánh rừng tre do người dân trồng từ nhiều đời nay. Theo ước tính của lãnh đạo xã Châu Khê, lượng đất, đá bị tách rời hoàn toàn khỏi triền núi khoảng 500.000m3. Nếu mưa tiếp, nguy cơ sẽ đổ ập xuống, không chỉ cuốn luôn cả 17 nhà dân mà cả tuyến đường nhựa cũng dễ bị cuốn phăng xuống lòng hồ thủy điện.

Chính vì thế, thời điểm đó xã Châu Khê phải cắt cử lực lượng an ninh túc trực ở vết nứt suốt nhiều tháng. Nhóm này có nhiệm vụ quan sát vết nứt để cảnh báo người dân gần đó cũng như người qua đường. Còn 17 hộ dân nằm trong nguy cơ bị ảnh hưởng cao nhất được yêu cầu đi lánh nạn ở nhà người thân.

Vết nứt xé toạc triền núi. Ảnh: Tiến Hùng
Vết nứt xé toạc triền núi. Ảnh: Tiến Hùng

Về nguyên nhân của vết nứt, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra một kết luận nào. Tuy nhiên, theo người dân bản Bủng Xát, nguyên nhân xuất phát từ các đập thủy điện. “Chúng tôi nằm kẹt giữa 2 thủy điện, mực nước dâng cao khiến thay đổi kết cấu đất đá, gây ra các vết nứt”, một người dân bản Bủng Xát nói.

Tái định cư nằm trên giấy

Bà Lộc Thị Diễn (63 tuổi, bản Bủng Xát) nói rằng, bà cũng không thể nhớ nổi đã phải đi sơ tán bao nhiêu đợt trong suốt 1 năm qua. “Đợt đầu tiên, sau khi xuất hiện vết nứt thì phải đi lánh nạn suốt 2 tháng. Từ đó đến nay, cứ mưa lớn là cán bộ đến yêu cầu phải đi sơ tán, khoảng 5 hay 6 đợt gì đấy. Mỗi lần đi khoảng 1 tuần mới được về, có khi mưa kéo dài thì nửa tháng”, bà Diễn tặc lưỡi nói.

Bà Diễn bên căn nhà sàn nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Ảnh; Mỹ Hà
Bà Diễn bên căn nhà sàn có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Mỹ Hà

Chồng mất sớm, con cái làm ăn ở xa, bà Diễn sống một mình trong căn nhà sàn khá rộng rãi trên triền núi. Tuy nhiên, kể từ khi vết nứt xuất hiện, căn nhà của bà dần nằm miệng “hà bá”, chỉ cách vực sâu còn vài chục cm. “Sống ở đây ai cũng nơm nớp lo sợ, nhưng cứ đi sơ tán mãi cũng không được. Cũng làm phiền người thân, họ hàng”, bà Diễn nói và cho hay, mỗi lần mưa lớn bà phải dắt theo tài sản lớn nhất là con trâu đực, đến tá túc nhà một người chú. Nhưng cứ trời tạnh, bà lại trốn cán bộ về để kiểm tra nhà cửa, vì không phải tài sản nào cũng có thể mang đi lúc sơ tán.

“Nói vậy thôi chứ cứ đi tá túc như vậy cũng khó coi lắm, cũng ngại. Mặc dù mình vẫn thường xuyên góp gạo, mua thức ăn. Nhưng ở vài ngày thì không sao, đằng này ở cả tháng cũng bất tiện”, bà Diễn nói. Cạnh nhà bà Diễn, ông Lộc Văn Hùng (70 tuổi), nói rằng gia đình ông cũng quá mệt mỏi vì cảnh liên tục phải tháo chạy mỗi khi trời mưa. Ông Hùng là thương binh, hai vợ chồng già còn phải nuôi thêm một người con tật nguyền. Vì thế, gia cảnh cũng rất khó khăn. Cũng như bà Diễn, ông Hùng mong muốn sớm được chuyển đến nơi ở mới, để không còn phải nơm nớp lo sợ và đến nhà họ hàng ở nhờ nữa.

Một ngôi nhà bị sạt lở uy hiếp. Ảnh: Tiến Hùng
Một ngôi nhà bị sạt lở uy hiếp. Ảnh: Tiến Hùng

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay sau khi xuất hiện vết nứt, UBND huyện Con Cuông đã có Tờ trình gửi UBND tỉnh về chủ trương di dời khẩn cấp các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở bản Bủng Xát. Nhận được tờ trình, UBND tỉnh có văn bản giao các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xem xét phối hợp với địa phương kịp thời giải quyết.

Không chờ được dự án, 2 hộ dân đã phải tự tìm đất di dời nhà cửa. Ảnh: Mỹ Hà
Không chờ được dự án, 2 hộ dân đã phải tự tìm đất di dời nhà cửa. Ảnh: Mỹ Hà

UBND huyện Con Cuông sau đó đã lập dự án xây dựng di dời khẩn cấp các hộ dân vùng thiên tai sạt lở đất tại bản Bủng Xát với tổng mức đầu tư dự kiến 20 tỷ đồng. Theo đó, có 2 phương án: Phương án 1, sắp xếp chỗ ở ổn định đời sống cho 17 hộ di dời tại nơi ở cũ nếu sau khi xử lý vùng sạt lở đảm bảo an toàn, ổn định lâu dài. Phương án 2, sắp xếp chỗ ở ổn định đời sống cho 17 hộ di dời tại nơi ở mới khu tái định cư tập trung, hoặc xen ghép tùy theo tình hình thực tế tại quỹ đất của địa phương.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng lên phương án xử lý vết nứt. Về việc này, cũng có 2 phương án được đưa ra, phương án thứ nhất là xử lý bằng cách kè đá để giữ đất và tránh hư hỏng đường giao thông. Phương án thứ 2 là dùng mìn cho nổ tung khối đất đá này. Tuy nhiên, đến nay 1 năm đã trôi qua, cả vấn đề bố trí tái định cư cho các hộ dân lẫn xử lý vết nứt vẫn đang nằm trên giấy. Trong khi đó, huyện Con Cuông đã được cấp hơn 600 triệu đồng để xử lý vết nứt này.

Ông Kha Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho biết, chính quyền địa phương rất mong muốn sớm bố trí tái định cư cho những hộ dân này. Trong số 17 hộ dân, có 2 hộ nằm trong diện nguy hiểm nhất đã không chờ đợi được thêm, phải tự tìm đất để di dời. Họ sau đó được bà con trong bản góp vật liệu, ngày công giúp dựng nhà mới. "Bây giờ cứ để vậy dân cũng khổ mà cán bộ cũng khổ. Cứ mỗi lần mưa lại phải chạy, cán bộ lại phải túc trực rồi đi vận động sơ tán. Ai cũng mệt mỏi. Nhưng đến nay chưa xin được chủ trương để tái định cư", ông Thương nói.

Tiến Hùng - Mỹ Hà