Nghệ An khẩn trương triển khai ứng phó bão số 8 một cách đồng bộ, toàn diện, nhanh chóng

Phạm Bằng 13/10/2021 20:34

(Baonghean.vn) - Đánh giá cao những giải pháp mà tỉnh Nghệ An đã triển khai để ứng phó với bão số 8, đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó một cách đồng bộ, toàn diện, nhanh chóng.

Chiều 13/10, đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai do đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An về công tác ứng phó bão số 8.

Thành viên trong đoàn còn có các đồng chí: Trần Quang Hoài – Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai; Doãn Thái Đức - Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động…

Dự buổi làm việc có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Về phía Quân khu 4 có Thiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu.

Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn kiểm tra với lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng
Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn kiểm tra với lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Báo cáo với đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, theo dự báo từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, từ chiều ngày 13 đến ngày 14/10, bão số 8 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Trung Bộ, trọng điểm là Nghệ An và Hà Tĩnh.

Để chủ động phòng, chống bão số 8, Nghệ An đã triển khai các biện pháp với phương châm “4 tại chỗ”, nhằm đảm bảo an toàn cho người, tài sản của nhân dân, các công trình trọng điểm và các cơ sở hạ tầng khác. UBND tỉnh ban hành nhiều công điện về việc chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu báo cáo công tác ứng phó với bão số 8. Ảnh: Phạm Bằng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu báo cáo công tác ứng phó với bão số 8. Ảnh: Phạm Bằng

Tỉnh đã ban hành Công điện cấm tàu thuyền ra khơi từ 0h ngày 10/10 để đảm bảo an toàn cho các ngư dân và tàu thuyền. Hiện nay tỉnh đang chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền khi bão số 8 đổ bộ.

Nghệ An hiện có 2.519 lồng, bè nuôi cá lồng. Tỉnh đã chỉ đạo neo đậu an toàn và tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè khi có bão, mưa lũ. Đối với diện tích lúa Hè Thu - Mùa thì hướng dẫn người dân thu hoạch theo tiêu chí “xanh nhà hơn già đồng”.

Toàn tỉnh Nghệ An có 1.061 hồ đập lớn nhỏ; hiện nay đã có 1.035 hồ đầy nước, 23 hồ đạt trên 70% dung tích thiết kế, 2 hồ đạt khoảng 50-70% dung tích thiết kế; 1 hồ đập còn lại nhỏ hơn 50% dung tích thiết kế. Các công trình hồ đập đều đang được các địa phương, đơn vị triển khai vận hành theo phương án phòng chống thiên tai được phê duyệt. Tuy nhiên, toàn tỉnh đang có 84 hồ ách yếu, xuống cấp, có 5 trọng điểm đê điều xung yếu.

Đoàn công tác kiểm tra ứng phó với bão số 8 tại cảng cá Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu). Ảnh: Phạm Bằng
Để ứng phó với bão số 8, tỉnh đã xây dựng 5 kịch bản sơ tán dân vùng ven biển phòng tránh nước dâng do bão. Hiện nay đang ứng với kịch bản bão cấp 9 kết hợp triều 2 đến 3m, dự kiến phương án di dời tại chỗ: 16.200 người; sơ tán đến chỗ ở khác 2.000 người. Tại vùng miền núi, tỉnh cũng xây dựng phương án di dời dân khi có thiên tai tại 33 vị trí sạt lở đất ảnh hưởng đến 612 hộ /3044 nhân khẩu.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu, hiện nay lực lượng lao động từ miền Nam về quê rất nhiều. Tỉnh phải tiếp nhận và đưa vào các khu cách ly tập trung. Để đảm bảo an toàn cho công dân, tỉnh đã tiến hành rà soát lại các điểm sơ tán như nhà trường, ủy ban, nhà văn hóa... để sơ tán dân, đảm bảo khu cách ly và khu sơ tán tách biệt nhau; ngoài ra còn phải đảm bảo y tế, lương thực thực phẩm để việc sơ tán dân an toàn nhất.

Đồng chí Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Tại buổi làm việc, tỉnh Nghệ An đề xuất, kiến nghị với đoàn 3 nội dung. Sông Lam có lưu vực rất lớn ở nước CHDCND Lào (khoảng 11.200 km2). Vì vậy, tỉnh đề nghị Trung ương tăng cường hợp tác quốc tế trong dự báo thời tiết với nước bạn để cảnh báo sớm. Đồng thời, đề nghị phân cấp tuyến đê Tả Lam đi qua huyện Đô Lương và Thanh Chương (dài 13 km), tuyến đê biển Kim - Hải - Hùng và Trung - Thịnh - Thành (thuộc huyện Diễn Châu với chiều dài 25km) lên đê cấp III.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ Trưởng Nông nghiệp và PTNT xem xét hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng, sửa chữa một số công trình trọng điểm phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh: Sửa chữa trọng điểm xung yếu Yên Xuân Km74+600 - Km78+660, đê Tả Lam, đây là trọng điểm loại I; Đồng ý chủ trương đầu tư Xây dựng Công trình điều tiết nước trên sông Cả và giao cho tỉnh Nghệ An (chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và PTNT) thực hiện dự án.

TIẾP TỤC TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ, TOÀN DIỆN, NHANH CHÓNG

Sau khi nghe ý kiến của các thành viên trong đoàn, trên cơ sở kiểm tra thực tế tại hiện trường, kết luận buổi kiểm tra, đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đánh giá cao những giải pháp mà tỉnh Nghệ An đã triển khai để ứng phó với bão số 8. Đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, nhanh chóng.

đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai  kết luận buổi kiểm tra. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai kết luận buổi kiểm tra. Ảnh: Phạm Bằng

Cho rằng thời gian không còn nhiều vì theo dự báo vào trưa ngày mai (14/10), bão số 8 sẽ tiến vào đất liền, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị tỉnh Nghệ An tăng cường truyền thông để người dân từ miền núi đến vùng trung du, miền biển nắm bắt thông tin kịp thời về xả lũ, lượng mưa... để kịp thời ứng phó. Chủ động kết nối thông tin trong công tác xả lũ, dự báo vùng tác động ở hạ du, đặc biệt là khu vực dân cư, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Các vấn đề này phải khớp nhau trong mọi tình huống.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng yêu cầu tỉnh quản lý chặt chẽ phương tiện tàu thuyền tại các khu neo đậu, không để người dân ở trên tàu, bè nuôi cá. Tại các khu cách ly tập trung những công dân trở về từ miền Nam thì phải có phương án đảm bảo an toàn, nghiêm cấm người dân đi lại trong thời gian bão vào để tránh những hậu quả khó lường.

Các đồng chí lãnh đạo Quân khu 4, tỉnh Nghệ An tham dự buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng
Các đồng chí lãnh đạo Quân khu 4, tỉnh Nghệ An tham dự buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho rằng, Nghệ An có 82 km bờ biển, chịu ảnh hưởng rất lớn từ các cơn bão hình thành từ biển Đông với cường độ, tần suất ngày càng phức tạp, bất thường. Hàng năm, các cơn bão đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh còn phải hứng chịu tình trạng ngập lụt, sạt lở đất ở vùng miền núi.

Trong năm 2020, do thiên tai, toàn tỉnh Nghệ An có 17 người chết, 13 người bị thương, 54 ngôi nhà sập toàn bộ, khoảng 3.300 ngôi nhà tốc mái. Đã có khoảng 10.000 người dân phải sơ tán đến nơi an toàn. Tính sơ bộ, trong năm 2020 Nghệ An thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng do thiên tai gây ra.

Bí thư Tỉnh ủy nêu, trung bình mỗi năm tỉnh Nghệ An chịu tác động từ 8-12 cơn bão, là “chảo lửa, rốn mưa”. Ngoài thiên tai, trong gần 2 năm qua, dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhưng tỉnh đã phải bố trí một nguồn kinh phí rất lớn cho công tác này. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh, tốc độ tăng trưởng đạt 5,31%.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Khẳng định tỉnh Nghệ An luôn chủ động ứng phó để giảm thiểu thiệt hại do cơn bão số 8 gây ra, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh, tỉnh nghiêm túc tiếp thu, lĩnh hội các định hướng, chỉ đạo, trao đổi của đoàn kiểm tra. Tỉnh sẽ bắt tay triển khai những vấn đề này ngay trong đêm nay và ngày mai, trước khi bão số 8 vào đất liền.

Trong đó, đặc biệt là kiểm soát tàu thuyền, phương tiện, người tại khu vực biển, khu vực miền núi. Tỉnh cũng sẽ lưu ý hoàn lưu sau bão, ứng trực 24/24h tại các hồ đập, đê điều xung yếu, xuống cấp, cần thiết thì tiến hành xả lũ kịp thời, bảo vệ các công trình thi công, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, chuẩn bị nhu yếu phẩm cho người dân phòng trường hợp bị bão lũ chia cắt./.

Phạm Bằng