Nghệ An: Những lớp học 'đặc biệt' dành cho học sinh đang mắc kẹt ở vùng dịch

Mỹ Hà 14/10/2021 17:24

(Baonghean.vn) - Mặc dù đang bị “mắc kẹt” ở tâm dịch nhưng các em học sinh vẫn khát khao được đến trường, được đi học. Trong bối cảnh đó, nhiều phương án dạy học đã được các trường học trên địa bàn tỉnh linh hoạt triển khai để tránh thiệt thòi cho học sinh. ​

Những lớp học “ghép”

Từ đầu tháng 10, phụ huynh của em Hồ Phương Uyên - học sinh lớp 8, đang học ở Trường THCS Phan Đăng Lưu - Yên Thành đã có đơn gửi Ban Giám hiệu Trường THCS Lê Mao để xin được học trực tuyến. Trước đó, từ cuối tháng 5/2021, hai mẹ con chị từ Nghệ An vào chơi ở Đồng Tháp và mắc kẹt tại đây nhiều tháng do dịch bùng phát ở các tỉnh phía Nam. Khi năm học mới bắt đầu, gần 1 tháng đầu tiên, Uyên học trực tuyến cùng các bạn trong lớp.

Tuy nhiên, từ khi các trường ở Yên Thành chuyển sang dạy học bằng hình thức trực tiếp, Trường THCS Phan Đăng Lưu đã cố gắng để hỗ trợ học sinh đang ở xa, nhưng Uyên và gia đình đã chủ động liên lạc với một trường đang dạy trực tuyến ở thành phố Vinh để thuận lợi hơn với hình thức học tập trực tuyến. Sau khi biết nguyện vọng của Uyên, Ban giám hiệu Trường THCS Lê Mao đã tạo điều kiện để Uyên vào học cùng với lớp 8D.

Dù ở xa nhưng học sinh Hồ Phương Uyên vẫn lên lớp đầy đủ thông qua hình thức học trực tuyến 2. Ảnh: PV
Dù ở xa nhưng học sinh Hồ Phương Uyên vẫn lên lớp đầy đủ thông qua hình thức học trực tuyến. Ảnh: PV

Mẹ của Phương Uyên, chị Chu Thị Lan Hương cũng là giáo viên dạy môn Ngữ văn tại Trường THCS Văn Thành (Yên Thành). Thời gian qua, mặc dù gia đình chị phải bước vào năm học mới trong một điều kiện rất đặc biệt, nhưng đây thực sự là một kỷ niệm đáng nhớ.

Chia sẻ về điều này, chị Hương cho biết: Đến thời điểm này, chúng tôi đã bị mắc kẹt ở Đồng Tháp gần 5 tháng và đó thực sự là một thời gian rất khó khăn vì liên tục trong nhiều tháng qua, các quy định về giãn cách xã hội thay đổi thường xuyên. Ngay cả gần đây, khi các địa phương đã mở cửa thì việc trở về cũng hết sức vất vả vì tuyến đường quá xa và việc đi lại qua các chốt không dễ dàng. May mắn cho chúng tôi là dù điều kiện rất khó khăn nhưng cá nhân tôi vẫn có thể hoàn thành được công việc thông qua hình thức dạy học trực tuyến. Hai con của tôi, hơn 1 tháng nay chưa được đến trường để học cùng các bạn tại Yên Thành, nhưng các cháu lại có thêm thầy cô mới, bạn mới ở thành phố Vinh và vẫn đang cố gắng từng ngày để theo kịp chương trình.

Giáo viên Trường THCS Lê Mao đang dạy các tiết học trực tuyến. Ảnh: MH.
Giáo viên Trường THCS Lê Mao (TP Vinh) trong một tiết học trực tuyến. Ảnh: MH.

Ở Trường THCS Lê Mao, năm học này có 6 học sinh phải thay đổi điều kiện học tập và viết đơn mong muốn vào học cùng với nhà trường. Trong đó, ngoài những trường hợp như Phương Uyên thì lại có những học sinh nghỉ hè về quê tại thành phố Vinh nhưng sau đó không trở về nhà được vì vướng dịch. Tất cả các trường hợp này đều được nhà trường tạo điều kiện để các em nhập học ở trường và một số trường hợp đã xin học lâu dài cho đến hết năm học.

Năm học này là một năm học đặc biệt với ngành Giáo dục và có khá nhiều tình huống phát sinh. Tuy vậy, để giúp học sinh được theo học đúng với chương trình và kế hoạch năm học, nhà trường tạo mọi điều kiện để các em được thuận lợi khi nhập học ở Trường THCS Lê Mao. Nếu trường hợp nào học sinh chưa làm quen được với trường, lớp hoặc chưa theo kịp với tập thể lớp, chúng tôi giao giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn hỗ trợ thêm cho các em ngoài giờ lên lớp.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thu - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Mao

Trường Tiểu học Long Thành (huyện Yên Thành) năm học này cũng đã tiếp nhận 6 học sinh từ miền Nam trở về quê và mắc kẹt lại, rải đều từ lớp 1 đến lớp 5. Mới nhất là trường hợp 2 anh em Nguyễn Trọng Đức (lớp 5) và Nguyễn Ngọc Bình An (lớp 3) vừa hoàn thành cách ly tập trung.

Trước đó, dịp nghỉ hè, anh em Trọng Đức và Bình An được bố mẹ gửi về quê ở xã Long Thành chơi với ông bà nội ngoại. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát rồi kéo dài tới tận năm học mới 2021-2022. Chưa thể quay trở lại Bình Dương và cũng không để gián đoạn việc học, gia đình đã xin cho 2 con chuyển trường về quê.

Những lớp học trực tuyến sẽ kết nối học sinh ở mọi miền đất nước. Ảnh: MH
Những lớp học trực tuyến sẽ kết nối học sinh ở mọi miền đất nước. Ảnh: MH

Thầy Nguyễn Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Thành cho biết: “Vì điều kiện dịch bệnh nên khi vào năm học mới hồ sơ chuyển trường của 6 học sinh này cũng chưa hoàn thành. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tạo điều kiện để các em nhập học và đến nay các em đã hòa nhập bình thường dù ban đầu có khác biệt về giọng nói, thói quen sinh hoạt"...

“Trường quay” trong lớp học

Từ hơn 2 tuần trở lại đây, hơn 1.500 học sinh ở Trường THPT Diễn Châu 4 đã quay trở lại trường, chuyển từ hình thức dạy học trực tuyến sang trực tiếp. Phương án này là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay nhưng khó khăn lại nảy sinh, bởi hiện tại trường đang còn 36 học sinh đang còn ở phía Nam, chưa thể quay lại trường do dịch Covid-19, trong số đó có 7 học sinh khối 10, 11 học sinh khối 11 và 18 học sinh khối 12.

Giáo viên và học sinh Trường THPT Diễn Châu 3 đang chuẩn chuẩn bị cho một tiết giảng có học sinh học trực tiếp từ xa. Ảnh: MH
Giáo viên và học sinh Trường THPT Diễn Châu 4 đang chuẩn bị cho một tiết giảng có học sinh học trực tiếp từ xa. Ảnh: MH

Trước đó, để duy trì việc học cho các học sinh này, nhà trường đã xây dựng phương án là giao bài tập và đẩy các bài giảng của thầy cô lên hệ thống dạy học trực tuyến cho học sinh học từ xa, nhưng phương án này dường như vẫn chưa đủ và nguy cơ học sinh khó theo kịp chương trình là rất dễ xảy ra, đặc biệt là với học sinh cuối cấp.

Biết được khát khao được đi học của học sinh, ban giám hiệu nhà trường đã nghĩ ra phương án livestream trực tiếp các bài học và kết nối trực tiếp với phầm mềm Zoom để học sinh ở xa có thể theo dõi trực tiếp các tiết học của thầy cô trên lớp.

Tại lớp 12A4, hiện đang có 2 học sinh đang ở lại Bình Dương và Bình Thuận chưa thể về. Tuy vậy, từ khi nhà trường chuyển sang hình thức dạy học trực tiếp dường như các em chưa bỏ buổi học nào. Để có những tiết học diễn ra bình thường với đường truyền ổn định, đầu buổi học, lớp trưởng của lớp 12A4 sẽ cài máy điện thoại vào một chân máy quay và để đối diện với bảng viết của thầy cô. Vào giờ học, giáo viên sẽ bật Zoom và toàn bộ hoạt động của giáo viên sẽ được máy quay lại và học sinh ở xa vẫn có thể theo dõi bình thường như trên lớp.

Vì phải học trong một điều kiện đặc biệt nên với những tiết học này, giáo viên sẽ cố gắng viết chữ to hơn trên mặt bảng và nói chậm hơn. Trong quá trình học, giáo viên và cả những học sinh ở xa vẫn có thể tương tác bình thường và tham gia mọi hoạt động như ở lớp.

Thầy giáo Nguyễn Đức Thái - giáo viên dạy môn Vật lý ở lớp 12A4 chia sẻ: Việc đứng dạy trước camera tuy khác lạ nhưng chúng tôi thích ứng khá nhanh và không ảnh hưởng nhiều đến các tiết học. Những phần nào học sinh chưa hiểu, chúng tôi sẽ trực tiếp trao đổi lại với các em sau giờ học.

Phương tiện để học trực tiếp kết hợp trực tuyến khá đơn giản. Ảnh: MH
Phương tiện để học trực tiếp kết hợp trực tuyến khá đơn giản. Ảnh: MH

Ngoài quay trực tiếp các bài giảng, các giáo viên có học sinh đang phải học trực tuyến từ xa hàng ngày vẫn đẩy những bài giảng lên hệ thống dạy học trực tuyến để học sinh có thể nghe lại bài giảng. Bên cạnh đó, giáo viên cũng thường xuyên giao bài và kiểm tra bài. Với mỗi bậc học, các giáo viên cũng thành lập từng phòng học Zoom riêng để những học sinh đang học trực tuyến và giáo viên có thể trao đổi bài hàng ngày.

Qua hơn 2 tuần học với hình thức này, em Nguyễn An Nhiên - lớp 12A9 cho biết: Khi bị mắc kẹt lại ở Đồng Nai em thực sự lo lắng vì nghĩ rằng mình không thể về kịp năm học mới. Nhưng, nhờ hình thức học trực tuyến mà em vẫn có thể theo dõi được các bài giảng của thầy cô và tin rằng khi được trở lại trường mình vẫn có thể theo kịp chương trình…

Hình thức dạy học của Trường THPT Diễn Châu 4 cũng có thể áp dụng rộng rãi tại nhiều trường học khác, bởi để xây dựng một phòng học trực tuyến này khá đơn giản với một chiếc điện thoại, một chân máy và một chiếc máy tính có kết nối Internet.

Thầy giáo Hồ Trường Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khi nhà trường chuyển sang dạy học trực tiếp, chúng tôi đọc được nỗi lo lắng của những học sinh chưa thể trở lại trường. Sau nhiều phương án được xây dựng chúng tôi thấy phương án này là hiệu quả nhất, vừa kết hợp dạy học trực tiếp, vừa kết hợp dạy học trực tuyến. Quan trọng hơn, chúng tôi muốn những học sinh đang ở xa hiểu rằng dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng các em hãy yên tâm, cố gắng học tập vì thầy cô và nhà trường không muốn bất cứ một học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Tất cả những bài giảng được thu lại đầy đủ để cho các học sinh ở xa có thể tiếp thu kịp thời. Ảnh: MH
Tất cả những bài giảng được thu lại đầy đủ để cho các học sinh ở xa có thể tiếp thu kịp thời. Ảnh: MH

Với hơn 2.000 học sinh Nghệ An đang mắc kẹt tại các tỉnh phía Nam và hơn 1.000 học sinh phía Nam đang mắc kẹt tại Nghệ An, ngành Giáo dục Nghệ An cũng đang có rất nhiều những giải pháp linh hoạt để hỗ trợ các em đến trường.

Như tại huyện Quỳnh Lưu, trước việc đang có hàng chục học sinh của các trường THPT trong huyện đang vướng lại phía Nam, Ban giám hiệu các trường đã tập hợp danh sách và gửi các em sang Trường THPT Quỳnh Lưu 2 để các em cùng học trực tuyến với các lớp khác trong trường (do Trường THPT Quỳnh Lưu 2 vẫn đang dạy học bằng hình thức trực tuyến vì có 1 học sinh F0).

Thầy giáo Vũ Ngọc Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 2 nói thêm: Không chỉ học sinh Quỳnh Lưu mà học sinh thị xã Hoàng Mai, thị xã Thái Hòa cũng được các giáo viên gửi về học với trường chúng tôi. Cá nhân các thầy, cô giáo cũng rất vui bởi từ những lớp học này học sinh dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng có thể đến lớp đầy đủ.

Phương án này cũng có thể áp dụng trong trường hợp các lớp học và các trường học phải tạm dừng học trực tuyến. Như hiện tại, Trường THPT Quỳnh Lưu 1 có gần 70 học sinh của trường là con em xã Quỳnh Hoa (đang thực hiện Chỉ thị 16) và không thể đi học. Nhà trường đã gửi học sinh này vào học trực tuyến với học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 2.

Những cố gắng của các nhà trường, thầy cô đã thực sự làm ấm lòng phụ huynh, học sinh đang ở phương xa. Và đó sẽ là động lực để tiếp thêm niềm tin cho các em và để toàn ngành Giáo dục thực hiện mục tiêu “nghỉ dịch nhưng không nghỉ học”…

Mỹ Hà