Nghệ An đề xuất Quốc hội có cơ chế đặc thù phát triển giáo dục vùng miền núi
(Baonghean.vn) - Làm việc với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Quốc hội cần có cơ chế chính sách đặc thù phát triển giáo dục vùng miền núi, đặc biệt là địa bàn các huyện 30a.
Nghệ An kiến nghị có cơ chế đặc thù phát triển giáo dục miền núi
Chiều 15/10, đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh để khảo sát tình hình thực hiện các chính sách pháp luật và nghị quyết của Quốc hội thuộc lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: Mai Hoa |
Về phía đoàn Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn.
Trực tiếp làm việc với đoàn, phía tỉnh có đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa-Thể thao, Sở Du Lịch.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Du lịch đã báo cáo với đoàn công tác của Quốc hội nhiều vấn đề thực tiễn.
Điểm chung nhất, ở cả 3 lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao và du lịch đều chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, đặc biệt là du lịch gần như “đóng băng”. Song với sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, UBND tỉnh và các sở, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị thích ứng trong từng thời điểm, khu vực, địa bàn.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thái Văn Thành báo cáo tình hình giảng dạy trong điều kiện dịch Covid - 19 ở Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa |
Như ngành Giáo dục và Đào tạo có chủ trương thay đổi hình thức dạy học, vừa trực tiếp, vừa trực tuyến; đồng thời huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ máy tính cho học sinh học tập với hơn 9.000 máy tính được trao tặng, đảm bảo quyền học tập của học sinh và đảm bảo đúng nội dung theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng được quan tâm tiêm vắc-xin cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tiêm vắc-xin mũi 1 và tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cũng khá cao.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao - bà Trần Thị Mỹ Hạnh báo cáo một số hoạt động của ngành. Ảnh: Mai Hoa |
Hoạt động văn hóa - thể thao được chuyển hướng, từ hoạt động nghệ thuật biểu diễn trực tiếp sang xây dựng các chương trình nghệ thuật online, sân khấu online, sân khấu truyền hình; triển lãm, trưng bày online.
Mảng thể thao, tổ chức xây dựng các bài thể dục online phục vụ cho nhân dân tập luyện, nâng cao sức khỏe. Xây dựng tủ sách online, tủ sách lưu động tại khu cách ly, bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.
Giám đốc Sở Du lịch - ông Nguyễn Mạnh Cường trao đổi những khó khăn của ngành trong điều kiện dịch Covid-19. Ảnh: Mai Hoa |
Hoạt động du lịch có nhiều tác động nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, các hoạt động gần như “đóng băng”. Người lao động trong ngành du lịch phần lớn ngừng việc, nghỉ việc và chuyển sang các công việc khác để mưu sinh.
Để đảm bảo hoạt động giáo dục và đào tạo, văn hóa - thể thao; du lịch tiếp tục được triển khai có hiệu quả, đặc biệt đáp ứng yêu cầu trong điều kiện bình thường mới theo chủ trương của Chính phủ, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm huy động mọi nguồn lực để tiêm vắc-xin cho người dân, trước mắt là ưu tiên cho lực lượng hoạt động du lịch, học sinh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long kiến nghị Quốc hội cần có cơ chế chính sách đặc thù phát triển giáo dục vùng miền núi, đặc biệt là địa bàn các huyện 30a. Ảnh: Mai Hoa |
Bên cạnh đó, đề xuất Quốc hội nghiên cứu có cơ chế đặc thù đối với một số lĩnh vực, như cơ chế đặc thù phát triển giáo dục vùng miền núi, nhất là xây dựng các cơ sở bán trú cho các địa bàn thuộc huyện 30a, khắc phục tình trạng nhiều điểm trường trong một xã và mô hình lớp ghép như hiện nay. Hay có cơ chế chính sách phát triết thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là nhà văn hóa khối, xóm, thôn, bản; cơ chế chính sách bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản phi vật thể và di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh…
Cùng với đó là có chính sách ưu tiên nguồn lực cho tỉnh Nghệ An đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; ban hành chính sách vĩ mô hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực cho ngành du lịch sau 2 năm ngừng hoạt động.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa |
Tiếp tục duy trì các hoạt động trong điều kiện bình thường mới
Phát biểu tại cuộc làm việc, thay mặt đoàn công tác của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã ghi nhận sự quyết liệt, bài bản và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Nghệ An thời gian qua.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cũng mong muốn tỉnh Nghệ An và các ngành tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp để đảm bảo tổ chức các nhiệm vụ chính trị ở từng ngành một cách hiệu quả. Trong đó quan tâm nhất là duy trì việc tổ chức dạy học theo hướng linh hoạt, đặc biệt chủ động tháo gỡ các khó khăn phát sinh nhằm đảm bảo hiệu quả và chất lượng trong giáo dục, an toàn cho học sinh.
Đối với hoạt động văn hóa - thể thao, trong điều kiện không tổ chức được các hoạt động bề nổi thì cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao dài hơi có chất lượng hơn.
Đồng tình cao với kịch bản phục hồi du lịch của tỉnh, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cũng lưu ý tỉnh và Sở Du lịch một số vấn đề cần phải tính toán, chủ động, đưa ngành du lịch trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới.
Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh khẳng định sẽ tiếp thu và báo cáo với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu tháo gỡ.