Trung Quốc phong tỏa cả thành phố lớn, Ukraina có ca Covid-19 tử vong cao kỷ lục

Thanh Hảo 27/10/2021 07:00

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 412.000 người dương tính với Covid-19 và hơn 7.200 ca tử vong vì bệnh này.

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 27/10, toàn cầu có khoảng 245,2 triệu người nhiễm và khoảng 4,97 triệu người thiệt mạng vì Covid-19. Số hồi phục đạt trên 222 triệu trường hợp.

Các số liệu cho thấy, Mỹ đối mặt với số ca tử vong tăng cao nhất thế giới trong ngày qua, thêm 1.320 người vào tổng 759.800 nạn nhân xấu số của Covid-19. Nước này cũng dẫn đầu về số ca nhiễm mới trong cùng khoảng thời gian, thêm 61.000 trường hợp vào tổng gần 46,5 triệu người nhiễm.

Trong khi đó, Nga và Ukraina đều hứng kỷ lục mới về số bệnh nhân Covid-19 tử vong trong 24 giờ qua, lần lượt ở mức 1.100 ca và 734 ca. Nguyên nhân được cho là tỷ lệ tiêm phòng thấp.

Ảnh: NDTV
Ảnh: NDTV

Trung Quốc phong tỏa thành phố 4 triệu dân

Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng, Trung Quốc thông báo phong tỏa thành phố Lan Châu thuộc tỉnh Cam Túc, Tây Bắc nước này. Trước đó, Lan Châu ghi nhận 6 trong số 29 ca mắc mới trong cộng đồng trên cả nước hôm 25/10.

Với lệnh phong tỏa, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà trong trường hợp thực sự cần thiết. Các hoạt động ra vào thành phố được kiểm soát nghiêm ngặt, ngoại trừ các trường hợp khám, chữa bệnh và cung cấp hàng hóa thiết yếu.

Tuyên bố của chính quyền thành phố Lan Châu nêu rõ: "Tất cả các cộng đồng dân cư phải thực hiện quản lý khép kín".

Tại Bắc Kinh, nơi ghi nhận 3 ca nhiễm cộng đồng hôm 25/10, các địa điểm du lịch bị hạn chế tham quan, và người dân được khuyến cáo không rời thành phố trừ khi thật cần thiết. Một số khu dân cư trên địa bàn cũng bị phong tỏa. Trước đó, Thủ đô Trung Quốc đã quyết định hủy cuộc thi chạy marathon dự kiến có 30.000 người tham gia.

Kỷ lục số ca tử vong hàng ngày ở Ukraina

Bộ Y tế Ukraina, ngày 26/10, xác nhận 734 ca tử vong trong vòng 24 giờ, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước này. Như vậy, Ukraina đã ghi nhận tổng cộng 64.936 bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi.

Thông tin đáng buồn trên được đưa ra trong bối cảnh chương trình tiêm chủng ở quốc gia 41 triệu dân này diễn ra chậm chạp. Tuy được thoải mái lựa chọn vắc xin để tiêm - Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca hoặc Sinovac, chỉ khoảng 16% dân số Ukraina đã tiêm đủ 2 mũi.

Để ngăn chặn tình hình xấu đi, Chính phủ Ukraina đã siết chặt các hạn chế và yêu cầu người dân phải xuất trình bằng chứng đã tiêm ngừa Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới được đi máy bay, tàu hỏa hoặc xe buýt đường dài.

Thái Lan chưa phát hiện biến thể phụ AY.4.2

Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Khoa học Y tế Supakit Sirilak. Theo ông, biến thể phụ này – còn gọi là Delta Plus – gây lo ngại vì tốc độ lây lan nhanh hơn tới 10-15% so với biến thể Delta thông thường.

Tiến sĩ Supakit cho biết thêm, Viện Nghiên cứu Y khoa của Các lực lượng vũ trang Thái Lan (Afrims) ghi nhận trung tâm của Viện ở tỉnh Kamphaeng Phet hồi tháng 9 đã xác định một nam giới từ tỉnh Ayutthaya đã nhiễm biến thể phụ AY.1 của Delta. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy AY.1 nguy hiểm hơn so với các biển thể phụ Delta thông thường. Bệnh nhân này hiện đã khỏi bệnh và xuất viện.

Theo Tiến sĩ Supakit, 18 biến thể phụ của Delta đã được phát hiện ở Thái Lan và biến thể phụ AY.30 đã được tìm thấy trong hơn 1.000 ca nhiễm.

Số ca nhiễm tăng cao ở Lào

Bộ Y tế Lào thông báo, số ca nhiễm mới ở nước này ngày 26/10 tiếp tục tăng cao và các diễn biến dịch bệnh ở Thủ đô Vientiane vẫn rất phức tạp. Toàn bộ các quận và bản trên địa bàn đều có ca mắc và số điểm thuộc diện nguy cơ cao ngày càng nhiều thêm.

Trong 24 giờ qua, Vientiane ghi nhận số ca cộng đồng tăng vọt và đứng đầu cả nước với 337 trường hợp.

Bộ Y tế Lào cũng vừa công bố mẫu thẻ tiêm vắc xin có tích hợp mã QR cá nhân. Theo đó, việc tích hợp mã QR trên giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 sẽ giúp đảm bảo tính xác thực, dễ theo dõi và thuận tiện trong việc sử dụng ở nước ngoài.

Việc tích hợp mã QR vào thẻ tiêm chủng Covid-19 của Lào được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ, chứa thông tin cá nhân và loại vắc xin được tiêm.

Thanh Hảo