Sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên - nguyên nhân suy giảm lòng tin của Nhân dân
(Baonghean.vn) - Dân chỉ tin Đảng khi Đảng vì dân, “Ý Đảng hợp với lòng Dân”. Cán bộ của tổ chức nào hư hỏng thì niềm tin của Dân với tổ chức đó giảm sút. Đó là một quy luật.
Đảng ta ra đời, đưa lại ruộng đất cho dân cày. Người dân nô lệ thành người tự do, làm chủ đất nước. Đảng lãnh đạo Nhân dân tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ thắng lợi. Dù gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, Nhân dân vẫn tuyệt đối tin Đảng, theo Đảng, bảo vệ Đảng, kể cả hy sinh tính mạng của mình vì Đảng là của Nhân dân, của dân tộc, của đất nước.
Nhớ lại những ngày kết thúc kháng chiến chống Mỹ, được chứng kiến niềm vui khôn tả của đất nước thống nhất; rồi những ngày “lụt Bắc, lụt Nam, máu đầm biên giới/Tay chống trời, tay giữ nước căng gân” - Đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Bên ngoài là sự cấm vận. Bên trong là sự bảo thủ, trì trệ, lúng túng, “ngăn sông, cấm chợ”, lạm phát “phi mã”, “bán trâu, tậu gà” (bán trâu gửi tiết kiệm trong vài năm thì chỉ mua nổi con gà!). Cái thiếu đói khủng khiếp của những 70, 80 của thế kỷ trước không thể quên được! Người dân hoang mang. Mỗi kỳ Đại hội Đảng là một lần dân đón chờ, với kỳ vọng: Sau độc lập, tự do là sẽ có hạnh phúc!
Đến “điểm nút” trong sự thử thách sống còn, chiến đấu với nghèo nàn, lạc hậu, từ những vị “khai quốc công thần” đến những chiến sĩ cộng sản vừa buông tay súng đã vắt kiệt trí tuệ tìm trong lý luận, trằn mình trong thực tiễn cuộc sống, cùng Nhân dân tìm “lối ra”.
Bác Hồ nói chuyện tại buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương (6/2/1953). Ảnh tư liệu |
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi công cuộc kiến thiết đất nước sau chiến tranh “là một cuộc chiến khổng lồ với nghèo nàn lạc hậu” và căn dặn: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.
Người cũng căn dặn: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình,...”.
Từ những tư duy “đêm trước đổi mới”, “khoán chui”, “xé rào”, làm thí điểm,... Đại hội VI thực sự đã đưa lại luồng sinh khí mới. “Cởi trói”, “đổi mới”, “tự cứu mình”,... đã đưa đất nước ra khỏi sự đói nghèo. Sự đổi mới mang tính bước ngoặt, chuyển từ cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đổi mới đường lối đối ngoại đã đưa đất nước ta ra khỏi cơn bĩ cực, giành nhiều thành tựu to lớn, vẻ vang.
***
Còn nhớ, từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập, Đảng ta từng cảnh báo: Bên cạnh luồng gió mát lành sẽ có “ruồi nhặng”, tiêu cực xâm nhập. Nếu không cảnh giác thì sẽ gây ảnh hưởng bất lợi, nguy hiểm.
Kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Vậy mà, chính sự lường trước, cảnh báo trước của Đảng không được thấm nhuần sâu sắc. Chúng ta đã không quản lý, ngăn chặn, điều chỉnh tốt “mặt trái của kinh tế thị trường”. Nhiều cán bộ, đảng viên sa ngã, thoái hóa, biến chất, thậm chí sa đọa, vi phạm pháp luật.
Không thể phủ nhận những việc đã làm được trong công tác xây dựng Đảng. Nhiệm kỳ nào Trung ương cũng có những chủ trương, nghị quyết về xây dựng Đảng. Nhưng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên có xu hướng tăng lên, xấu hơn.
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020. Ảnh tư liệu |
Từ chỗ “có một số đảng viên” suy thoái rồi đến “một bộ phận”, và sau đó là “một bộ phận không nhỏ”, và “trong bộ phận không nhỏ ấy có cán bộ cao cấp”. Nghị quyết của Đảng đã chính thức nhìn nhận tình hình như vậy. Càng ngày càng thấy đó là nhận định đúng, chính xác. Cứ nhìn vào các vụ việc trên các phương tiện thông tin đại chúng nêu thì từ Nam chí Bắc, từ nông thôn, miền núi đến thành thị, từ các ngành quản lý kinh tế đến đảm bảo quốc phòng, an ninh, từ cấp xã đến cấp Trung ương, thậm chí là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị,... đều có cán bộ vi phạm.
Đáng buồn là nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng như vậy nhưng rất ít khi tổ chức Đảng phát hiện được qua sinh hoạt, kiểm tra, giám sát, mà phần lớn là do Nhân dân, báo chí phát hiện. Thậm chí, qua kiểm tra, giám sát đều đánh giá là đảng viên hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, còn tổ chức Đảng thì “trong sạch vững mạnh”, đề xuất khen thưởng.
Tình hình ấy cũng đã nói lên sự suy thoái. Suy thoái do nể nang, né tránh, xuôi chiều hoặc không dám nói lên sự thật!
Nói thẳng thắn là: Về tư tưởng chính trị, lòng tin của Nhân dân và nhiều cán bộ, đảng viên đối với các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã suy giảm. Không ai muốn như vậy, nhưng đó là một thực tế khách quan, không thể né tránh hoặc nói khác được. Phải đối diện với thực tế ấy, hiểu cho đến cùng, tìm ra nguyên nhân, tìm cho ra cách giải quyết hiệu quả nhất. Trước một thực trạng ấy thì chừng nào chúng ta còn che giấu, an ủi, “tô hồng” thì sẽ tiếp tục giảm lòng tin của Nhân dân. Đó là bản lĩnh, là trách nhiệm, là cách tiếp cận khoa học.
Đối mặt với sự thật, nói rõ sự thật cũng là giải pháp được đặt ra từ Đại hội VI của Đảng. Chừng nào còn né tránh nó, che giấu nó, thì tổ chức Đảng sẽ suy yếu, công cuộc chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Cán bộ xã Thanh Mai (Thanh Chương) trao đổi với người trồng chè xóm Đá Bia. Ảnh tư liệu: Thanh Phúc |
Ông cha ta dặn: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Hầu hết số tham nhũng, tiêu cực là cán bộ, đảng viên. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cao cấp thoái hóa, biến chất, tiêu cực - họ không vì dân, họ “ký sinh” trên dân, đục khoét của dân thì dân giảm lòng tin với Đảng. Họ đã tạo nên nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Nhân dân muôn đời vẫn là những người yêu nước. Dân chỉ tin Đảng khi Đảng vì dân, “Ý Đảng hợp với lòng Dân”. Cán bộ của tổ chức nào hư hỏng thì niềm tin của Dân với tổ chức đó giảm sút. Đó là một quy luật.
Như những thời điểm “điểm nút” của thách thức cam go, Nhân dân vẫn chờ đợi, kỳ vọng vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Dân muốn mỗi tổ chức, đảng viên thấm nhuần, làm theo lời Bác dạy: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.